ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Cha vợ tôi có 7 nàng tiên nga
Sunday, December 18, 2011 8:39
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Ông già Năm mất đã lâu rồi. Ngôi nhà cũ của ông cũng không còn nữa. Cái khoảng vắng mà ông để lại cho chúng tôi quá lớn, nó lớn hơn chúng tôi tưởng rất nhiều…

Ông bà ngoại của hai đứa con tôi
Bà ngoại của hai đứa con gái tôi sinh cho ông ngoại nó tất cả mười người con. Hai trai đầu, một trai chót và chính giữa là liền tù tì bảy nàng… tiên nga. Tất cả đều “mẹ tròn con vuông”. Cho đến hôm nay, đối với bọn cột chèo tụi tôi, bảy nàng ấy vẫn mãi là tiên nga và… ngàn năm nữa chắc không có gì thay đổi!
Hồi ở dưới quê, anh Hai thường gom mấy đứa em rể lại tổ chức lai rai ba xị đế. Rượu vào lời ra, nói bao nhiêu chuyện “tào lao chi địa” rồi cũng chán, không biết tự khi nào chúng tôi xoay qua nói chuyện… “ông già Năm”- tức cha vợ của chúng tôi. Chuyện về ông già Năm thì kể đến bao giờ mới hết. Bao nhiêu cuộc tiệc đã tàn mà những câu chuyện về ông đến bây giờ vẫn chưa cạn. Chúng tôi gọi những câu chuyện đó là “Chuyên đề ông già Năm”.
7 chàng rể quý của cha vợ tôi … theo thứ tự từ lớn tới nhỏ.
Từ thị xã Vĩnh Long muốn về nhà cha mẹ vợ tôi phải qua một chuyến đò vượt sông cái Cổ Chiên qua xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Đó là con đò Nhà thờ Mương Lộ quá đỗi  thân quen đối với anh em bạn rể chúng tôi. Biết bao nhiêu chuyến đò chở bao nhiêu thương nhớ mỗi khi chúng tôi về thăm các nàng. Cách khoảng tiếng đồng hồ thì có một chuyến. Ngồi trong nhà ông già Năm, hễ nghe tiếng kèn thì đò đã sát bến rồi.

Tôi nhớ hồi qua nhà ông để thưa ngày mai ba má tôi sẽ qua hỏi cưới nàng tiên thứ Tám cho tôi. Ngồi nói với ông già biết bao chuyện “ta bà thế giới” mà không dám thưa cái chuyện mà mình muốn nói. Đến khi nghe tiếng kèn “tin…tin…” của con đò, tôi mới vội vàng đứng dậy khoanh tay thưa: “Thưa bác, ngày mai ba má con sẽ qua để thưa với bác cho con được cưới con Thủy. Thưa bác con về”. Không đợi ông trả lời, tôi chạy ù xuống bến sông và nhảy tọt xuống con đò mà nàng Tám đã kêu sẵn. Hôm sau, nàng Tám kể lại với tôi: “Cha em nói, thằng Hồng nó “đánh úp” tao!”.

