Quan niệm ráng kiếm cho được một mụn con trai cũng là một phần nguyên nhân khiến tỉ số giới tính khi sinh của VN đang ở mức báo động. Tuy nhiên, ngày càng có những cặp vợ chồng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đã chấp nhận sinh con một bề là gái.
Gia đình anh Hưng – chị Liên cùng hai con gái đi dự hội nghị tuyên dương ngày 16-12 – Ảnh: Q.NGỌC |
Ban đầu không ít bậc cha mẹ ấy chỉ nghĩ “trời cho sao nhận vậy”. Năm tháng qua đi, chính họ ngộ ra rằng khi biết dừng, không ráng sinh thêm con để tìm một thằng cu thì cuộc sống của họ không hề tẻ nhạt, mà ngược lại.
Gái quý như trai
Anh Lữ Văn Hùng (49 tuổi, hội viên Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) thừa nhận: “Hồi chưa lập gia đình cũng muốn có con trai lắm, nhưng sau khi có hai đứa con gái tôi không còn suy nghĩ như vậy. Chính các con gái ngoan ngoãn, cố gắng học hành đã làm tôi thay đổi”. Anh cho biết con gái lớn của anh năm nay 23 tuổi, đang là sinh viên năm cuối khoa công nghệ thông tin của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Con gái thứ hai 14 tuổi, tám năm liền là học sinh giỏi, nhiều năm là học sinh giỏi toán cấp huyện và hiện học lớp 9A1 Trường THCS Nguyễn An Khương (Hóc Môn).
“Hồi chưa lập gia đình cũng muốn có con trai lắm, nhưng sau khi có hai đứa con gái tôi không còn suy nghĩ như vậy” |
Vợ anh Hùng, chị Trần Thị Điệp (47 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, Hóc Môn), tâm sự: “Ông xã tôi là con cả bên nhà nội nhưng cũng thật may chúng tôi không bị áp lực từ phía gia đình, vì dù sao em trai anh Hùng cũng có con trai – chị cười nói tiếp – Không buồn đâu vì má tôi cũng sinh con một bề gồm ba chị em gái. Tôi rất tự hào má đã nuôi dạy chị em thành đạt, hiếu thuận với cha mẹ, sống có trách nhiệm với gia đình”.
Vừa biết chúng tôi muốn hỏi thăm về tình trạng “một bề con gái” của mình, anh Ngô Bạch Hải (46 tuổi, ngụ P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) buột miệng nói ngay: “Thiệt tình có con trai ai mà không thích ông ơi. Ai nói không thích có con trai là tự dối lòng”. Rồi không cần đợi chúng tôi hỏi tiếp, anh cười toe toét không giấu vẻ tự hào về cô công chúa lớn của mình: “Bạn bè, đồng nghiệp luôn gọi tôi là “thằng ông ngoại”, nhưng tôi mặc kệ họ giễu cợt vì con gái tôi học giỏi quá mà”.
Đó là em Ngô Huỳnh Hải Trúc (18 tuổi), học sinh giỏi 12 năm liền chương trình tiếng Pháp, học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Pháp của Trường chuyên Lê Hồng Phong, hai lần đoạt giải học sinh giỏi hóa do Úc tổ chức. Ngay khi vừa tốt nghiệp phổ thông, Trúc được Viện Khoa học ứng dụng quốc gia Toulouse (INSA, Pháp) cấp học bổng toàn phần. Và tháng 7-2011 vừa qua, Trúc lên đường sang Pháp du học ngành công nghệ sinh học.
Hai con gái là đủ
Gia đình anh Phan Phùng Hưng (40 tuổi) và chị Huỳnh Kim Liên (33 tuổi) ngụ tại P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM có một “thành tích” sinh con một bề rất đặc biệt. Anh chị cho biết bên nhà nội sinh con một bề bốn trai, bên nhà ngoại cũng sinh con một bề sáu cô con gái và đến lượt anh chị lấy nhau, sinh con một bề là hai cô công chúa. Cả hai bé đều xinh và ngoan.
Anh Hưng nói: “Người ta quan niệm phải có nếp có tẻ, nhưng tôi thấy không quan trọng vì con nào cũng là con. Con gái rất dễ thương. Hơn nữa, hai đứa là đủ với cuộc sống hiện nay. Tài chính, thời gian dành cho con, bao nhiêu đó chạy theo là đủ vất vả rồi. Quan trọng nhất là dạy cho con nên người”.
Tuyên dương 50 gia đình có hai con gái học giỏi, thành đạt Sáng 16-12, Chi cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức hội nghị tuyên dương 50 gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái nhưng vẫn vượt qua những định kiến xã hội để nuôi dạy con khỏe mạnh, học giỏi, thành đạt và xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Phát biểu tại hội nghị, ông Hứa Ngọc Thuận – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình còn khá nhiều thách thức. Trong đó, đáng quan tâm là chất lượng dân số TP.HCM hiện nay. Tỉ lệ nạo phá thai hằng năm vẫn còn cao. Năm 2010 là 75,83 ca nạo phá thai/100 ca sinh ra sống. Con số này gấp ba lần mức trung bình của cả nước. Ngoài ra, tỉ số giới tính khi sinh ở mức báo động mất cân bằng giới với 110 bé trai/100 bé gái. Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), nếu không có can thiệp hiệu quả để giảm tỉ lệ mất cân bằng này thì sau 20 năm nữa VN sẽ có 4,3 triệu thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Hội nghị tuyên dương cũng nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm Ngày dân số VN 26-12 (1961-2011). |
QUỐC NGỌC
(Theo TTO)