Nếu lỡ mang số “phá gia chi nữ”, cô dâu Chiết Giang (Trung Quốc) phải khăn gói ra khỏi nhà trong bộ dạng nhếch nhác như hành khất…
Tại một số vùng quê của tỉnh Chiết Giang, tới tuổi cập kê, khi hai bên gia đình đã ưng thuận chuyện hôn nhân đại sự, nhà gái thường dẫn con đi xem bói và chọn ngày lành tháng tốt cử hành lễ vu quy. Nhưng lỡ tân nương bị thầy phán là “phá gia chi nữ”, cô gái được xem là sẽ mang điềm gở đến cuộc sống lứa đôi sau này.
Để hóa giải số kiếp thiên định, người Chiết Giang phải tiến hành nghi thức rước dâu khá kỳ lạ. Khác với những lễ cưới thông thường, hai ba ngày trước lễ vu quy, tân nương phải âm thầm trốn khỏi nhà, tìm tới một ngôi miếu hay đền thờ gần đó tạm nương náu. Khi đi, cô gái chỉ được phép mang theo những bộ quần áo không mấy tươm tất lành lặn, một chiếc ô cũ, túi cói có bát, đĩa và một đôi đũa cũ kỹ. Bộ dạng cô dâu lúc này trông khá tội nghiệp, lếch thếch như kẻ hành khất.
Tại Chiết Giang, những cô dâu có số “phá gia chi nữ” phải chịu thiệt thòi trong lễ vu quy. Ảnh minh họa. |
Tới ngày vu quy, hôn lễ cũng không được cử hành vào lúc sớm sủa mà phải đợi tới khi nhá nhem tối. Nhà gái đều phải tạm lánh, mọi chuyện do phía nhà trai đảm đương. Lúc này, tân nương mới được phép diện y phục diêm dúa, trang điểm xinh đẹp. Dưới sự tháp tùng của hai cô gái trạc tuổi 20 do nhà trai cử tới, cô bước nhanh về phía kiệu hoa.
Lễ rước dâu diễn ra khá âm thầm, chóng vánh. Chiếc kiệu được khiêng về nhà trai thật nhanh trên một con đường tắt. Lúc này, cô dâu mới chính thức về nhà chồng, làm lễ bái đường rồi ngoan ngoãn làm tròn bổn phận dâu con trong suốt 126 ngày đầu tiên. Hết thời gian này, đôi vợ chồng trẻ dập dìu đưa nhau về thăm nhạc phụ, nhạc mẫu. Nhà gái rình rang tổ chức yến tiệc, mời họ hàng chòm xóm tới chung vui, bù lại cho không khí im lìm trong ngày vu quy trước đó.
Mai Anh theo Danvren.com
(Theo baodatviet)