Các nàng nghiện tiểu thuyết luôn đặt mình vào những tình huống lãng mạn như phim ảnh để rồi ‘hành hạ’ chàng hoàng tử bạch mã ngoài đời.
Gò mình theo tiểu thuyết
Thu Trang (26 tuổi, Hà Nội), khi còn là sinh viên trường Đại học Công Đoàn cô có sở thích tuần nào cũng phải “nghiền” xong ít nhất 2 bộ truyện tiểu thuyết Quỳnh Dao. Hình ảnh cô nàng đang trong lớp học rồi chạy như bổ củi ra trước sân trường nhặt lá vàng rơi đưa lên mũi hít hít ban đầu còn khiến dân tình trong lớp há hốc mồm nhưng sau rồi lại quen. Trang được bình chọn là cô nàng lãng mạn nhất lớp.
Có những truyện cô đọc đi đọc lại không biết bao lần và cô tự nhủ: “sau này mình cũng sẽ có một tình yêu đẹp hơn thế”. Cứ như vậy, hàng ngày cô mong ngóng về hoàng tử bạch mã của đời mình xuất hiện.
Vì thế khi gặp Trung Đức, Trang cũng áp dụng những kiểu tình yêu như trong tiểu thuyết vào chuyện tình cảm của mình.
Ban đầu, Đức cảm thấy Trang rất tinh tế, một người con gái khá thú vị khi ngày sinh nhật mình, người yêu bỏ công đi tìm một nơi tuyệt đẹp để họ cùng ngắm sao trời, rồi những ngọn nến được thắp rất tỉ mỉ xung quanh.
Đến khi cô nàng bắt anh người yêu bỏ xe máy và đi bộ cùng nàng bất kể nắng mưa, đi bộ được 5-10 phút cô lại nhờ anh cõng vài cây số mặc gió, mưa bụi, tắc đường, mặc những ánh mắt người ngoài đường ái ngại hắt về anh, anh bắt đầu thấy cô nàng có vấn đề.
Không chỉ dừng lại đó, mỗi khi cãi nhau, Trang lại mất tích, tháo sim, tắt điện thoại, khoác balo trên vai bỏ đi xa. Lần đầu, chàng tá hỏa đi khắp nơi từ nhà đến công ty nàng hỏi, nhưng được chưa đầy ngày, cô người yêu liên lạc bảo đang ở bãi biển nọ. Chàng lại bắt xe đến đón. Cả ngày trời bỏ công bỏ việc, chàng bở hơi tai tìm người yêu.
Quá tam ba bận, ngán ngẩm những cách Trang thể hiện, rồi lại bận bịu với công việc, chàng không đi tìm nàng thì nàng lại hậm hực “Anh là người khô khan, rô bốt, vô cảm” rồi khóc ngon lành. Người yêu Trang bắt đầu thấy chán nản và mệt mỏi, cuối cùng anh nói lời chia tay.
Trang muốn được người yêu cõng như phim Hàn Quốc (Ảnh minh họa)
Thanh Hằng cũng có thói quen tương tự, cô tuyên bố chỉ yêu chàng nào dám hy sinh bản thân giống như trong những mô típ người hùng cứu mỹ nhân. Mỗi lần có anh nào ngỏ lời, cô lại nhờ bạn bè thậm chí thuê người dàn dựng một vở kịch cướp giật, ghen tuông ngoài đường xem phản ứng của chàng như thế nào. Điều này khiến chàng nào cũng sợ xanh mặt bỏ chạy sau một thời gian tìm hiểu, chẳng ai dám yêu cô lâu dài.
Trường hợp của Hồng Thương lại khác, cô thích đọc tiểu thuyết tình yêu, và hay hình dung chàng trai của mình phải giống như nhân vật nam chính trong một cuốn sách mà cô yêu thích. Cô tự ép mình phải yếu đuối để chàng che chở, còn chàng sẽ tới bên cô như người hùng, khi nào cô cần chàng cũng sẵn sàng có mặt, ôm cô vào lòng, để cô gục đầu vào đôi vai vững chắc của chàng. Ban đầu, Kiên – chàng hoàng tử bạch mã còn thông cảm vì người yêu tính dịu dàng, khi người yêu gọi Kiên cũng đều có mặt thể hiện tình yêu của mình với nàng. Nhưng sau này, càng ngày Kiên càng mệt mỏi khi Thương nhắn “em đang ở chỗ này, chỗ kia, anh tới bên em đi”. Thậm chí, có lần Thương còn giả vờ bị xe đâm để Kiên chạy đến đỡ mình (y như trong phim Hàn). Làm Kiên phát ngán với tiểu thư Hồng Thương.