Cha vợ tôi là một nông dân thông minh. Nếu có điều kiện học hành đàng hoàng có thể ông sẽ không là nông dân. Mỗi lần về thăm nhà, tôi thường ngồi uống trà với ông ở chiếc bàn “mặt tiền phía sau” nhà. Sở dĩ gọi như vậy là vì ông cất nhà “không giống ai” ở chỗ mặt sau cũng như mặt trước, mặt nào cũng là mặt tiền cả!
Cũng như làm cửa sổ thì ông không  làm ô – văng và cánh cửa, chỉ có khuôn bông bằng sắt thôi; nên khi mưa xuống, trong nhà cũng như ngoài sân; nhà gần bến sông, gió bấc về lạnh cóng  ngủ không được… Chuyện cất nhà của ông già Năm cũng là một “chuyên đề” kể mãi vẫn hay, nghe hoài vẫn thích. Tôi hiểu: ngoài cái chuyện hai mặt tiền, những “khiếm khuyết” của ngôi nhà là ngoài  ý muốn của cha tôi…
con đò Nhà thờ Mương Lộ quá đỗi  thân quen đối với anh em bạn rể chúng tôi
Ông già Năm là một nông dân hiểu biết nhiều chuyện. Tôi có thể ngồi trò chuyện suốt với ông bao nhiêu tuần trà với bao nhiêu là chuyện. Từ chuyện “vòng vo tam quốc”, Lưu Bị “tam cố thảo lư”, Tào Tháo đánh trận Xích Bích, Đắc Kỷ mê hoặc Trụ Vương, Đường Minh Hoàng và An Lộc Sơn “dại gái”… đến chuyện mấy cha lãnh tụ các nước đi chu du thiên hạ, chuyện nghệ sĩ Kim Ngọc đóng vai nàng hầu Kim Liên hay hơn “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết đóng Kiều Nguyệt Nga, chuyện nghệ sĩ Út Trà Ôn để đời với bài “Tình anh bán chiếu”; chuyện nghệ sĩ Diệp Lang đóng “chết” vai Hội đồng Dư và Giang Châu “quá duyên” với vai thằng Thừa Bình Thủy trong vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu”… và chuyện thằng Hùng, thằng Thuận, thằng Hơn, thằng Hai Nghiệp… ở xóm làm ăn, sinh sống như thế nào.
Chuyện ông kể có chuyện hay, chuyện không hay. Chuyện hay mình nghe mình thích, còn chuyện không hay mình tức đầy một bụng… để đó mai mốt triệu tập anh em lại mở “chuyên đề ông già Năm”. Có lần ông nói với tôi: “Tụi bây tụm lại nói chuyện về cha, cha biết hết… Có những điều các con không hiểu hết cha đâu…”.
Hồi mới về nhà vợ ăn đám giỗ, phụ dọn mâm lên bàn thờ cúng, tôi thấy hình ông nội đẹp quá buột miệng khen ông nội như một “lão nông tri điền”, đẹp, quắc thước và gân guốc. Thằng Út Tèo đứng kế bên nói nhỏ vào tai tôi: “Hỏng phải ông nội đâu anh ơi. Ông nội không có hình. Anh Hai lấy tấm hình này về từ Hội Văn Nghệ tỉnh đó. Cha thấy đẹp nên để lên bàn thờ làm… ông nội luôn”.
Quả là “bó tay”!
Ngày cha bệnh, không chịu lên Sài Gòn, tôi và chị Năm, một trong bảy nàng tiên nga, phải về quê năn nỉ rước cha lên. Lúc đó, tôi lãnh phần đưa ông đi khám bệnh. Lên taxi là ông thỏa thuận ngay với tài xế: đi đến phòng khám khoảng bao xa, bao nhiêu tiền nói trước, ông không tin vào cái đồng hồ của mấy chiếc taxi.
Đến phòng khám, ông trò chuyện thế nào mà tay bác sĩ tìm tôi nói nhỏ: “Ông già nói chuyện hay lắm… có điều là nếu ở chỗ khác tôi sẵn sàng nghe, chứ còn ở đây tôi còn phải khám cho bệnh nhân khác nữa…”. Lần khác, tôi nghe tiếng tay bác sĩ nói trong phòng khám vọng ra: “Bác ơi! Ở đây bác là bác sĩ hay con là bác sĩ…”. Khi ra về, cha nói với tôi: “Thằng bác sĩ đó nó nói không có đúng cái bệnh của cha”.
Tôi thấy nét mặt ông buồn hiu.
Ông già Năm mất đã lâu rồi. Ngôi nhà cũ của ông cũng không còn nữa. Các con đã cất ngôi nhà mới to đẹp hơn trước ngày thằng Út lấy vợ. Bây giờ mỗi khi về thăm nhà, tôi lại xuống nhà bếp nhìn lại cái nơi mà trước đây tôi và ông vẫn hay ngồi uống trà nói chuyện “vòng vo tam quốc”.
Cái khoảng vắng mà ông để lại cho chúng tôi quá lớn…
Cái khoảng vắng mà ông để lại cho chúng tôi quá lớn, nó lớn hơn chúng tôi tưởng. Tôi nhớ tiếng gọi đò của ông mỗi khi chúng tôi chuẩn bị ra về. Tôi nhớ hai tiếng “Thủy ơi”  mỗi lần ông kêu vợ tôi khi muốn nhờ chuyện gì đó. Bây giờ mỗi khi nhớ cha, tôi vẫn bắt chước cái âm thanh ấy mà gọi “Thủy ơi”. Tôi nhớ cái dáng gầy gò ông ngồi nơi bến sông nhìn theo chúng tôi cho đến khi con đò chìm khuất sau mấy rặng bần…
Bây giờ, mấy anh em chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tụm lại với nhau bù khú ba xị đế và nhắc cha… nhắc những chuyện mà ông đã làm cho chúng tôi thuở sinh thời và… cái “chuyên đề ông già Năm” tự khi nào chúng tôi đã không còn mở nữa…

Phạm Hồng

(Theo nld)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.