“Cho tôi ở nhờ, thoát khỏi bố mẹ. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ để trả ơn…”
Câu chuyện bắt đầu từ một tâm sự của một cô bạn tên Nguyệt trên một forum dành riêng cho tuổi teen. Cô bạn ấy rất gay gắt vì những hành động “khiếm nhã” gần đây của bố mẹ, khi thậm chí nghe điện thoại di động mẹ cũng không cho và nói rằng “rất tốn tiền và thời gian, cần tập trung cho việc học”. Thậm chí đi ra đường mua một ít vật dụng cá nhân mẹ cũng đòi đi cùng. Vì quá bức xúc, cô bạn nói rằng nếu ai có thể cho cô sang “ở nhờ” thì cô ấy sẵn sàng làm mọi việc để… trả ơn. Có chăng cô bạn ấy đang phản ứng thái quá hay bố mẹ chúng ta đã chưa tế nhị trong việc “quản lý” sinh hoạt của tụi mình?
Con gái ở tuổi này chắc chắn rằng sẽ luôn là những mối lo lắng rất lớn cho bố mẹ rồi. Này nhé, bây giờ là lúc chúng ta đang “tập làm người lớn” (nhưng mà có lẽ chắc chưa đủ hiểu lắm “người lớn” là thế nào đâu nhỉ?). Chúng ta bắt đầu hiểu rằng, có những thứ mình phải tự quyết định chứ không thể nghe theo lời sắp đặt và ra lệnh của người khác nữa rồi. Chúng ta bắt đầu có những “bí mật” riêng, chúng ta bắt đầu có những “tò mò” mà… nghe nói chỉ “người lớn” mới được làm. Và đặc biệt, không thể nào cho mẹ được biết chuyện mình đã có bạn trai rồi. Mẹ lại lo mình “không giữ được bản thân” và sẽ gây ra những hậu quả “đặc biệt”.
Bố mẹ vô lý hay chúng ta vô lý?
Có lẽ khi chúng ta đang lớn lên và đang tập làm người lớn, còn bỡ ngỡ trong sự thay đổi tâm sinh lý của chính bản thân thì chính bố mẹ mình cũng vậy. Họ cũng đang chuyển từ giai đoạn chăm sóc một “đứa trẻ con” sang một “người…sắp lớn”. Hãy nghĩ xem, bố mẹ đang quen với việc “bảo là phải nghe”, mọi sinh hoạt hàng ngày đều trong tầm kiểm soát vì bố mẹ lúc nào cũng nghĩ rằng mình không thể nào “tự xử” hoặc đủ “thẩm quyền quyết định”. Bố mẹ quên mất là 15 tuổi thì không thể nào giống 10 tuổi được, nhất là 15 tuổi người ta đã biết “iu” rồi, và đặc biệt là rất ghét bị ra lệnh và soi mói chuyện riêng tư nữa chứ! Nhưng bố mẹ làm sao có thể không lo lắng vì tỉ lệ “hư hỏng”, “bụi đời”, “nạo phá thai”… lại tập trung vào đúng lứa tuổi này đó sao? Mà là con gái thì lúc nào cũng sẽ bị chịu thiệt thòi hơn cả. Vậy là cái sự “bất đồng” qua lại như vậy khiến đôi lúc dẫn tới căng thẳng và sẽ có bạn muốn nổi loạn, càng cấm thì càng muốn làm. Mà cư xử khi không cần biết hậu quả thì khả năng gây ra hậu quả… khôn lường là cực kỳ cao. Có những lúc hiểu ra thì đã quá muộn rồi, bản thân chúng ta thật đau khổ, mà bố mẹ cũng đâu có kém khổ sở hơn?
Vậy nên, bọn mình nên… kiềm chế, hết sức kiềm chế. Hãy bắt đầu bằng việc tập hiểu tâm lý của bố mẹ hơn nữa. Có thể bố mẹ vô lý thật đấy, tức là tức thật đấy, nhưng mà nghĩ kỹ thì nguồn cơn không có thể nào là vì… xấu tính đâu. Chỉ là chính bố mẹ cũng đang không biết phải thể hiện cái sự quan tâm của mình với các con như thế nào cho phù hợp. Nếu mình tức giận và làm những điều mà bạn nghĩ rằng để “trả thù bố mẹ” hay là để thỏa mãn bản thân thì cuối cùng người thiệt thòi đầu tiên khi có hậu quả chính là bản thân chúng mình, còn bố mẹ họ cũng đau khổ bội phần vì đã không thể nào “bảo vệ” được bạn đúng cách.
Rồi cái tuổi này cũng sẽ qua thôi, rồi chúng ta sẽ lớn thật sự, rồi bố mẹ cũng sẽ hiểu… Thế nên, đừng quá vội vã đòi làm người lớn, bởi có những điều sẽ không bao giờ lấy lại được trong cuộc sống này nữa đâu các bạn ạ…
(Saga – Theo PLXH)