Để chắc chắn lần sinh thứ 2 là con trai, anh Tùng, phó giám đốc một công ty nhà nước ở Quảng Ninh không ngại chi ra gần một tỷ đồng bay sang Thái Lan thụ tinh trong ống nghiệm, lựa chọn giới tính thai. /
“Cái này là tớ được mấy ông bạn – đều là ‘ông lớn’ ở thủ đô mách cho. Nhà mình không thể không có con trai, mà hai vợ chồng đều đảng viên, chẳng đẻ quá hai đứa được, nên có cách đúc ra thằng cu thì dù tốn bao nhiêu cũng chơi hết”, anh Tùng tiết lộ.
Người đàn ông chưa đầy 40 tuổi này cũng không giấu niềm hân hoan khoe vợ đang mang song thai được 5 tháng – kết quả của những chuyến “du lịch nước ngoài” hơn nửa năm trước.
“Cũng vất vả lắm, cả hai vợ chồng phải bay đi bay lại bên đó mất mấy lần, trong vòng 3 tháng, chi phí tổng cộng hết cả tỷ. Thế nhưng, theo như họ nói thì nhà mình thuộc diện may mắn hiếm có vì một phát ăn ngay”, anh Tùng thổ lộ.
Một ca thụ tinh trong ống nghiệm tại đơn vị hỗ trợ sinh sản trong nước. Vì muốn có con trai, không ít cặp vợ chồng chọn thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ngoài. Ảnh: TTP. |
Không chỉ sử dụng các biện pháp như nhờ bác sĩ tư vấn, siêu âm canh trứng, ăn uống theo chế độ đặc biệt… hiện nay, không ít cặp vợ chồng khát con trai, lại có điều kiện về kinh tế, chọn cách ra nước ngoài thụ tinh ống nghiệm, lựa chọn giới tính thai nhi. Một số cặp còn thuê luôn cả người mang bầu.
Ông Thục, chủ một doanh nghiệp có tiếng tại Hà Nội là một điển hình. Dù công việc làm ăn phát đạt, có vợ đẹp và hai cô con gái đều xinh xắn, học giỏi – một đã vào đại học, một học cấp 3, nhưng ông giám đốc gần 50 tuổi vẫn luôn khao khát có “thằng chống gậy” để kế thừa sự nghiệp sán lạn của mình.
Gần đây, nghe nhiều người giới làm ăn kháo nhau về kỹ thuật tạo con trai ở nước ngoài, ông Thục bàn với vợ và cả hai quyết tâm thực hiện mong mỏi từ lâu. Vì vợ đã hơn 40 tuổi, lại từng cắt dạ con do chửa ngoài tử cung, nên họ phải tìm người mang thai hộ.
“Đẻ đứa con mà ông ấy phải tính sách lược công phu hơn cả điều hành kinh doanh. Cuối cùng, sau 2 năm, với núi tiền đổ ra và vài cuộc thương lượng thì mọi việc cũng như ý. Nhưng việc đưa quý tử về nhà cũng không dễ vì gặp khó khi nhập cảnh. Hai vợ chồng phải đưa con sang Campuchia rồi theo đường bộ về Việt Nam”, một người bạn của ông Thục tiết lộ. Bản thân ông Thục không bao giờ muốn chia sẻ về hành trình “đúc” con của mình.
Trong một hội thảo quốc tế gần đây tại Hà Nội, đại diện Tổng cục dân số Việt Nam cho biết, ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra nặng nề hơn ở nhóm có thu nhập trung bình, giàu và giàu nhất – 3 nhóm này chiếm khoảng 60% dân số. Theo thống kê, trong nhóm dân số nghèo, tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường 105,2 bé trai trên 100 bé gái, thế nhưng càng giàu sự chênh lệch này càng lớn. Ở nhóm giàu nhất con số này là 112,9; đặc biệt ở lần sinh thứ 3 thì lên đến 132,9.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do những người có kinh tế thì có điều kiện hơn để tiếp cận các công nghệ lựa chọn giới tính.
Đáp ứng nhu cầu của những người có điều kiện này, một số cơ sở y tế nước ngoài có đại diện tại Việt Nam đã đưa ra dịch vụ sinh con theo ý muốn, với những lời quảng cáo hấp dẫn, như: “Với phương pháp cấy túi phôi, Bệnh viện quốc tế P… (tại Bangkok, Thái Lan) có thể giúp bệnh nhân lựa chọn giới tính cho thai nhi và tỷ lệ thành công là 98 – 100%.
Liên hệ theo số điện thoại ghi kèm quảng cáo trên, trong vai một người đang muốn sinh bé trai, phóng viên VnExpress.net được đại diện của bệnh viện này giới thiệu: “Ở chỗ chị 99% khách hàng là có nhu cầu giống em, và bệnh viện này đã làm thành công cho hằng trăm người và tháng nào cũng có 5-6 cặp sang tiếp. Có người 48 tuổi rồi mà làm ở đây đậu hai bé trai luôn”.
