Đây là mối nguy hiểm không chỉ cho các vệ tinh quỹ đạo mà cả đối với con người trên Trái đất. Các thủ phạm chính “gây ô nhiễm” không gian là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác…
Trên quỹ đạo gần Trái đất hiện nay là hơn 16.000 vật thể có nguồn gốc nhân tạo. Trong số này có 3.000 vệ tinh đang hoặc không hoạt động, hơn 12.000 – tầng động cơ, khối và mảnh vụn tên lửa đẩy. Số lượng những vật thể kích thước bé hơn, từ 1 – 10cm, theo ước tính khác nhau vào khoảng 200.000 – 600.000. Những loại rác nhỏ hơn nữa được giới chuyên gia cho là lên tới hàng chục triệu.
Yếu tố duy nhất cứu vùng không gian gần Trái đất tránh khỏi nguy cơ hoàn toàn trở thành bãi rác thải là những mảnh vụn đang bay ở độ cao dưới 600km, sau một thời gian sẽ cháy trong khí quyển. Nhưng ở quỹ đạo 800km và cao hơn, các vật thể sẽ lơ lửng tồn tại tới vài thập kỷ. Đã xảy ra không ít trường hợp những mảnh vụn vũ trụ làm vô hiệu hóa vệ tinh truyền thông và định vị. Trạm không gian quốc tế ISS (ảnh) hàng trăm lần phải đổi đường bay để tránh va chạm với các mảnh vụn vũ trụ vô chủ.
Giải phóng không gian vũ trụ khỏi các đối tượng rác thải là vấn đề rất cấp bách và đang được nhiều nước nghiên cứu phương án thực hiện. Cơ quan không gian Nhật Bản (JAXA) dự định sử dụng… lưới đánh cá để làm sạch vũ trụ. Những chiếc lưới khổng lồ được đề xuất đưa lên một vệ tinh trên quỹ đạo. Tấm lưới vài km tung ra nhờ bộ điều khiển đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lưới tự động tháo gỡ khỏi vệ tinh. Các mảnh vụn thu thập được sẽ cùng lưới lọt vào bầu khí quyển để được thiêu hủy hoàn toàn.
Hãng tin Ruvr cho rằng, đến thời điểm này, phương tiện vạn năng đối phó với rác thải không gian vẫn chưa ra đời. Điều an ủi duy nhất là, theo các nhà khoa học, xác suất thống kê mảnh vụn rơi xuống Trái đất hoặc va chạm thiết bị vũ trụ rất không đáng kể. Với đà gia tăng các hoạt động trong vũ trụ hiện nay của con người, khả năng rác vũ trụ rơi xuống Trái đất ngày càng nhiều là điều không tránh khỏi.
(theo danviet)