(2Sao) – “Tôi yêu quê tôi! Xanh xanh lũy tre, quê hương tuổi thơ, đi qua đời tôi ….”.
Quê tôi – miền quê được biết đến qua câu ca dao: Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông Đôi chiếu cói quê hương đã chắp cánh cho cái tên Nga Sơn đến với mọi miền tổ quốc. Đôi chiếu – tình quê. Đôi chiếu ấy không chỉ thể hiện tinh hoa của dân tộc Việt, mà nó còn chan chứa tình người sâu nặng.
Để làm nên một đôi chiếu đẹp bền, người dân quê tôi không chỉ vất vả một nắng hai sương trên những cánh đồng cói ngút ngàn mà còn phải miệt mài, cần mẫn ngồi dệt chiếu. Vì vậy, chiếu cói quê tôi không chỉ là một sản phẩm của làng nghề truyền thống mà nó còn là tâm hồn, là tình yêu, là niềm tự hào của người Nga Sơn.
Quê tôi – hòn đảo hoang nơi Mai An Tiêm và gia đình bị lưu đày và cũng chính nơi đây, người đã tìm ra dưa hấu.
Tôi tự hào vì một nửa dòng máu của mình là con cháu họ Mai. Vì câu chuyện cổ tích xa xưa dạy tôi bài học làm người “của biếu – của lo, của cho – của nợ”, để tôi biết sống tốt hơn trong cuộc đời này. Tôi hân hoan khi được hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ hội đền thờ Mai An Tiêm, được tưởng nhớ vị thượng thủy tổ họ Mai và biết ơn công lao của người.
Quê tôi – nơi diễn ra câu chuyện tình đẹp mà buồn của chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương. Nơi lưu lại dấu tích chốn đào nguyên tiên cảnh mà chàng và nàng từng hạnh phúc. Bước vào động Từ Thức, ta như bước vào một thế giới khác, khác xa với hiện thực nơi cõi trần.
Quê tôi – nơi đã diễn ra phong trào Cần Vương Ba Đình lịch sử, nơi người dân Nga Sơn đã dám đứng lên để đấu tranh giữ nước. Nơi của biết bao người con lên đường ra mặt trận chiến đấu vì tổ quốc… Nơi có đồi hoa sim tím, tím chiều hoang biền biệt trong bài thơ của nhà thơ Hữu Loan. Vâng! Đó là quê tôi, một miền quê bình dị như biết bao làng quê khác trên đất Việt.
Tôi đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Tôi gắn bó và yêu thương những con người nơi đây. Nga Sơn – miền quê của những yêu thương, miền quê cổ tích.