Đặt sách xuống và ngẫm cách yêu
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lý (Trung tâm tư vấn Tâm lý Hôn nhân & Gia đình), duy trì lãng mạn là tốt nhưng không nên coi quá nặng chuyện này. Tình yêu hay hôn nhân cũng như một món canh, vừa gia vị, đủ nguyên liệu, đúng công thức thì ngon; ngược lại, thành ra dở.
Những gì xảy ra trong suy nghĩ người phụ nữ khi xem phim hay đọc một truyện tình cảm lãng mạn không khác gì cảm xúc của người đàn ông khi xem sách báo khiêu dâm. Khi xem loạt hình ảnh này cơ thể người đàn ông sẽ sản sinh ra một loại hooc môn khiến họ luôn cảm thấy bứt rứt phấn khích. Nếu lượng hooc môn này vượt quá lượng kiểm soát, họ sẽ có những hành vi không kiểm soát được.
Tình yêu sẽ đẹp hơn khi lãng mạn, song không nên quá mức kẻo thành ‘bội thực’ (Ảnh minh họa)
Phản ứng này cũng xảy ra tương tự ở chị em phụ nữ trong lúc xem phim hoặc đọc những câu truyện tình cảm ướt át. Điều gì sẽ xảy ra nếu cô gái tin vào câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng trên tiểu thuyết lãng mạn kia? Hệ lụy là họ sẽ áp đặt các tình tiết trong tiểu thuyết vào tình yêu thực của mình và khiến họ trở nên bí bách, tự trách mình “Tại sao tình yêu của mình không đẹp như trên phim”, “Sao anh ý không hôn chào tạm biệt mình”…
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu chị em muốn lãng mạn, tránh chọn cách bất ngờ đến choáng váng. Cũng đừng ép người yêu hay bạn đời phải làm thế này, thế kia mới thỏa mãn.
Nếu một ngày chàng “ếch” của bạn đang chở bạn đi dạo dưới trời mưa, bỗng nói một câu “Về nhà thôi, ốm đấy em à!” liệu có khiến bạn cụt hứng! Nếu bạn trả lời “Có” cũng đừng vội buồn nhé!
Phụ nữ hầu hết ai cũng đều thích xem phim Hàn, rồi “chết mê chết mệt” với những cảnh quay lãng mạn trong phim khi đôi uyên ương tay trong tay nhau cùng nhau đi dạo trên tuyết, chàng trai cõng cô gái với những lời yêu thương ngọt ngào cùng hàng ngàn cử chỉ âu yếm dịu dàng, đáng yêu khác.
Nhưng, sự thật thì cuộc sống không giống như phim ảnh, vì những gì trình chiếu trên phim chỉ là lát cắt cuộc sống, mà lát cắt có bao giờ đầy đủ.
Phút giây lãng mạn giữa các nhân vật trong phim khiến người xem thích thú trôi theo cảm xúc của họ. Tuy nhiên, nhiều bạn gái để cho tâm hồn mình “trôi” quá nên thành ra lúc nào cũng mong muốn cuộc sống giống y như trên phim.
Lãng mạn có khi là những điều bất ngờ trong cuộc sống, không trải qua sắp đặt mà vẫn thú vị và khiến người ta phải nhớ mãi. Thực tế, đa phần con trai tính lãng mạn trong người tồn tại rất ít, nhưng con gái biết “mở đường” thì con trai sẽ rất tinh tế. Còn nếu lãng mạn mà bắt mọi thứ theo ý mình sẽ không còn lãng mạn nữa, đó chỉ là “ lãng xẹt ” mà thôi.
(Theo eva)