Nhân viên này còn tư vấn rằng, nếu quyết tâm và muốn sinh con trai vào ngay năm Nhâm Thìn, thì tốt nhất nên đi sớm, có thể vào ngay Tết. Khách hàng sau đó cũng lập tức được gửi một email hướng dẫn chi tiết, từ việc đặt vé bay và sang khám vào ngày nào của chu kỳ kinh, sẽ được tiêm thuốc kích trứng ra sao, chọc hút trứng thế nào, rồi việc lấy tinh trùng của chồng, điều kiện ăn ở khi sang đó…
“Em yên tâm, nếu muốn đảm bảo bí mật, em không cần phải tới văn phòng hay gặp chị, không cần cho biết địa chỉ hay công việc, chỉ cần nói tên, tuổi để bên chị thông báo với bác sĩ bên đó, họ sẽ bố trí xe đưa đón tại sân bay và khám cho em ngay, không cần đợi”, cô nhân viên nói.
Cô cũng cho biết, chi phí cho dịch vụ này vào khoảng 20.000 USD, trong đó 17.000 USD cho điều trị, 2.000 USD tiền ăn ở và khoảng 1.000 USD phát sinh. Tuy nhiên, cô cũng báo trước “chỉ những người may mắn lắm mới thành công ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên, còn thường phải mất 2-3 lần”. “Nhưng em cũng đừng lo, vì nếu em còn trẻ, sức khỏe tốt, còn nhiều trứng, có phôi dự trữ thì chi phí cho những lần sau chỉ tầm 2.000 USD thôi”, cô nói thêm.
Thực tế, dù tốn nhiều tiền xuất ngoại nhưng không ít người vẫn chẳng toại nguyện. Anh Hưng (Hải Dương) là một ví dụ. Có ba cô con gái, là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả, anh Hưng luôn chịu sức ép phải có người nối dõi. Được người quen giới thiệu về một bệnh viện nước ngoài có dịch vụ sinh con theo ý muốn, vợ chồng anh gom góp tiền và gác lại công việc xuất ngoại, mong tìm được quý tử. Thế nhưng, ròng rã suốt một năm, bay qua bay lại nhiều lần nhưng tới lần thụ tinh trong ống nghiệm thứ 3 mà vẫn thất bại.
Nói về hiện tượng ra nước ngoài để lựa chọn giới tính thai nhi, theo ông Nguyễn Đình Bách, Phó chánh thanh tra Tổng cục dân số, cơ quan chức năng biết, nhưng không thể can thiệp, xử lý.
“Những người này đều xuất ngoại bằng các lý do chính đáng như đi du lịch, thăm người thân… nên chẳng có cách gì cấm họ. Hơn nữa, việc này còn liên quan đến luật pháp, quy định của nước thực hiện dịch vụ nên việc kiểm soát càng không đơn giản”, ông nói.
Về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và cấy túi phôi để chọn con trai, tiến sĩ Quản Hoàng Lâm, giám đốc Trung tâm công nghệ Phôi, Học viện quân y (Hà Nội) cho biết, một số đơn vị hỗ trợ sinh sản trong nước đã làm chủ được kỹ thuật này nhưng không nơi nào thực hiện vì đó là vi phạm pháp luật.
Theo ông Lâm, bản chất kỹ thuật này là sau khi thụ tinh trong ống nghiệm người ta sẽ nuôi phôi 5-7 ngày rồi tiến hành sinh thiết tế bào phôi, chẩn đoán ADN để biết được một số bệnh di truyền và giới tính, rồi chọn phôi mang giới tính mong muốn cấy vào tử cung người mẹ. Thực tế, mục đích chính của kỹ thuật là nhằm phát hiện các bệnh di truyền của thai, trong đó có bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính.
Một cán bộ thuộc Trung tâm nghiên cứu về di truyền, ĐH quốc gia TP HCM – cũng là người từng nhiều năm chữa hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ – cho biết, ông đã nhận được nhiều lời đề nghị giúp thụ tinh cho ra bé trai từ nhiều cặp vợ chồng. Tất nhiên, vì đạo đức nghề nghiệp và quy định của pháp luật, ông cũng như đồng nghiệp không bao giờ đồng ý làm việc này. Bản thân ông cũng biết không ít các cặp ra nước ngoài thụ tinh trong ống nghiệm với mục đích lựa chọn giới tính thai, và trong số đó, tỷ lệ thất bại cao hơn thành công.
Vị này cho biết, trên thế giới chưa có nước nào cho phép việc thụ tinh chọn giới tính. Và thực chất, các bệnh viện ở nước ngoài quảng cáo thực hiện dịch vụ này là không hợp pháp, và đó đa số là các trung tâm nhỏ, ít bệnh nhân, muốn câu khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Ông cho rằng, người dân không nên tốn kém tin vào việc này bởi tỷ lệ thành công của phương pháp chọn giới tính thai qua thụ tinh trong ống nghiệm thực chất thấp hơn lời quảng cáo nhiều, lại có thể mang lại nhiều rủi ro.
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
(Theo vnexpress)