Tư tưởng ỷ lại cha mẹ, anh chị đã khiến nhiều người bị “suy giảm sức đề kháng” trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống
Cách nay chưa lâu, vừa đi làm về đến nhà (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức – TPHCM), tôi đã thấy một cái rạp to đùng dựng lên ở khoảng sân chung giữa mấy nhà. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thím Tư nhà bên cạnh đã lên tiếng: “Ngày mai đám cưới của thằng Thành, tụi bây sang chơi nghen”. Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Hỏi ra mới biết hai đứa đã “ăn cơm trước kẻng”, cô người yêu của Thành đã có bầu.
Sợ con cực khổ
Thành là con trai út của thím Tư, trên cậu có 2 người chị và một anh. Vì là út, lại ốm yếu nên Thành được ba mẹ và anh chị cưng như vàng ngọc, không phải làm việc gì; thậm chí việc ăn, ngủ cũng được các chị lo. Công việc của Thành là ăn, học và chơi. Nhưng học đến lớp 10, Thành đột ngột tuyên bố “nghỉ học” vì không thích đi học nữa! Chú thím Tư cũng đồng ý vì suy đi nghĩ lại trong nhà cũng chẳng có ai học hành tới đầu, tới đũa gì. Thấy Thành suốt ngày lêu lổng, nhiều người gợi ý cho cậu ta đi học nghề. Nhưng mỗi lần nghe nhắc chuyện này, thím Tư lại gạt đi: “Nó ốm yếu, làm không nổi đâu”.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Cho đến một hôm, Thành về nhà thông báo: “Con cưới vợ, Linh có bầu rồi”. Thế là đám cưới diễn ra chớp nhoáng. Nhưng từ ngày cưới vợ, cuộc sống của Thành cũng vẫn vậy. Sáng, 9 giờ thức dậy, tắm táp, tỉa lông, giũa móng cho mấy con gà chiến rồi đi đến tối mịt mới về. Vợ Thành cũng không có nghề nghiệp gì, hết đi ra rồi đi vào với cái bụng bầu. Có người bảo thím Tư cưng con quá nên nó hư, thím lại gạt đi…
Chuyện gì cũng réo “mẹ…”
Mới đây, chị đồng nghiệp của tôi bức xúc: “Chịu hết nổi cô em dâu rồi. Nhà hết gạo, hết gas, nó cũng gọi mẹ. Thậm chí, con nó hết sữa, hết tã… cũng réo mẹ”. Chị đồng nghiệp của tôi nhà ở đường Tô Hiến Thành, quận 10-TPHCM, gia đình rất khá giả, vì vậy – Luân – cậu em út của chị cũng thuộc hàng “thiếu gia”.
Chị kể học hết trung cấp, Luân vào làm việc tại một hãng taxi nhưng chưa được bao lâu thì bỏ việc “vì cực, bị sếp đì”. Rồi Luân đòi cưới vợ. Mẹ chị bạn tôi mừng ra mặt: “Có vợ, có con, tự khắc nó sẽ trưởng thành”. Nào ngờ, lấy vợ rồi, hằng ngày, hai vợ chồng cứ đi cà phê, dạo phố, mua sắm. Về tới nhà thì cơm nước đã có sẵn; hết tiền thì réo “mẹ…”. Lúc vợ Luân chuẩn bị sinh con, cả nhà phải xúm vào sắm sửa từ quần áo đến tã lót. Nay đứa bé gần 2 tuổi mà vợ chồng Luân vẫn vô tư vì “mọi thứ đã có mẹ lo”.
Gặp chúng tôi mới đây khi đến đăng ký tìm việc tại Văn phòng Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động, anh P.V.M, 32 tuổi, than thở: “Nếu tôi đừng quá dựa dẫm vào gia đình thì đâu đến nỗi. Ba tôi là giám đốc công ty. Mấy tháng trước, ông đột ngột qua đời, để lại một khoản nợ lớn; mẹ tôi phải bán hết nhà cửa vẫn không đủ trả nợ. Bây giờ tôi phải chạy vạy, xin việc khắp nơi mà chưa có chỗ nào nhận. Khổ lắm!”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long: Đừng để tình thương trở thành con dao hai lưỡi Giáo dục gia đình đóng một vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Thương con, lo lắng cho con là cần thiết nhưng đừng để tình thương trở thành con dao hai lưỡi khi xem con cái là món đồ trang sức quý giá, dễ vỡ để từ đó ra sức gìn giữ, bảo bọc, sợ người khác làm bể hay lấy trộm đi. Khoa học tâm lý cho thấy một trong những yếu tố để thành công là khả năng tự lập. Hãy cho con được va chạm, trải nghiệm thực tế, trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để con tự tin vào đời bằng chính khả năng của mình vì cha mẹ đâu thể sống đời với con! |
Ngân Hà
(Theo nld)