Vợ chồng anh Hồng và cô con gái đang mang bệnh hiểm nghèo.
|
Tưởng rằng hạnh phúc mỉm cười
Đó là câu chuyện về anh Mai Hồng, ngụ tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Rất hiếm khi vợ chồng anh cùng cô con gái có mặt đầy đủ ở nhà như hôm nay bởi từ rất lâu họ đã lấy bệnh viện làm nơi tá túc. Cứ một đến hai tuần, cô con gái lại phải vô bệnh viện chạy chữa. Hồi nhỏ, con bé chảy máu mũi, máu răng nhưng từ khi dậy thì, thấy tháng là phải vô bệnh viện bởi không cầm máu được. Tháng nào cũng vô viện hai, ba lần, mỗi đợt truyền máu ở Cần Thơ thì mất 600.000 – 700.000 đồng còn lên TP.HCM điều trị thì đi tong vài triệu. Nhà cửa và của cải đã biến thành tiền thuốc nhưng hai vợ chồng vẫn không nản lòng bởi từ lâu, cô con gái nuôi là niềm hạnh phúc của họ…
Năm 1980, vừa tròn 18 tuổi anh Hồng vào bộ đội. Sau bốn năm ở chiến trường Tây Nam và nước bạn Campuchia, ngày xuất ngũ anh đối diện với tin buồn: di chứng của những trận sốt rét ác tính khiến anh không thể có con. Mang mặc cảm trong lòng, anh đã nghĩ mình phải sống cô đơn đến già. Nhưng duyên trời sắp đặt, anh gặp chị Nguyễn Thị Mai Phương, một người phụ nữ câm điếc. Ngày ngày, vợ chồng họ làm bánh tiêu cùng nhau đi bán, cuộc sống tuy vất vả nhưng không thiếu tiếng cười… Rồi ngày nọ, một nhân viên y tế của bệnh viện đa khoa Cần Thơ cho biết có một bé gái mới sinh bị bỏ rơi trong bệnh viện. Anh chị tất tả làm thủ tục nhận nuôi đứa bé. “Tôi đặt tên cho con là Mai Phương Thảo với ý nghĩa cám ơn cuộc đời đã mang một đứa con ngoan hiền, hiếu thảo đến cho chúng tôi. Năm ấy là 1997…”, anh Hồng xúc động kể.
Nhà thêm người, cuộc sống thêm tiếng cười nhưng càng chật vật. Số tiền ít ỏi của họ cạn dần theo những hộp sữa, những bộ quần áo và tiền thuốc khi con bệnh. Bé Thảo càng lớn càng xinh: đôi mắt to, đen tròn, làn da trắng hồng bụ bẫm. Nhưng trong một lần chập chững những bước đầu tiên, cô bé vấp ngã vào thành giường, máu từ miệng chảy miết không ngừng. Tám ngày ở bệnh viện địa phương, các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Chạy vạy được ít tiền, người cha ôm con lên TP.HCM rồi bàng hoàng khi đọc bệnh án của con: liệt tiểu cầu và máu không đông. Để sống được, phải thường xuyên tiếp tiểu cầu cho đến khi đủ lớn để ghép tuỷ…
13 năm, người cha kiên trì cõng con trên lưng, đi bệnh viện, ăn cơm từ thiện. Người mẹ ở nhà tảo tần, tất bật ngược xuôi kiếm tiền. Cũng ngần ấy thời gian, không tháng nào là anh Hồng không xuống tóc cầu xin trời Phật phù hộ cho con trẻ được tai qua nạn khỏi. |
Kiên trì giành sự sống cho con
13 năm, người cha kiên trì cõng con trên lưng, đi bệnh viện, ăn cơm từ thiện. Người mẹ ở nhà tảo tần, tất bật ngược xuôi kiếm tiền. Cũng ngần ấy thời gian, không tháng nào là anh Hồng không xuống tóc cầu xin trời Phật phù hộ cho con trẻ được tai qua nạn khỏi. Vợ chồng anh đều bị bệnh phổi nhưng từ khi bé Thảo phát bệnh, hai vợ chồng quên luôn bệnh tật của mình. Nhiều người biết chuyện, khuyên anh gửi bé Thảo vào lại cô nhi viện. Anh một mực: “Mình nuôi nó từ nhỏ, thương nó lắm. Bé Thảo mới sinh ra đã bị bỏ rơi, giờ mình bỏ nữa thì bé sẽ không sống nổi và cũng chẳng ai nuôi nổi bé”. Quyết tâm giữ lại bé Thảo đồng nghĩa với lịch tái khám, đơn thuốc cứ chồng chất lên đôi vai gầy của hai vợ chồng. Trong một lần Thảo trở bệnh nặng, vợ chồng anh vội vã bán đứt căn nhà lấy hai chỉ vàng để đổi lấy sự sống cho con. Thương con, mẹ anh cho thêm nửa căn nhà để gia đình anh có chỗ trú nắng trú mưa. Lại một lần bé Thảo trở đau, anh chị bán nốt nửa căn nhà còn lại. Sống cảnh ở nhà thuê, có khi chậm đóng tiền nhà bị đuổi, họ ôm nhau khóc. Cuộc sống cứ thế lay lắt đến khi người chị vợ thương tình cho ở nhờ. Với lịch hẹn mỗi tháng ba lần đến bệnh viện để truyền máu, tiền bán nhà cạn dần… Người vợ nhận thêm vé số, dành dụm từng đồng cho hai cha con đi bệnh viện.
Cơ cực là thế nhưng hai vợ chồng vẫn gắng gượng cho con có mái ấm chở che và tuổi thơ êm đềm. Những tấm ảnh sinh nhật từng năm của Thảo như những nốt nhạc vui treo trong căn nhà nghèo khó. Những ngày con bớt bệnh, người cha lại cõng con ra cầu Xuân Khánh bán bánh tiêu. Gần đây, sức khoẻ của Thảo giảm sút, tối tối người cha mượn xe của người thân về chạy xe ôm. Người đàn ông có khuôn mặt hiền lành mà khắc khổ, nghẹn ngào: “Thương nhất là bé Thảo không được đi học. Sức khoẻ nó yếu quá, một tháng đã mất 20 ngày ở bệnh viện rồi”. Câu chuyện của chúng tôi chợt chùng lại khi bé Thảo dụi đầu vào lòng cha. Quay sang bé, tôi hỏi: “Con có thích đi học không?” Bé lí nhí: “Con thích lắm nhưng không cô nào nhận con cả…” Lúc khoẻ, cô con gái vui vẻ ca hát, trò chuyện với ba mẹ. Những lúc bệnh, bé im lặng làm không khí trong nhà cũng buồn theo: “Lỡ hai vợ chồng mất trước, không biết ai sẽ nuôi bé Thảo. Chỉ mong em khoẻ mạnh và có thể tự chăm sóc mình”. Nhưng hy vọng ghép tuỷ cho cô con gái rất mong manh bởi chi phí quá lớn. Quan trọng hơn, muốn ghép tuỷ thì phải tìm được cha mẹ ruột của Thảo nhưng suốt bao năm qua, họ chưa bao giờ xuất hiện…
bài và ảnh: Ý Nhi
(theo sgtt)