Vệ tinh ROSAT sẽ quay trở lại khí quyển trong khoảng thời gian từ ngày 21.10 đến 24.10, theo dự báo của các nhà khoa học. Nó có thể rơi tại bất kỳ nơi nào nằm giữa vĩ tuyến 53 độ bắc vĩ tuyến 53 độ nam (bao gồm cả Việt Nam).
|
Theo tờ Daily Mail, DLR ước tính xác suất để mảnh vỡ của vệ tinh rơi trúng một người nào đó trên Trái đất là 1/2.000, cao hơn xác suất 1/3.200 của vệ tinh Nghiên cứu Thượng tầng Khí quyển (UARS) thuộc NASA vốn rơi xuống Trái đất vào tháng trước. Xác suất để một người nhất định bị các mảnh vỡ của ROSAT rơi trúng là 1/14.000 tỉ.
“ROSAT không có hệ thống đẩy có thể sử dụng để thay đổi quỹ đạo hoặc hướng rơi trở lại khí quyển. Điều này có nghĩa là quá trình trở lại khí quyển của ROSAT không thể được kiểm soát”, DLR thông báo trong tuần này.
Khi vệ tinh tiếp cận Trái đất, các nhà khoa học có thể ước lượng chính xác hơn thời điểm rơi.
DLR cảnh báo rằng khoảng 30 mảnh vỡ cân nặng tổng cộng 1,6 tấn có thể rơi xuống Trái đất. Một tấm gương chịu nhiệt của ROSAT có thể sẽ không bốc cháy trong quá trình trở lại khí quyển, nên những mảnh vỡ có thể bao gồm các vật sắc nhọn.
Tuy nhiên, giáo sư Heiner Klinkrad thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu trấn an rằng: “Trong hơn 50 năm lịch sử thăm dò vũ trụ, chưa có người nào bị tổn hại (bởi mảnh vỡ của các vệ tinh rơi)”.
ROSAT được phóng lên quỹ đạo vào ngày 1.6.1990 tại bãi phóng ở mũi Canaveral của Mỹ cho một sứ mệnh vốn chỉ được lên kế hoạch kéo dài trong 18 tháng. Thực tế, nó đã hoạt động trong hơn tám năm và cuối cùng chấm dứt sứ mệnh vào ngày 12.2.1999. DLR cho biết họ không thể kết nối với ROSAT kể từ khi nó kết thúc sứ mệnh cuối cùng.
Vào ngày 24.9, vệ tinh UARS nặng sáu tấn của NASA đã rơi xuống Thái Bình Dương và không có ai được ghi nhận bị thương vì các mảnh vỡ.
Sơn Duân