Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, củ. Để lấy nguyên liệu làm thuốc, thường từ tháng 9 trở đi, khi phần trên mặt đất của cây đó bắt đầu tàn lụi (tốt nhất là mùa đông), người ta đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần rễ con, phơi khô se rồi đem sấy khô rồi bảo quản kín, để nơi khô ráo, thoáng mát.
Trước khi dùng được ngâm mềm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô, sao vàng. Cốt khí củ rất dễ bị nấm mốc phá hoại, làm giảm chất lượng của vị thuốc. Do đó, việc chế biến sau thu hoạch và trước khi sử dụng là vấn đề cần hết sức quan tâm.
Theo quan niệm của Đông y, cốt khí củ có vị đắng, tính ấm, có công dụng hoạt huyết thông kinh, chỉ thống, trừ phong thấp, thanh thấp nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn.
|
Bài thuốc theo dân gian:
Chữa đau nhức xương do phong thấp: Cốt khí củ 12g, đơn gối hạc 12g, cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, binh lang 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống 2 lần trong ngày, ngày 1 thang. Dùng liền10 ngày.
Chữa va đậm bầm tím bên ngoài: Cốt khí củ 20g, lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia làm 2 lần uống trong ngày để giảm đau, tan huyết ứ.
Hỗ trợ trị viêm gan siêu vi thể vàng da: Cốt khí củ 20g, lá liễu tươi 30g, địa cam thảo tươi 30g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền trong 10-15 ngày.
Hỗ trợ điều trị xơ gan: Cốt khí củ 20g, đan sâm 15g, hồng hoa 3g, chỉ sát 10, trạch tả 15g, trư linh 30g, trần bỡ 6g, sơn tra 15g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống trong vòng 1 tuần.
Hạ đường huyết do mất cân bằng thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm quá hưng phấn) và rối loạn hoạt động của não. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh không chịu được đói, chân tay hơi bủn rủn, cảm thấy đầu choáng váng, trống ngực, tim đập nhanh, buồn ngủ, tinh thần khó tập trung,…: Cốt khí củ 10g, trúc diệp (lá tre) 20g, thổ phục linh 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g, sắc uống trong ngày thay trà.
Để có kết quả tốt nhất trong điều trị trong từng trường hợp cụ thể cần phối hợp với các vị thuốc khác. Do vậy, muốn áp dụng các bài thuốc phải được bắt mạch tại cơ sở Đông y có uy tín.
Lương y.Phó Hữu Đức
(Theo SK&ĐS)