“Mẹ ơi, quà 8/3 của mẹ đây”, thấy nàng dâu vừa nói vừa giúi cho một túi nilong, bà Toan vui vẻ nhận. Nhưng khi thấy bộ đồ nhàu nhĩ bên trong, mặt bà tái đi. Một người bạn cùng khu phố vừa khoe một bộ đồ giống hệt mới thửa từ đống hàng giảm giá ngay đầu ngõ.
Ảnh: 123rf.com. |
Bà Toan (Tây Hồ, Hà Nội) càng đau lòng hơn khi vô tình nghe được con dâu nói với bạn qua điện thoại: “Hôm nay cậu mua gì cho mẹ chồng? Tớ vừa hoàn thành nghĩa vụ rồi, chả tốn bao nhiêu vì lượm được bộ đồ giảm giá”.
Đây là năm đầu tiên bà Toan nhận được quà của con dâu. Mấy năm đầu về nhà bà, do kinh tế còn khó khăn, con dâu trẻ tuổi nên những ngày lễ tết, dù các con không biếu, tặng gì, bà cũng chẳng bao giờ trách. Sau khi sinh cho bà đứa cháu gái, con dâu ra nước ngoài học tập theo chế độ của cơ quan. Bà Toan ở nhà hết mực chăm sóc cháu, thường xuyên gọi điện, gửi đồ sang cho con dâu. Cô cũng mới về nước được chưa đầy nửa năm.
“Tôi luôn coi con dâu như con gái, thấy gì đẹp nhất, ngon nhất thì mua, gửi cho con. Vậy mà sao nó lại coi việc quan tâm tới tôi là ‘nghĩa vụ’ và dành tặng một món đồ thế này. Thà rằng đừng có gì còn hơn”, bà Toan giọng nghẹn ngào tâm sự.
Sau khi nhận quà, bà không nói được câu nào. Nàng dâu cũng chẳng để ý lắm nên không biết sự buồn bã thể hiện trên nét mặt mẹ chồng.
Nhớ tới 8/3 năm ngoái, bà Nga (Chùa Bộc, Hà Nội) vẫn thấy tủi thân.
Hôm trước đó, nghe vợ chồng con gái, con trai gọi điện báo tối sẽ tới ăn cơm cùng bố mẹ, bà đã khấp khởi từ sáng sớm đi chợ, chuẩn bị nấu nướng. Vì là ngày làm nên mãi sau giờ tan sở cả tiếng các con mới tề tựu đông đủ ở nhà, khi bà đã dọn sẵn các món trên bàn.
Nhìn bọn trẻ trầm trồ trước các món ngon, rồi vui vẻ ăn uống, bà thấy vui lắm. Thế nhưng, khi xong bữa, thấy con rể giục con gái nhanh về nhà để kịp mua hoa tặng mẹ chồng, rồi con trai chuẩn bị thay đồ chở vợ đi chơi, bà muốn chảy nước mắt. Miệng giục các con cứ đi để mẹ dọn, nhưng trong lòng bà nặng trĩu.
“Nhìn đống bát đũa xong nồi bẩn ngổn ngang, tôi thẫn thờ cả nửa tiếng mà không đụng tay đụng chân được. Tôi có ngại mấy việc lặt vặt đó đâu, nhưng thấy đau lòng vì các con vô tình quá. Chúng về là mình vui rồi, nhưng không đứa nào có được một lời chúc, hay bày tỏ sự quan tâm khiến tôi thấy mình như người thừa. Có lẽ chúng đã quen lúc nào cũng được mẹ phục vụ rồi nên chẳng để ý”, bà Nga thổ lộ.
8/3 là dịp để một nửa thế giới bày tỏ sự quan tâm đối với phái đẹp, nhất là những người mẹ đã cả đời chăm lo cho gia đình, con cái. Nhiều người đã lựa chọn những món quà nho nhỏ để “thay lời muốn nói”. Thế nhưng, đôi khi, những món quà không phù hợp lại khiến người nhận buồn lòng.
