Cô học sinh giỏi làm “đôi chân” của chị gần 10 năm
Friday, November 25, 2011 7:45
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Loan đã từng cõng chị An đi 5, 6 cây số dù trời nắng hay mưa. Cô học sinh đầy nghị lực này đã giúp chị gái có thể đi học suốt 10 năm ròng rã.
Tại ngôi trường cấp 3 Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai, đã nhiều năm rồi, rất nhiều người cảm động và thán phục trước hoàn cảnh của hai chị em cùng nhau vượt khó. 20 năm trước, Hoàng Thị An (sinh năm 1991) được sinh ra và mắc phải một căn bệnh kì lạ khiến đôi chân càng ngày càng teo tóp và mất đi khả năng di chuyển. May mắn thay, ba năm sau, Hoàng Thị Loan (sinh năm 1994) ra đời với một sức khỏe bình thường, làm cả gia đình như bớt được một nỗi lo vì cứ sợ Loan sẽ bị di truyền giống chị.
Loan (áo vàng) bên cạnh chị An.
Hai chị em An và Loan sống với nhau từ nhỏ dưới sự chăm sóc và yêu thương lẫn nhau. Biết chị bị bệnh, thường xuyên phải trải qua những cơn đau về thể xác, Loan lúc nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và luôn nghe lời chị. Đến tuổi đi học, dù không thể đi lại bình thường như bao bạn bè đồng lứa khác, nhưng An lại muốn đến trường hơn bất kì ai. Đến năm học lớp 6, tình trạng bệnh của An trở nặng, phải nằm tại bệnh viện tỉnh suốt mấy tháng trời liên tục. An không thể theo kịp bài vở cùng các bạn nên quyết định tạm ngưng việc học để bệnh tình đỡ hơn. Hai năm sau, An có thể đến lại giảng đường. Hằng ngày, bà con quanh xóm đều thấy Loan ẵm chị An đi 5 – 6 cây số, kể cả trời nắng hay mưa.
Đoạn đường từ nhà đến trường đã xa mà còn rất nguy hiểm, từ 2 đến 3 cây số đầu gần nhà đều là đất đỏ, hễ trời mưa thì nước lại ngập, đường trơn. Loan nhớ hồi học lớp 9, khi đang chở chị đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch giữa cơn mưa to, đất bám đầy quanh bánh xe khiến hai chị em ngã nhào xuống đất. Còn đi thêm chút nữa sẽ gặp cánh đồng cao su trải dài như bất tận, đèn đường lại không có. Cuối năm lớp 9 hai chị em phải đi học thêm nên về khá muộn, chạy ngang con đường này mà trong lòng cảm thấy hồi hộp và lo lắng, Loan tự nghĩ: “Lỡ có chuyện gì xảy ra thì cũng chẳng có ai biết mà giúp đỡ”. Thế nhưng, bằng chính sự kiên cường của mình, Loan đã có thể che chở chị An vượt bao khó khăn trong suốt 10 năm chỉ để mong có được con chữ. Thời gian cứ trôi, có chị ở bên cạnh, bao nhiêu mệt mỏi trong Loan bay biến đi đâu hết.
Chị An chia sẻ với chúng tớ: “Đến trường cùng em như vậy rất vui, nhưng đôi lúc cũng sợ vì bản thân mình mà khiến em ấy có thêm gánh nặng. Vậy mà chẳng bao giờ Loan than vãn, nên mình cũng đỡ lo phần nào.” Còn khi tâm sự cùng Loan ngay giữa giờ ra chơi tại trường, Loan nói rằng: “Được đi học cùng chị là niềm hạnh phúc lớn của mình. Mình chẳng ngại phải cực nhọc bao nhiêu hay trong bao lâu, miễn chị được hạnh phúc và có thể quên đi khuyết điểm của bản thân, rồi hòa nhập với xã hội và cuộc sống xung quanh.”
Loan còn có trách nhiệm chăm sóc, giúp chị vệ sinh cá nhân.
Không phụ lòng em và gia đình, An trở thành học sinh giỏi suốt 12 năm liền, tốt nghiệp cấp 3 đạt được rất nhiều điểm cao. Loan cũng thế, trong trường không ai là không biết đến cô học trò hiếu thảo, ngoan ngoãn mà học tập cũng chẳng kém cạnh ai. Đây là xấp giấy khen mà cô Hương (mẹ của hai chị ấy) cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy ra xem như thể an ủi một phần nào nỗi đau của người làm mẹ:
Những tờ giấy khen luôn được mẹ của Loan cất cẩn thận.
