Leo Han, một nhân viên phân tích thị trường 30 tuổi ở Seattle, Mỹ, thú nhận rằng anh chẳng biết làm việc gì trong nhà cả. “Tôi chưa bao giờ vào bếp trước khi đến Mỹ”, Han nói. “Mẹ tôi thậm chí còn chẳng cho tôi đụng đến món gì. Bố mẹ chỉ muốn tôi dành tất cả thời gian cho việc học”.
Đó cũng là lý do tại sao Han cần phải kết hôn với một cô gái biết nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Hiện tại, có thể nói rằng công việc của Han đã ổn định, điều anh cần bây giờ là một cô vợ. Tuy nhiên, cùng chung tình cảnh với nhiều chàng trai Trung Quốc khác ở hải ngoại, việc tìm vợ ở đất khách với Han thực sự là một nhiệm vụ khó khăn.
“Phụ nữ ở đây thích làm những thứ mà đàn ông làm”, Han đùa. “Họ thậm chí còn đổ lỗi cho tôi vì không thể sinh con”.
Sau khi trải qua hai mối tình dang dở từ năm 2004, Leo bắt đầu quay về tìm vợ Trung Quốc. Han nói anh thích một cô vợ truyền thống giống mẹ mình. “Tôi mơ ước một tổ ấm giống gia đình tôi thời còn bé”, anh tâm sự. “Khi bố tôi đi làm về, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cơm nước và ngồi chờ ông”.
Zhang Yu, một người làm nghề mai mối, đồng tình rằng khả năng nội trợ là yếu tố quan trọng để một chàng trai Trung Quốc tìm vợ ở nước ngoài. Nam giới thường bận rộn với công việc và vì thế, họ muốn có người chăm sóc, cáng đáng việc nhà cửa. Tuy nhiên, ở nhiều nước, công việc trong gia đình được san sẻ cho tất cả các thành viên.
Dong Sang, sinh viên ở 24 tuổi ở Ibaraki-ken, Nhật Bản, cho biết có hơn một nửa số phụ nữ Nhật Bản chỉ ở nhà nội trợ sau khi kết hôn. Xu hướng này đã khiến các sinh viên Trung Quốc đang du học ở đây bị ấn tượng mạnh mẽ.
Liu Han, một người Bắc Kinh, lại phản đối quyết liệt quan điểm cho rằng nội trợ là thiên chức của phụ nữ. “Đã đến lúc tất cả phụ nữ phải được công bằng như đàn ông”. Liu chẳng bao giờ vào bếp cả và bạn trai cô lại rất thích cách sống của họ.
“Chúng tôi có thể thuê người giúp việc”, Liu nói. “Họ còn giỏi hơn cả tôi trong việc bếp núc, nhà cửa”, Liu cho biết.
Theo một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2010, có 40% phụ nữ châu Á kết hôn với người phương Tây năm 2008. Nhưng cũng theo số liệu này, lại có đến ít nhất 80% số nam giới châu Á có vợ cũng là người châu Á ở Mỹ. Người Trung Quốc chiếm phần lớn số người Mỹ gốc Á ở đây.
Khi các cô dâu Trung Quốc trở nên “quý hiếm” ở Mỹ, các chàng trai buộc phải quay về cách tìm bạn đời truyền thống, đó là mai mối qua cha mẹ. Theo truyền thống, các bậc phụ huynh sẽ sắp xếp toàn bộ hôn sự cho con cái và các đôi tình nhân còn chẳng biết mặt mũi nhau “méo tròn” thế nào trước khi tổ chức đám cưới.
Truyền thống này bây giờ không còn nữa nhưng đã phát triển lên một hình thức mới. Leo Han đã tìm hiểu đến 7 cô gái do gia đình và bạn bè giới thiệu trong dịp Giáng sinh vừa rồi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Anh dự định sẽ đưa cô dâu sang Seattle nếu tình yêu hai người vẫn thắm thiết sau một năm hẹn hò. Khi được hỏi làm thế nào để duy trì tình yêu, Leo bảo chẳng có gì phải lo vì đã có mạng Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại.
“Tôi không cần vợ mình quá xinh đâu”, Leo nói. “Tôi chỉ muốn cô ấy quan tâm đến gia đình hơn là làm quen với những chàng độc thân trong các bữa tiệc”.
Tuy nhiên, Leo thừa nhận rằng sức hấp dẫn là yếu tố cần thiết trong những vụ mai mối như thế này. “Tôi không thể biết được một cô gái sẽ cư xử thế nào trong tương lai chỉ sau lần gặp đầu tiên. Một gương mặt đẹp là điều duy nhất tôi biết chắc”.
Bây giờ Leo đã quay lại Mỹ và vẫn giữ liên lạc với hai cô trong số đó. Gia đình Leo chẳng khó khăn gì để chọn ra 7 cô gái cho Leo, nhưng một số phụ huynh thì phải nhờ đến các trung tâm mai mối để tìm vợ cho con.
Lu Yanxia, một nhân viên tư vấn hôn nhân, cho biết hiện cô có 4-5 khách hàng nam đang ở nước ngoài. Giá mai mối trung bình là 7.900-23.700 USD và phụ thuộc vào độ khó của việc tìm vợ. Ví dụ, một khách hàng cao 1m68 thì phải chi nhiều tiền hơn khách hàng cao 1m78 vì họ dễ tìm vợ hơn. Trước xu hướng này, truyền hình Trung Quốc đã phải tổ chức các buổi gặp gỡ ở hải ngoại để “cứu” những chàng “ế” vợ.
Anh Ngọc (theo China Daily)
Theo vnexpress