Nhà hát Bolshoi, biểu tượng của nền văn hóa Nga, đã mở cửa lại vào hôm 28/10 sau 6 năm tu bổ, tốn kém 21 tỷ ruble (681 triệu USD, nhằm khôi phục lại sự lông) lẫy và danh tiếng nghệ thuật vốn có.
Nhà hát được mở cửa lại với một chương trình gala, có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nga và nhiều nghệ sĩ quốc tế.
Trước khi chương trình mở màn, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phát biểu: “Đây là một ngày hạnh phúc của đất nước chúng ta. Đất nước Nga rất lớn, nhưng các biểu tượng đoàn kết và tài sản quốc gia mà chúng ta vẫn gọi là thương hiệu quốc gia lại rất có hạn. Nhà hát Bolshoi là một trong những thương hiệu quốc gia lớn nhất của chúng ta. Tôi tin rằng công trình đã được tu bổ này sẽ phục vụ nhiều thế hệ kế tiếp”.
Chương trình gala được phát trên một màn hình lớn ở bên ngoài Nhà hát và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Nga cũng như ở nhiều rạp chiếu trên toàn thế giới. Chương trình có sự tham gia của nhiều ngôi sao như nghệ sĩ ballet chính Svetlana Zakharova, giọng ca soprano Pháp Natalie Dessay, các ngôi sao opera Dmitri Hvorostovsky và Angela Gheorghiu cùng các nghệ sĩ ballet trẻ của Nhà hát Bolshoi.
Trở lại vinh quang của thế kỷ 19
Nhà hát Bolshoi đã phải đóng cửa từ năm 2005 để tu bổ khi tình trạng của tòa nhà xuống cấp một cách tồi tệ. “70% của tòa nhà đã đổ nát và rất dễ đổ sụp. Thông thường, những trường hợp như vậy thì người ta không sửa chữa mà phá dỡ hẳn. Khi tiếp quản dự án này năm 2009, chúng tôi không thể nghĩ rằng Nhà hát có thể mở cửa lại vào năm nay. Đây là sự kiện văn hóa lớn không chỉ đối với nước Nga mà toàn thế giới” – Mikhail Sidorov, đại diện của Summa Capital, công ty xây dựng xúc tiến dự án từ năm 2009.
Phần nội thất của nhà hát Bolshoi đã được phục chế nguyên xi như hồi năm 1896. Hàng ngàn chuyên gia đã làm việc tỉ mỉ và chi tiết khi phục chế các bức thảm thêu, màn sân khấu, đồ gỗ, các tiền sảnh bằng đá cẩm thạch, cầu thang và chiếc đèn treo “khổng lồ” cao tới gần 8m.
Tuy nhiên, sân khấu trong thính phòng chính đã được thiết kế lại để các nghệ sĩ ballet dễ di chuyển, trong khi nhiều phần khác và những cánh cửa sập sẽ được vận hành bằng công nghệ hiện đại. Dưới tầng ngầm là các phòng thay đồ, phòng tập… Công trình tu bổ đã tạo thêm 50.000m2 không gian trong nhà hát. Song quan trọng nhất là các cột móng bằng gỗ sồi mục nát đã được thay thế bằng những cột thép vững chắc.
Mới đây, một nhóm các nghệ sĩ ballet và opera cựu trào của nhà hát đã tới thăm và nhiều người đã xúc động không cầm được nước mắt. “Chúng tôi đã dành cả cuộc đời mình trong tòa nhà này và có cảm tưởng như mình không thể sống nổi nếu thiếu nhà hát” – Boris Akimov, người dạy ballet nổi tiếng nói và khẳng định sân khấu mới là mơ ước của mỗi nghệ sĩ ballet.
Mang lại uy tín cho quốc gia
Nhóm nghệ thuật Bolshoi được thành lập vào năm 1776 và Nhà hát hiện nay được xây dựng để thay thế nhà hát cũ đã bị quân đội của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đốt cháy khi họ chiếm đóng Moskva vào năm 1812. Nhà hát đã trải qua nhiều cuộc tu bổ lớn sau khi tòa nhà lại hứng chịu một trận hỏa hoạn khác vào năm 1855. Nhằm đẩy nhanh ngày mở cửa nhà hát để làm vừa lòng Nga hoàng Alexander II mới lên ngôi, các nhà xây dựng đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng để hoàn thành công trình và họ vẫn không xử lý nền móng đã bị lún của tòa nhà.
Thính phòng chính nhà hát Bolsoi mới tu bổ
Tuy nhiên, theo thời gian, các vết nứt xuất hiện chằng chịt như mạng nhện khắp tòa nhà. “Theo dõi quá trình tu bổ tòa nhà ngay từ thời đầu, tôi thấy sợ. Cấu trúc của nó đã bị xuống cấp tới mức có thể sụp đổ hoàn toàn” – Anatoly Ikshanov, Tổng giám đốc nhà hát Bolshoi, nói.
4 năm đầu, dự án tu bổ đã “ngập” trong những cáo buộc tham những, lãng phí và thiếu trình độ. Năm 2009, phòng kế toán của Duma Quốc gia tố cáo các nhà xây dựng đã chi quá tay gấp 16 lần so với kinh phí, chưa kể tiến độ thi công bị muộn 3 năm so với kế hoạch. Do vậy, điện Kremlin đã sa thải hầu hết những ai liên quan đến dự án. Nhà thầu mới là Tập đoàn Summa tiếp quản công trình.
“Thực hiện dự án tu bổ này tức là mang lại uy tín cho quốc gia, vì vậy mọi công việc đều được đặt lên hàng đầu và kết quả là những gì mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay” – Sergei Hodnev, nhà phê bình sân khấu nói với tờ nhật báo Kommersant.
(Theo TT&VH)