Gặp cô gái trẻ không chịu ngồi yên 1 phút
Wednesday, November 16, 2011 12:31
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Sống tự lập từ nhỏ, coi du lịch như một phần tất yếu trong cuộc sống của mình, Vũ Ngọc Băng Thảo đã có những chia sẻ về những chuyến đi của mình trong lần trở về quê hương.
Băng Thảo sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Năm 2005, Thảo đi du học tại Úc, 2 năm sau gia đình cô định cư bên Mỹ. Cô sinh năm 1987, mới trở thành thạc sỹ ngành tài chính của Học viện công nghệ Massachusetts, thành phố Cambridge – Hoa Kỳ vào tháng 10/2011 . Chuyến du lịch kết thúc những năm học Đại học của cô được chọn là về Việt Nam 1 tháng.
Vũ Ngọc Băng Thảo lúc mới xuống sân bay Nội Bài.
Ngọc Thảo tâm sự: “Ở nước ngoài, năm nào họ cũng đi du lịch hết. Đó không phải là mốt mà họ quan niệm: đi để khám phá, để hiểu biết thế giới. Việc đi như thế phục vụ cuộc sống của mọi người rất nhiều. Suy nghĩ của người đi nhiều bao giờ cũng đa chiều và tích cực hơn những người lười đi du lịch. Anh hai em sinh năm 1982, công việc rất bận, nhưng anh đã đi được hơn 60 nước rồi đấy”.
“Thực ra người Mỹ không phải hào phóng trong việc chi tiêu đi lại đâu. Họ đã tính tài chính giỏi lắm, khó mà bị lạm phát khi đi du lịch. Mỗi thứ họ đều tìm hiểu từng ly từng tý, lên hẳn kế hoạch chi tiết, mọi chi tiêu không bao giờ bị động”, Thảo chia sẻ kinh nghiệm.
Cô gái nhỏ nhắn này có kinh nghiệm đi du lịch từ những năm học phổ thông. Cô được bố mẹ khuyến khích cho những chuyến đi chơi đến các vùng miền xa. Và đặc biệt, lúc nào cô muốn đi là “tự xách giỏ và xin phép bố mẹ cho đi, tuyệt đối không xin tiền bố mẹ. Tiền em đi du lịch, kể cả du lịch nước ngoài em cũng đều tiêu tiền do em làm”.
Trong chuyến du lịch về Việt Nam, Thảo đi rất nhiều các vùng quê. Cô không đi theo tour mà tự mình đi đến những vùng miền: Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Cô đi du lịch theo đúng nghĩa của dân Tây ba lô.
“Mà về Việt Nam du lịch em thấy buồn ghê. Khi em đi, em phải dùng giấy tờ tùy thân của mình từ thời vẫn còn ở nhà, sợ mọi người biết mình mới về nước sẽ bắt nạt. Thế mà ra Hà Nội vẫn bị ấm ức khi bị phân biệt đối xử. Em nói giọng miền Nam, là bị bắt nạt liền”, Thảo bức xúc chia sẻ.
“Em bị phân biệt đối xử chỉ vì không nói được giọng Bắc”
Thảo kể: chưa bao giờ cô bị chèn ép như khi đi du lịch trên chính quê hương mình. Cô đã từng tự tin đi rất nhiều nơi với vốn tiếng Anh chuẩn Quốc tế và vốn kinh nghiệm đi lại nhiều ở các quốc gia từ Châu Á, sang châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Nhưng cô lại bị “bắt nạt” ở ngay chính nơi cô dùng tiếng mẹ đẻ khi đi du lịch.
“Em đi chơi ở Thiên Đường Bảo Sơn vì được biết thông tin quảng cáo trên website đây là nơi rất đẹp, tương đương với Đầm Sen ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng khi đến, mọi hạng mục vẫn chưa hoàn thành, bụi bẩn và ồn ào. Em nhờ một chị chụp ảnh ở đó chụp giùm bằng máy của em. Chị ấy bấm liên tục hơn 100 kiểu và lấy công hơn 10 nghìn một kiểu. Em phải trả hơn 1 triệu, rất vô lý nhưng họ kéo thật đông đến để ép em. Lúc đó em có một mình thôi …”.
Một kiểu ảnh chụp tại máy của Thảo (không rửa) được cô thợ ảnh lấy … 10.000 đồng.
Thảo phải trả hơn 1 triệu cho hơn 100 kiểu ảnh kiểu này.
Nhưng cô lại có những kỷ niệm đẹp khi gặp gỡ những người bạn ở các vùng nông thôn. Cô say xưa kể về chuyến đi về suối cá thần ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Cô ngưỡng mộ những người dệt vải, thêu thùa ở các vùng nông thôn. Cô đã phải kêu lên: “Các sản phẩm truyền thống rất đẹp, thật rẻ, nhưng cũng thật khó tìm”.
Thảo được chọn là người chơi Organ trong nhà thờ. “Một kỷ niệm đáng nhớ của em khi về đây là qua một người bạn giới thiệu, em đã được chơi trong một buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện cho trẻ em khuyết tật. Em rất vui khi đến một nơi nào đó mà được mọi người coi như thành viên trong cộng đồng”.
Thảo nói: “Ngồi không một phút em cảm thấy phí phạm bao nhiêu thứ. Thế là phải lùng sục, phải đi, phải tìm hiểu và làm việc thôi”.
Ngồi không làm gì một phút em cũng thấy phí
nên phải đi, phải lùng sục nếu không làm việc.
Theo Thảo, những bạn học sinh, sinh viên nước ngoài thường có những kế hoạch du lịch trong các kỳ nghỉ. “Nghỉ dài có chuyến đi dài, nghỉ ngắn có những chuyến đi ngắn. Họ không ngại đi nước ngoài, không ngại va chạm cuộc sống bên ngoài. Họ rất tự tin để sống ở những nơi hoàn toàn xa lạ. Em thấy các bạn trẻ ở Việt Nam hình như ngại đi, ngại tìm hiểu …”.
Cô thạc sỹ trẻ nói chắc nịch: không gì học hỏi những điều hay, đẹp trong cuộc sống nhanh như đi du lịch.
(Theo afamily)