Nhận được chiếc phong bì con dâu đưa dịp Quốc tế phụ nữ, bà Tám thẫn thờ. Trả lại xấp tiền nàng dâu đưa cho, bà chỉ nói gọn lỏn: “Mẹ suốt ngày ở nhà, cần tiền làm gì”.
Hơn năm trước, bà Tám từ Hải Dương ra Hà Nội chăm cháu để con dâu và con trai yên tâm đi làm. Dù nàng dâu người thành phố có vẻ hiện đại tỏ ra không gần gũi lắm với mẹ chồng nhưng bà chưa bao giờ phàn nàn và nghĩ chỉ cần vợ chồng các con hợp và yêu thương nhau là đủ. Nhưng hôm qua, khi nàng dâu đưa chiếc phong bì và nói: “Mẹ giúp con chăm cháu nhưng con không biết mua gì tặng mẹ trong ngày này, mẹ cầm tiền rồi thích gì thì mua”, bà đã lặng đi.
“Tôi là người nhà quê, đã bao giờ biết 8/3 là ngày gì đâu. Lần đầu tiên được tặng quà mà tôi chẳng hề thấy vui, lại cứ có cảm giác như cô ấy đang trả công ‘osin’ của mình”, bà Tám tâm sự.
Nhà tâm lý Minh Hoa, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088 TP HCM cho biết, nhiều người trẻ thường cảm thấy khó khăn khi lựa chọn quà hay bày tỏ tình cảm với phụ huynh trong những ngày lễ như 8/3, 20/10. Không ít nàng dâu còn tâm sự rằng, họ sợ tặng đồ cho mẹ chồng trong những ngày này vì “khó làm vừa lòng ‘họ’ lắm. Thế nào cũng không được, tặng đồ ít tiền thì sợ bị chê, đồ đắt thì lại xót ruột”. Không ít người “rút kinh nghiệm” bằng cách lần sau không mua, tặng gì nữa.
Thực tế, đúng là không ít người lớn tuổi thường khó tính, sống tiết kiệm nên hay tỏ ra xót của khi nhận những món đồ con cái tặng. Tuy nhiên, hơn ai hết, cũng như trẻ nhỏ, người già luôn thích được được quan tâm, chăm sóc, nhưng cũng dễ giận lẫy. Nhiều người cũng chưa từng được tặng quà nên không có thói quen nhận quà. Và vì thế, để thể hiện sự quan tâm tới họ, con cái, nhất là nàng dâu cần sự chân thành, khéo léo và đôi khi cả kiên trì.
“Cuộc sống hiện đại khiến nhiều bạn trẻ mải mê tìm cách ghi điểm với bạn gái, đồng nghiệp… mà quên bày tỏ sự quan tâm tới mẹ trong những ngày lễ lớn. Không ít nàng dâu muốn tặng quà mẹ chồng chỉ để lấy lòng hay hoàn thành một trách nhiệm không mong muốn nên cũng lơ là việc này…”, bà Minh Hoa bày tỏ.
Bà cho rằng, thực ra, việc vun đắp tình cảm giữa các thế hệ cần được thực hiện hằng ngày, bằng những quan tâm cụ thể, chứ không chỉ vào một dịp nào đó. Và tặng quà người già không hề khó, chỉ cần hiểu được tâm lý, tính cách của họ.
“Một đôi vé xem kịch, một khóa học thể dục, khiêu vũ… sẽ phù hợp với các bậc phụ huynh ở thành phố, có lối sống hiện đại, trẻ trung. Nhưng với nhiều người khác, thì chỉ cần một bó hoa, một bữa ăn gồm các món mẹ thích hay chỉ là một lời chúc là đủ. Những món quà chăm lo cho sức khỏe của bố mẹ luôn có ý nghĩa và được các cụ cảm kích”, nhà tâm lý gợi ý.
Theo bà Hoa, trong những dịp này, chị em nên lôi kéo người chồng vào việc chọn quà và thể hiện sự quan tâm tới cả mẹ chồng và mẹ đẻ mình.
Vương Linh
(Theo vnexpress)