Hôm 3/11/2011, Đài quan sát hoạt động năng lượng mặt trời (SDO) của NASA đã phát hiện vết đen lớn nhất trong năm nay xuất hiện trên Mặt trời, to hơn cả Trái Đất.
Vết đen Mặt trời này rộng hơn cả Trái Đất là nơi có hoạt động từ tính rất mạnh. |
Vết đen Mặt trời khổng lồ này có tên là AR1339, dài khoảng 50.000 dặm (80.000 km) và rộng 25.000 dặm (40.000 km), lớn hơn chiều rộng của Trái đất – 8.000 dặm (12.800 km).
Hình ảnh vết đen mặt trời khổng lồ do SDO quan sát cho thấy, đây là khu vực hoạt động mạnh của năng lượng mặt trời. Chúng sinh ra do hoạt động từ tính mạnh phần phía trên Mặt trời, ngăn chặn dòng nhiệt đối lưu, làm cho nhiệt độ ở các khu vực bề mặt Mặt trời bị thấp hơn so với các vùng khác. Các khu vực có nhiệt độ thấp hơn sẽ bị cô lập, hiện ra mờ hơn so với khu vực xung quanh, tạo ra một điểm đen.
Các hoạt động từ tính dữ dội xung quanh vết đen thường gây ra lửa mặt trời, có năng lượng lớn. Hiện tượng này cũng gây ra pháo sáng và khiến các hạt tích điện di chuyển từ ngoài vào không gian, sinh ra sự phun trào nhật hoa. Nếu chạm vào Trái Đất, nó có thể tàn phá các vệ tinh và lưới điện.
Các chuyên gia theo dõi năng lượng Mặt trời cảnh báo, một vết đen mặt trời khổng lồ như AR1339 cùng với năng lượng lớn có thể tạo ra bão Mặt trời. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) dự đoán có 50% khả năng hiện tượng pháo sáng cấp độ M trung bình sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ tới từ vết đen này của Mặt trời.
Trước đó, chính vị trí này đã tạo ra một đợt bùng phát năng lượng mặt trời cấp độ M4 vào ngày 2/11/2011 do SDO ghi lại. Vụ nổ đó tạo ra hào quang lớn nhưng không hướng tới Trái Đất.
Nhưng nếu vết đen Mặt trời biến đổi và hướng về phía hành tinh của chúng ta trong những ngày tới, thì có thể chúng ta sẽ phải chịu sự tác động lớn của bão Mặt trời do những đợt phun trào tạo ra.
Tuệ Minh (Space)
(theo bee)