Nói về biển, ai đó sẽ mường tượng ra vị nước mặn mòi với sóng to, gió lớn hoặc sự bình lặng đến đơn điệu của một bề mặt nước lan đến tận chân trời. Vậy thì, Quan Lạn sẽ đem đến những hình ảnh lạ lùng về một vùng biển đảo: Đủ dịu hiền để mang lại cảm giác thanh bình và đủ khôn khéo để mê hoặc, níu giữ từng bước chân.
Cái nhìn đầu tiên về Quan Lạn
Nằm cách Hạ Long chừng 50 km về hướng đông bắc, hoang sơ và e ấp như một nàng trinh nữ, đảo Quan Lạn trải dài theo hướng đông tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót, vòng ôm lấy rìa phía đông của vịnh Bái Tử Long.
Hiếm nơi nào có cát trắng như cát nơi đây
Lên tàu từ bến Vân Đồn, chỉ sau khoảng 3 tiếng lênh đênh trên vịnh giữa quần thể núi đá, du khách đã có thể đặt những bước chân đầu tiên của hành trình khám phá hòn đảo thú vị này.
Những con đường bê tông thẳng tắp nằm giữa phi lao xanh và cát trắng
Tham quan trên đảo, sẽ là một cảm giác rất lạ khi ngồi trên những chiếc xe tuk-tuk (loại xe riêng có ở nơi này, giống như xe lam với 10 chỗ ngồi) lang thang trên những con đường mới đổ bê tông, hòa mình vào thiên nhiên cùng cây, cùng cát, cùng biển, cùng trời…
Xe tuk-tuk rong ruổi trên khắp những con đường
Thiên nhiên phú cho Quan Lạn một vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ đến nao lòng với những cồn cát trắng trải dài hàng cây số dưới chân những rặng phi lao xanh ngắt, vững vàng. Kỳ lạ thay cho cát nơi đây, những hạt cát trắng hơn cát ở bất cứ đâu, những viên cát li ti, tinh khiết, lấp lánh dưới nắng trời, lấp lánh dưới làn nước trong vắt của biển Quan Lạn.
Bãi đá
Quan Lạn có những bãi biển với những nét rất riêng: nếu như bãi Sơn Hào gây ấn tượng bởi những con sóng to, dữ dội cùng với khu dịch vụ sầm uất thì bãi Minh Châu lại êm đềm, phẳng lặng kỳ lạ, bãi Vân Hải mời gọi bằng bãi đá lớn trong khi bãi Quan Lạn lại được nhiều người biết đến có lẽ một phần cũng vì bãi biển này nằm trong trung tâm dân cư của đảo, và cũng là nơi tập trung nhiều nhà nghỉ nhất trên đảo…
Thỏa sức vui chơi
Không chỉ có sức cuốn hút đặc biệt với du khách vào mùa hè, những bãi biển này còn đủ sức quyến rũ con người ngay cả trong những ngày thu se lạnh, thậm chí vào cả những ngày đông buốt giá.
Quan Lạn: Lịch sử và văn hóa
Một điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm hòn đảo Quan Lạn xinh đẹp chính là đình Quan Lạn. Đây là một trong hai ngôi đình cổ nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng được xem là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ vua Lý Anh Tông – người đã cho lập ra thương cảng Vân Đồn vào năm 1149 để buôn bán với nước ngoài, cánh cửa hội nhập đầu tiên của nước ta. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Quần thể đình – chùa này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990.
Đình Quan Lạn
Nằm trong cụm di tích xã Quan Lạn còn có đền (nghè) thờ danh tướng Trần Khánh Dư – người trấn ải Vân Đồn đã tổ chức trận chiến đấu năm 1287 tại sông Mang – Vân Đồn, tiêu diệt 500 chiếc thuyền lương, diệt tướng giặc Nguyên là Trương Văn Hổ góp phần quan trọng vào đại thắng Bạch Đằng năm 1288. Công lao của ông luôn được người dân Quan Lạn khắc ghi, tưởng nhớ. Hàng năm, vào ngày hội làng, người dân lại rước ngai và tượng của ông ra đình Quan Lạn.
Cổng chùa
Hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch (chính hội vào ngày 18 tháng 6 âm lịch) nhằm kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn của Trần Khánh Dư. Lễ hội Quan Lạn còn được gọi là hội đua bơi (hay chèo bơi) Quan Lạn.
Những điều thú vị
Hãy bỏ dép ra và đặt bàn chân trần của bạn xuống mặt cát mịn màng, trắng phau trên bãi biển, bạn sẽ cảm nhận được một sức sống mới lan tỏa dần lên khắp cơ thể, trí não như được giải phóng. Cảm giác ấy tuyệt vời đến nỗi nhiều người cho rằng như vậy cũng là quá đủ cho một chuyến đi. Nhưng không, Quan Lạn còn chứa đựng nhiều điều thú vị hơn nữa.
Ra khơi
Bạn đã từng mê mệt với hương vị phở ngọt đến đằm thắm của đất Hà Thành, vậy thì bạn có ngạc nhiên không khi chính tại Quan Lạn trong lành này, bạn có thể tự mình… đi tìm lấy thứ gia vị đặc biệt cho nồi nước phở kia? Chỉ đơn giản bằng cách đi theo những người dân Quan Lạn và thử làm công việc thường ngày của họ: bắt sá sùng trên những bãi bồi. Đây thực sự là một hoạt động thú vị đối với khách du lịch, còn đối với người dân trên hòn đảo này, bắt sá sùng là nghề phụ và thường chỉ dành cho phụ nữ bởi những người đàn ông còn có việc của họ, đó là đi đánh bắt cá ngoài khơi xa và lặn xuống biển mò con cầu gai. Việc bắt sá sùng thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ dàng. Dụng cụ đào bắt sá sùng chỉ đơn giản là một chiếc mai dài, nhỏ và sắc, kết hợp với đôi mắt tinh nhanh để tìm đúng tổ. Tìm đúng tổ rồi nhưng nếu đào không nhanh, không khéo thì có thể không kịp bắt vì sá sùng đã kịp chui sâu vào lòng đất hoặc thậm chí là chiếc mai có thể cắt đứt đôi người con sá sùng.
Công việc thường ngày của phụ nữ nơi đây
Đêm, Quan Lạn thoáng đãng và trong trẻo bất ngờ. Bạn có thể cùng gia đình, bạn bè đốt lên những đống lửa lớn để tận hưởng cảm giác được lắng nghe tiếng lửa cháy hừng hực, tiếng than nổ lép bép hòa quyện cùng tiếng gió, tiếng sóng biển ầm ào.
Hoàng hôn Quan Lạn
Đến với Quan Lạn là đến với một thế giới không quá tiện nghi nhưng là thế giới của cát, của sóng và đặc biệt hơn cả là thế giới của riêng bạn, nơi bạn có thể cho phép mình thoát ra khỏi những lo toan của cuộc sống thường nhật, để được nhìn sâu vào thế giới nội tâm của mình – một thế giới mà trong guồng quay của xã hội hiện đại, chẳng mấy người kịp nhìn kỹ.
(Theo 24h)