Ngày 4/10, tại Stockholm (Thụy Ðiển), Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nobel quyết định trao giải Nobel Vật lý 2011 cho hai nhà khoa học Mỹ Saul Perlmutter và Adam Riess cùng nhà khoa học Brian Schmidt (mang hai quốc tịch Mỹ – Úc), bởi những nghiên cứu đột phá của họ về tốc độ giãn nở vũ trụ.
Thông báo của Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nobel cho biết, ba nhà khoa học trên đã nghiên cứu vài chục siêu tân tinh (ngôi sao phát nổ) ở xa và phát hiện ra rằng, vũ trụ đang giãn nở với tốc độ tăng nhanh. Điều này giúp thay đổi hiểu biết của nhân loại về vũ trụ.
Từ trái sang là các giáo sư: Adam G. Riess, Brian P. Schmidt, Saul Perlmutter.
Ảnh: Nobel Prize
Một nửa giải Nobel Vật lý trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,44 triệu USD) sẽ thuộc về ông Saul Perlmutter, nhà khoa học trong dự án Vũ trụ học Siêu tân tinh tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley thuộc đại học California, Mỹ. Nửa giải còn lại chia đều cho ông Brian Schmidt thuộc Nhóm Nghiên cứu Siêu tân tinh ở đại học Quốc gia Úc và Adam G. Riess thuộc Nhóm Nghiên cứu Siêu tân tinh thuộc đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Kính viễn vọng Vũ trụ ở Baltimore.
Sau khi kết quả được công bố, qua điện thoại Giáo sư Schmidt đã cho biết: “Tôi cảm thấy hạnh phúc giống như khi các con tôi chào đời”.
Được biết, giáo sư vật lý thiên thể Saul Perlmutter sinh năm 1959 tại thị trấn Champaign-Urbana, bang Illinois, Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ Đại học California năm 1986. Ông giữ vai trò trưởng nhóm nghiên cứu dự án Vũ trụ học siêu tân tinh (Supernova Cosmology Project), thuộc phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley và Đại học California, Berkeley, Mỹ.
Giáo sư Brian P. Schmidt mang hai dòng máu Mỹ-Úc, sinh năm 1967 tại Missoula, bang Montana, Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Harvard năm 1993. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu siêu tân tinh High-z (High-z Supernova Search Team), Đại học Quốc gia Úc, Weston Creek, Úc.
Giáo sư Adam G. Riess sinh năm 1959 tại thủ đô Washington, Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Harvard năm 1996. Ông hiện là giáo sư Thiên văn và Vật lý, Đại học Johns Hopkins và viện Khoa học kính thiên văn không gian, thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ.
Vào năm 2006, ba nhà khoa học đã cùng nhận giải thưởng Shaw trong lĩnh vực thiên văn nhờ phát hiện của họ.
Nobel Vật lý là giải thuởng thường niên của Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Ðiển. Năm 2010, giải thuởng này được trao cho hai nhà khoa học Nga là Andre Geim và Konstantin Novoselov vì “những phát hiện đột phá chất graphene hai chiều”.
Bắc Lưu (Tổng hợp)
(theo bee)