Chồng Mai giải thích là chỉ ăn một bữa cơm nhà mỗi ngày nên tiền cơm đưa thế là đủ. Các khoản chi phí khác như điện, nước, gas, internet, truyền hình cáp… thì luân phiên chồng đóng tháng này, vợ đóng tháng sau. Bây giờ có con nhỏ, mỗi tháng chồng Mai chi thêm 1 triệu, không hơn, không kém.
Mai kể, nhìn bề ngoài, chồng Mai có vẻ rất rộng rãi. Anh không tính toán với bạn bè, nhất là trong những cuộc nhậu. Tuy nhiên với vợ con, anh lại là người đàn ông keo kiệt. Hôm vừa rồi, bé nhà Mai sốt phải nhập viện. Mai chìa tay xin tiền chồng, chồng Mai dửng dưng đáp: “Lương đâu cả rồi? Đem biếu quỹ người nghèo hết rồi à?” khiến Mai ấm ức phát khóc. Sẵn cơn tự ái, Mai định bụng sẽ chỉ sinh một con thôi rồi tự nuôi con khôn lớn, chồng muốn góp bao nhiêu thì góp, không thì “đường ai nấy đi” cho gọn.
Cũng được mang tiếng làm vợ giám đốc nhưng Hoài chẳng được quản lý cả “kho” tiền như họ hàng. Người thân Hoài vẫn tưởng. Hàng tháng, chồng Hoài đưa vợ 3 triệu tiền sinh hoạt, 2 triệu tiền nuôi con. 5 triệu mỗi tháng, lại có nhà riêng nhưng Hoài luôn có cảm giác nghẹt thở. Bởi lẽ, chồng Hoài rất hay đòi hỏi: ăn xong là phải có hoa quả tráng miệng, bia để tủ lạnh hết thì Hoài phải “biết đường” mà mua, không khéo đổi món – đổi bữa là bị chồng chê: “Sao suốt ngày loanh quanh với mấy miếng thịt lợn?”… Con nhỏ ốm, Hoài kêu tốn tiền, gợi ý để chồng đóng thêm nhưng lại bị chồng trách: “Nuôi con kiểu gì mà suốt ngày đau với ốm”. Xong, anh đưa luôn vợ 5 triệu và dặn dò: “Đóng sớm luôn tiền sinh hoạt tháng tới”.
Tháng nào chồng Hoài đi công tác thì anh tự cắt khoản sinh hoạt đóng cho vợ, chỉ đưa 2 triệu nuôi con. Nhiều lần, Hoài muốn ly hôn “quách” cho rồi vì quá ngột ngạt với anh chồng toan tính. Tuy nhiên phần vì thương con nhỏ, phần vì thỉnh thoảng chồng cũng tự nguyện mua sắm đồ nội thất mới nên Hoài cũng thôi ý định bỏ nhau.
Minh (25 tuổi, nhân viên văn phòng) có chồng “già chát” (hơn cô 15 tuổi) là giám đốc một hãng mỹ phẩm của Nhật nhưng cũng “kẹo kéo” chia sẻ: “Ban đầu, mình cũng shock lắm. Ai cũng nghĩ mình lấy được chồng giàu thì tha hồ ăn chơi, tiêu xài nhưng nào ai biết, mỗi tháng mình chỉ được chồng đưa 3 triệu tiền ăn uống, điện, nước thôi”. Mỗi khi Minh có ý hỏi chồng chuyện thu nhập, tiền nong là chồng cô lờ đi hoặc lảng sang chuyện khác. Có lần, Minh mua sắm quần áo, nữ trang nhưng chồng lại tỏ vẻ khó chịu, bảo: “Tiêu xài thế thì tiết kiệm để sinh con làm sao”. Minh chán ngán, đã từng viết đơn ly hôn, định nộp ra tòa. Tuy nhiên, khi được chồng năn nỉ, dỗ dành Minh lại nguôi ngoai.
Minh cũng từng định một lần nào đó, chồng đưa tiền sinh hoạt, sẽ ném trả ngay cho chồng mà nói “mát”: “Giám đốc gì mà đưa vợ có 3 triệu. Biết thế này thà làm vợ thường dân còn hơn”. Tuy nhiên khi bình tĩnh, Minh đổi ý.
“Đừng lúc nào cũng nghĩ chồng mình ‘giám đốc giám điếc’ gì đó cho mệt óc. Mình bây giờ nghĩ đơn giản là chồng đóng sinh hoạt phí hàng tháng. Sau này, có con thì góp tiền nuôi con là mừng rồi. Còn cái khoản ‘kếch sù’ nào đó biết đâu sau này mình lại được chồng giao cho quản lý. Hoặc coi như tiền chồng là tiền để đầu tư cho con. Miễn sao chồng mình đừng mang tiền ‘bao gái’ là được” – Minh cho biết.
Dù chán nhưng bây giờ, Minh không có ý định bỏ chồng nữa. Nếu thiếu tiền sinh hoạt, Minh lựa lúc chồng vui vẻ để đề xuất góp thêm. Mỗi ngày đi chợ hết bao nhiêu, Minh đều ghi chép cẩn thận để “đối chứng” với chồng, không lại bị mang tiếng là tiêu hoang… Bản thân Minh nếu muốn sắm sửa cái gì hay muốn đi du lịch, vui chơi ở đâu thì đề xuất với chồng. Nếu hợp lý thì kiều gì chồng Minh cũng “chịu chi”.
Theo Ngọc Bình
Mevabe