Cô Hương ngậm ngùi nói: “Gia đình tuy không quá thiếu thốn, nhưng tôi lại chẳng biết làm gì cho các con. Gia đình có 6 chị em mà hết hai đứa bị mắc cùng căn bệnh, đến bác sĩ còn chịu thua thì… (cô thở dài). Nhà có vài mảnh đất trồng cà phê làm thu nhập chính, chồng làm đi làm xa, một thân tôi cố gắng ngoài vườn làm lụng mong sao cải thiện thêm cuộc sống các con sau này. Mỗi lần nhìn thấy bé Loan ẵm chị đi loanh quanh nhà, lo cơm nước, vệ sinh cho chị mà lòng tôi cũng đau xót. Nhưng rồi, tôi cũng không biết nên làm như thế nào…” Có thể nói, sự hiếu thảo và thành tích học tập xuất sắc của cả An và Loan là nguồn động lực lớn nhất mà cô Hương có thể tiếp tục sống.
Ở trường, Loan được rất nhiều bạn bè, thầy cô quý mến. Hạnh là người bạn thân nhất, hiện đang học cùng lớp với Loan cũng bày tỏ: “Chơi với Loan suốt 2 năm nay, lúc nào mình cũng ngưỡng mộ bạn ấy, cả về việc học lẫn tấm lòng hiếu thảo.” Không chỉ thế, mà hễ chị An có buổi đi chơi hay họp mặt bạn bè thì Loan rất nhiệt tình “đèo” chị đi, nên bạn bè của chị An cũng xem Loan như một thành viên của lớp.
Hạnh là cô bạn thân nhất trong lớp của Loan.
11 năm liền Loan là học sinh giỏi và là một trong 800 học sinh xuất sắc khu vực miền Nam được nhận giải Hoa Trạng Nguyên.
Thầy cô, bạn bè chẳng ai quên được cô học trò chăm chỉ và có tấm lòng trong sáng này.
An tốt nghiệp xong cấp 3 nhưng quyết định tự ôn tập ở nhà một năm để đợi Loan cùng thi đại học. Nếu đậu, hai chị em sẽ cùng nhau lên thành phố, cùng nhau đến trường, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Ước nguyện của An và Loan là theo học ngành Tài chính – Ngân hàng, nhưng nghĩ lại học ngành này xong sẽ rất khó tìm được việc làm vì họ yêu cầu có ngoại hình, nên hai chị em đã cùng nhau chuyển sang ngành Kế toán. “Nói chung tương lai của chúng tớ vẫn còn rất xa. Dù biết rằng phía trước sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng mình không sợ điều gì cả, chỉ mong nghị lực của mình không bao giờ “tắt” để có thể cùng chị đi hết quãng đường.” – Loan tâm sự.
Ở nhà rảnh rỗi là hai chị em chơi cùng nhau.
Loan còn giúp mẹ phơi cà phê mỗi ngày.
Nhiều người tự hỏi rằng: “Chẳng biết cô bé lấy sức mạnh từ đâu mà có thể làm “đôi chân” cho chị suốt 10 năm trời.”
[flashvideo file=http://media.tin180.com/uploads/2011/11/mot_ngay.flv&image=http://media.tin180.com/wp-content/blogs.dir/11/files/2011/11/co-hoc-sinh-gioi-lam-doi-chan-cua-chi-gan-10-nam-1.jpg /]
Loan còn giúp mẹ phơi cà phê mỗi ngày.
Nhiều người tự hỏi rằng: “Chẳng biết cô bé lấy sức mạnh từ đâu mà có thể làm “đôi chân” cho chị suốt 10 năm trời.”
[flashvideo file=http://media.tin180.com/uploads/2011/11/mot_ngay.flv&image=http://media.tin180.com/wp-content/blogs.dir/11/files/2011/11/co-hoc-sinh-gioi-lam-doi-chan-cua-chi-gan-10-nam-1.jpg /]
Clip “Một ngày của Loan” do chúng tớ ghi lại.
(Theo Kenh14)