Cái sự phải lòng đôi khi đến một cách thật giản dị và tự nhiên, nhất là khi bạn ở trong tâm thế không mong đợi gì nhiều. Tự nhiên như bạn cần ăn, cần nói cười, cần hít thở.
Và, một cách rất tự nhiên, tôi đã phải lòng Luang Prabang như thế, khi trước chuyến đi tôi không chuẩn bị cho mình gì nhiều về mặt tinh thần ngoài một ít thông tin sơ sài “cố đô cũ của Lào”.
Luang Prabang, nằm giữa hai con sông Mekong và Namkhan, thật yên tĩnh với những con đường rất vắng người qua lại, những biệt thự xinh xắn dưới tán cây được sử dụng làm khách sạn, nhà hàng, spa, với những giàn hoa giấy trổ bông rực rỡ, với những nhà sư áo cà sa màu da cam lững thững đi bộ trên đường. Luang Prabang, thật thanh bình với những ngôi chùa nằm rải rác khắp nơi. Dường như mọi tiền của ở đây đều được đổ vào cho việc xây dựng chùa. Không ồn ào, không mù mịt khói hương, không đầy ắp tiền vàng cúng lễ, các ngôi chùa ở đây rất vắng lặng, chỉ có các nhà sư đọc sách dưới giàn hoa, hoặc thơ thẩn quét sân, tỉa lá.
Luang Prabang, khi tối đến, trở nên lung linh hơn với các ánh đèn đủ màu sắc. Khác với khu Patong – Phuket chật cứng các quán bar nhạc giật xập xình cùng các cô gái trong trang phục thiếu vải ôm cột uốn éo, nơi đây chỉ có tiếng nhạc rất nhẹ nhàng, các du khách ngồi dưới hàng hiên nhâm nhi chai bia hoặc ly cà phê, trao đổi những câu chuyện bâng quơ và ngắm đường ngắm phố. Đến Luang Prabang, du khách sẽ không chỉ hùng hục đánh dấu cho đủ các điểm “must see, must go” mà còn là để hoà mình vào chính nơi này, để nhẩn nha thưởng thức không gian và thời gian lắng đọng nơi đây.
Vì thế, đêm ở đây không quá náo nhiệt, không quá muộn. Cũng có lẽ để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu rất sớm, từ lúc 6 giờ, khi các nhà sư bắt đầu đi khất thực. Hình ảnh các nhà sư chân đất áo da cam đi thành một hàng dài rất trật tự, các người dân địa phương và du khách ôm những thố bằng nan tre trong đựng cơm nếp hoặc bánh quy, quỳ hoặc ngồi rải rác trên các con đường, đã làm nên một nét rất riêng của Luang Prabang.
Tôi không biết vì dân Lào hiền lành hay UNESCO can thiệp sâu mà việc bảo tồn ở đây được thực hiện rất tốt. Kiến trúc ở đây vẫn giữ được nét xưa, không bị sự can thiệp thô bạo của con người tạo ra các thứ dị hợm lạc lõng. Du khách nước ngoài đến đây nhiều nhưng không hề bị đội quân bán hàng rong hùng hậu chèo kéo làm phiền, cũng không có những người ăn mày cố nài nỉ một chút lòng thương hại để kiếm sống. Tôi còn nghe nói đây là thành phố không trộm cắp. Không biết điều đó thật đến đâu nhưng đúng là tôi không thấy nhà nào ở đây có chấn song cửa sổ hay cửa sắt kéo, hoàn toàn là cánh cửa gỗ, hàng rào gỗ trông rất mong manh. Thậm chí nhiều spa, khách sạn còn mở thông không gian công cộng với ngoài đường, với tư tưởng của người Việt nam tôi thấy trông ghê ghê vì mất cảnh giác.
Ở Luang Prabang, bạn không thể vội được. Điều đó có thể thấy ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân đến đây, khi tôi nhận ra rằng xuống khỏi chiếc máy bay ATR-72, tôi sẽ đi bộ từ máy bay vào nhà ga. Cũng sẽ không thể có hình ảnh những du khách tay cầm bản đồ, nhớn nhác tìm đường rồi đi như chạy. Tôi đã từng đứng trước một ngã tư, ngó ngược ngó xuôi rồi đứng yên ngơ ngác cất bản đồ vào túi vì bản đồ để làm gì khi cả hai đường cắt nhau đều chả có tên tuổi biển hiệu gì. Nhưng cũng có sao đâu vì chỉ mất non nửa buổi là bạn có thể thuộc lòng từng con đường tuyến phố. Mà chả có lý do gì để vội cả khi trên đường ai cũng đi lững thững… Không có gì phải vội, kể cả nhân viên chạy bàn trong nhà hàng cũng rất thong dong cơ mà.
Đừng vội, cũng đừng giục. Vì những ngày này, cái nắng ở Luang Prabang cũng không quá gay gắt để tôi phải chạy đi tìm bóng râm, trong khi cái se se lạnh khi đêm đến lại đủ để giữ chân tôi ngồi xuýt xoa bên tách trà nghi ngút khói.
Đừng vội, và đừng giục. Để cảm nhận cuộc sống khi nó đang trôi thật chậm. Nơi đây.
Le Kieu Ngoc Thu
(Theo dantri)