Thi thoảng, lại có cô bạn gọi tôi kể chuyện nhà, chuyện mẹ chồng, chuyện con cái càng lớn càng hư. Nhiều nhất là câu chuyện về TIỀN.
Tôi có cô bạn. Ngày lấy nhau, quyết định mua một căn hộ nhỏ bằng tiền bố mẹ hai bên cho, và vay. Có vẻ họ rất hạnh phúc, tiền của vợ làm ra thì chi phí cho 3 bố mẹ con, đi chơi, đi ăn, tiền của chồng làm ra thì để dành trả nợ. Mấy năm sau khi mua nhà, tiền nợ nhà cũng hết. Những tưởng câu chuyện tiền nong từ nay sẽ dễ dàng hơn, thì đùng cái, bạn gọi tôi đi café.
“Chắc tao phải li dị mất”! “Cái gì, li dị gì chứ, giờ đã qua lúc khó khăn, nợ nần đã trả xong, con đang lớn, làm sao mà phải li dị?” “Chồng tao á, bực mình lắm….” Và thế là câu chuyện tuôn ra.
Thì ra là, khi đã trả hết nợ, anh chồng vẫn thói quen cũ, tiền của vợ làm ra để chi phí mọi việc trong nhà, còn tiền của mình thì… để dành nhưng không nói cho cô vợ biết, cụ thể là cái để dành ấy là bao nhiêu, chồng mình có bao tiền mỗi tháng, tại sao anh ấy không đưa tiền cho mình giữ, tại sao không chia sẻ gánh nặng chi tiêu với mình. Hỏi anh không nói, chỉ ậm ừ, và điều đấy chỉ khiến nàng điên tiết. Đôi khi nàng thấy anh gọi điện thoại về quê hỏi, cái tủ lạnh đấy dùng có tốt không, cái máy bơm thế nào… À, anh ấy gửi cho bố mẹ đẻ anh ấy, thế sao không nói với mình một câu… và mâu thuẫn bắt đầu.
Một ngày anh chồng bảo: Nhà mình mua ôtô đi, cô vợ mới té ngửa, ra là tiền chồng làm ra là để mua ôtô. Nhưng cô không dễ dàng thỏa hiệp thế. Cô cho rằng, ôtô cuối cùng cũng chỉ đề về quê cho… đẹp mặt, có biết đâu vợ tháng nào cũng loay hoay… và nhất quyết phản đối, đòi dành khoản tiền đấy để sửa nhà, mua sắm thêm vật dụng…
Tôi không biết khuyên bạn ra sao, chỉ biết bảo rằng, ôtô cũng thích, chồng mua ô tô, thì cả nhà được hưởng chứ sao, trước hết là con nhỏ, trời mưa trời nắng đỡ vất vả, mà về quê cũng tiện lợi.
Cứ tận hưởng cái vừa đến đã, nghĩ làm gì nhiều cho mệt đầu, lại phải cãi nhau?
Ở nhà tôi, tôi chẳng bao giờ cầm tiền của chồng. Cũng không biết chính xác chồng làm ra bao nhiêu, bản thân mình làm ra bao nhiêu , tôi cũng chỉ… láng máng là… đủ tiêu.
Chỉ biết rằng, chúng tôi đã cùng nhau lên những kế hoạch, những kế hoạch đôi khi viển vông, nhưng cần thiết. Như tháng này cần phải mua một chiếc gường mới cho con, chiếc giường cũ đã trở nên quá nhỏ. Đến mùa đông, phải làm cái sàn gỗ cho căn phòng của hai vợ chồng, mùa hè sẽ thay mới chiếc tủ lạnh đã trở nên chật trội… Mỗi năm cả nhà phải có vài chuyến đi chơi để… biết đó biết đây; tương lai, khi nào con trai 4 tuổi, hoặc muộn nhất là 6 tuổi, tôi cần đủ tiền cho con đến một trung tâm ngoại ngữ tốt. Chồng tôi muốn tích cóp mua một cái ôtô, để chở cả nhà đi chơi cuối tuần, hay những ngày mưa gió đưa con đi học cho đỡ ướt át… Tôi mơ mộng về một căn hộ chung cư, để ở riêng.
Cứ như thế, chúng tôi đặt cho mình từng mục đích vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống và đang mỗi ngày phấn đấu cho mục đích chung ấy. Tôi không hỏi chồng tháng này anh có bao nhiêu tiền, sao không đưa cho em, tôi hỏi chồng: Mình còn bao tiền tháng này nhỉ, phấn đấu tháng sau đủ tiền mua cái này, cái kia.
Cũng có khi chúng tôi cháy túi. Ấy là khi vừa… mua được cái gì đó theo kế hoạch. Thay vì buồn rầu, chúng tôi cùng hí hửng tận hưởng thành quả, rồi cười xòa, mình vừa mua được cái đó còn gì, yên tâm, sắp tới kỳ lĩnh lương!
Mẹ tôi thỉnh thoảng nói chuyện tiền nong lại nhắc là phụ nữ, cứ phải giắt lưng lấy ít tiền, vàng, hay sổ tiết kiệm chẳng hạn, để sau này… nhỡ chồng… ngoại tình thì sao? Lúc đấy phụ nữ là thiệt thòi nhất, đã mất chồng còn mất tiền, tay trắng!
Tôi chỉ bảo với mẹ rằng, thế thì còn gì để tiếc, người còn chẳng tiếc, tiếc gì tiền?
Đôi khi tôi nghĩ, phụ nữ mình thật lạ. Khi còn trẻ, ai cũng cố gắng đi học, đi làm, kiếm được một công việc, thậm chí lương cao nữa. Những cô gái ấy, lương có khi còn cao hơn chồng, và giả dụ, anh chồng có không đưa tiền, thì vẫn cứ đủ tiền nuôi con, tiền son phấn thậm chí… để dành. Thế nhưng, chính những cô nàng dư dả ấy, lại luôn băn khoăn chồng mình có bao nhiêu tiền, có nộp tiền không, nộp bao nhiêu tiền. Nếu anh không nộp tiền, có khi lại… cho bồ cũng nên…
Tôi thì nghĩ, sự độc lập tài chính không đến từ việc bạn có bao nhiêu tiền, mà là ở cách bạn nghĩ sao về tiền.
Hôm trước, có một cô gái hỏi tôi, em muốn trở thành single mom chị ạ. Nói cho em biết, em sẽ phải làm gì?
Tôi bảo: em sẽ có một đứa con cực xinh, yêu lắm, đẻ đi! Em sẽ phải có một người đàn ông để đẻ, tất nhiên! Em phải có đủ tinh thần để đối diện với những lúc cô đơn cực độ, khi lần đầu con sốt đến 40 độ trong đêm, phải bắt taxi vào viện. Em sẽ phải có đủ sức khỏe để không bao giờ ốm sau khi đã làm việc suốt một ngày ở cơ quan, về nhà đón con, nấu cho con, cho mẹ ăn, tắm táp, dọn dẹp nhà cửa và rất có thể là, khi đã chuẩn bị lên giường ngủ, em còn phải chồm dậy để… dọn một bãi nôn trớ. Và hơn thế nữa, em có bao nhiêu tiền mỗi tháng, hoặc em định chi tiêu thế nào?
Em bảo, chắc bố nó phải có trách nhiệm chứ!
Tôi bảo: Không, đừng nghĩ người khác sẽ có trách nhiệm với mình, hoặc con mình, bất cứ việc gì, chứ chưa nói đến chuyện trở thành Single Mom.