Tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Ground của Nga với lượng nhiên liệu khổng lồ đang mất dần quỹ đạo và sắp sửa lao vào tầng khí quyển trái đất, gây ra mối đe dọa cho nhiều quốc gia.
Theo chỉ huy Oleg Ostapenko của lực lượng an ninh không gian Nga, những thông số về tàu không gian Phobos-Ground đã được giải mã. Theo đó, người ta nhận thấy nó đang mất dần độ cao với tốc độ 1km mỗi ngày. Số liệu đo được lúc 7h03 sáng thứ Ba tuần trước (giờ Moscow) cho biết con tàu nằm cách trái đất 209,75 km, trong khi số liệu đo một ngày trước đó tiết lộ con tàu ở độ cao 309,19 km. Số liệu đo lúc 11h13 đêm hôm thứ Tư thì xác định, con tàu đã rơi xuống độ cao 208,79 km so với bề mặt trái đất.
Phobos-Ground không bao giờ có cơ hội trở về nhà theo cách đã định. |
Đa số các chuyên gia nhận định tàu Phobos-Ground sẽ không bao giờ có thể bay lên được sao Hỏa ngay cả khi nó trở lại hoạt động bình thường. Các mảnh vỡ của tàu thăm dò có thể rơi xuống trái đất vào khoảng thời gian giữa tháng Giêng và tháng Hai năm 2012. Người ta sẽ xác định được chính xác thời gian con tàu về nhà theo cách không mong muốn này khi nó ở độ cao 180km.
Theo các nhà khoa học Nga, việc Phobos-Ground lao vào trái đất và nổ tung trên tầng khí quyển sẽ không gây ảnh hưởng tới lớp bảo vệ này của hành tinh. Nó sẽ về nhà một cách từ từ và hầu hết mảnh vỡ sẽ bị thiêu cháy trong quá trình rơi xuống. Heptyl, một thành phần có tính độc hại cao nằm trong nhiên liệu tên lửa cũng sẽ bị đốt cháy hoàn toàn trong quá trình rơi.
“Hầu hết các phần của vệ tinh sẽ bị đốt cháy trong quá trình trở về nhà. Một vài mảnh vỡ có thể sẽ không bị cháy hết và lao xuống trái đất, ví dụ như phần modun hạ cánh của con tàu có khả năng chịu nhiệt rất cao và được thiết kế để trở về trái đất. Ngoài ra, nhiên liệu của con tàu sẽ bị đốt cháy hoàn toàn trong quá trình trở về, nên không có bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với con người”, Velery Daduchenko, một chuyên gia không gian nói với hãng thông tấn ITAR – TASS.
Tuy nhiên, những mảnh vỡ của con tàu vẫn có khả năng gây hại tới con người, cho dù khả năng đó là rất nhỏ. Thời gian gần đây, nhiều vệ tinh liên tiếp rơi xuống trái đất làm gia tăng mối quan ngại của con người về những thiết bị khoa học “hết đát” quay quanh trái đất.
Hồng Duy
(Theo Bưu điện Việt Nam)