ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
“Quên thiên chức, phụ nữ sẽ hối tiếc”
Friday, March 9, 2012 10:23
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


PGS.TS Phạm Tú Châu là một trong những dịch giả nữ hiếm hoi và khá nổi tiếng với mảng truyện ngắn Trung Quốc. Tuy nhiên, theo bà, đằng sau mỗi sự thành công của người phụ nữ đều có sự trả giá.
PGS.TS Phạm Tú Châu.
PGS.TS Phạm Tú Châu.
Nếu bình đẳng thì sẽ mất hết
Chúng ta nói nhiều đến những thiên chức của phụ nữ. Nhưng có nhiều người phản đối thiên chức đó, mà cho rằng nói thế là buộc thêm gánh nặng cho phụ nữ. Theo bà liệu có thiên chức đó không?
Có thời gian phụ nữ gần như làm thay đàn ông bởi vì có những công việc, những cương vị, đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được. Dần dần trong xã hội hiện đại chúng ta mới nhận thấy nếu nhấn mạnh nhiều quá đến cái bình đẳng như nam giới thì nhiều khi không hợp lắm với phụ nữ. Bởi không thể phủ nhận thiên chức của người phụ nữ.
Thượng đế đã tạo nên người phụ nữ với các chức năng, cấu tạo cơ thể rất riêng biệt, từ chức năng sinh con, nuôi con, chăm sóc gia đình… Các nhà khoa học cũng chứng minh, chính các hormon đã làm cho tính nết của phụ nữ mềm dịu, có cái gì đó hấp dẫn, dịu dàng, khác với nam giới. Nếu mình đánh đồng cái đó với nam giới, thì sẽ mất hết.
Tức là bà ủng hộ việc phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho gia đình?
Trên thế giới cũng có những nữ tổng thống, thủ tướng, những nữ doanh nhân, nhà khoa học nữ thành đạt… Nhưng đó chỉ là số ít thôi, không thể từ đó coi tất cả phụ nữ đều phải như thế. Nghĩ như thế là nhầm. Ngay cả với những phụ nữ thành đạt cũng vẫn phải thấy đằng sau sự thành đạt ấy có một sự trả giá. Cho nên với phụ nữ vẫn phải có bước lùi. Về chức năng, không thể nào giũ bỏ hết được.
Những điều đó bà rút ra từ kinh nghiệm của chính mình?
Đúng vậy. Chúng tôi là thế hệ phụ nữ ba đảm đang. Thực ra khẩu hiệu ấy có tính chất thời sự, giai đoạn thôi, chứ không phải vĩnh viễn. Người ta chỉ có thể căng lên để làm trong giai đoạn nào đó, chứ về lâu về dài không thể như thế được. Nếu cứ làm mãi như thế, có cái được nhưng cũng có cái mất, cái mất này không phải nhỏ đâu. Chẳng hạn cứ căng lên như thế, chồng mình có chịu đựng được mãi không, con cái thiếu sự chăm sóc của mẹ thì sẽ ra sao…
Chính tôi cũng cảm thấy trong 5 năm làm luận án tiến sĩ, chồng con mình đã phải chịu đựng rất nhiều. Đấy là ông ấy tốt, và cũng là người đã trải qua kháng chiến, thì mới chịu được. Con mình cũng thế, may mà là con trai chứ nếu lại có con gái thì còn thiệt thòi nữa. Nói gì thì nói phụ nữ vẫn có chức năng riêng, chớ quên. Nếu quên thì sẽ hối tiếc.

Chị em thành đạt, lúc vấp mới tỉnh ngộ
Bà nhận ra điều này ngay sau đó?
Không, mãi về sau này, khi đã về hưu, nghĩ lại mình mới nhận ra. Chứ lúc đấy đang căng lên, hết làm tiến sĩ rồi lại tiếp tục lao vào những công trình của cơ quan… Mình là lứa đầu tiên học chữ Hán năm 1963, lại được học với những thày giỏi như các cụ Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai… nên phải học rất nghiêm túc. Hết học Kinh thi, Kinh thư, Sử ký, Tả truyện, Chiến quốc sách, Kinh dịch… lại học Đường thi, từ Tống không chỉ học chữ mà còn học triết học, mỹ học, tư tưởng, sử… rồi học tiếng Pháp, tiếng Anh, hết học cái này đến cái kia, liên miên đi học. Ông chồng mình có khi cũng bảo bà chỉ thích nổi tiếng.

Có đúng thế không ạ?
Đâu phải thế, mình đã vào cái guồng quay rồi. Mọi cái đó đều cấp thiết do công việc của mình là nghiên cứu. Nếu muốn làm thật tốt thì không thể đứng ở góc độ Việt Nam, hay Trung Quốc để nhìn văn học Trung Quốc hay Việt Nam mà mình cần phải biết phương Tây họ nhìn phương Đông như thế nào nên kiến thức lúc nào cũng thấy thiếu. Các lớp học lại do cơ quan mở nên bọn mình được động viên học. Hơn nữa thời đó nhìn ra xung quanh cũng chả ai buôn bán để biết ai giàu hơn ai. Anh nào cũng như anh nào, nên mình yên tâm, không thấy áy náy, bứt rứt tí nào. Chứ bây giờ ngồi học thì như lửa đốt, cơm áo gạo tiền, bao thứ phải lo.
Ngay lúc đó mà nhận ra thì liệu bà có thay đổi được không?
Lúc đó đang hăng nên chả nghĩ gì. Mà nếu nhận ra cũng chưa chắc dừng lại được. Đến lúc nghỉ hưu chồng ốm, phải chăm sóc nhiều hơn… mình ngồi nghĩ lại mới thấm thía. Thường là như vậy đấy, các chị em thành đạt lúc nào vấp một cái thì mới tỉnh ngộ, chứ khi đang lên như diều thế này thì chưa thấy hết được. Nếu ở ngoài có nhìn thấy mà bảo thì cũng chẳng ai nghe, vì đang làm như thế, mọi việc đang thuận lợi, chồng con cũng ủng hộ, chả có cái gì cản trở.

Chẳng qua là nhờ ông chồng
Nếu vậy thì cũng chả có gì để ân hận, vì có nhận ra thì cũng đâu làm được gì hơn?
Được chứ. Mặc dù lúc đấy ăn uống xuềnh xoàng, chỉ cần đĩa thịt kho với rau muống, thế là xong. Nhưng còn có những cái có thể lo được hơn cho chồng con. Như nấu mì, mình chỉ nấu nước không trong khi có thể ninh xương cho ngọt nước thì mới bổ, bữa ăn thì có thể thay đổi món… Hồi đấy ở cơ quan, mình cũng được đánh giá là chu đáo, nhưng nghĩ lại thì thấy không chu đáo, chẳng qua là nhờ ông chồng chịu đựng thì mới qua được, chứ nếu ông chồng không chịu đựng được thì sẽ nảy sinh lắm chuyện.

Và khi nhận ra, bà làm thế nào để bù đắp lại?
Từ lúc về hưu tôi mới có thời gian dành cho gia đình. Phải chăm sóc chồng con, hơn nữa cũng phải lo cho sức khỏe của mình, ăn uống phải tử tế nên mới đầu tư thời gian vào việc nấu nướng. Lại phải học bọn trẻ cách nấu những món ngon (cười). Mà việc nấu ăn ngon cho chồng con thì các bạn trẻ ở cơ quan mình giỏi lắm.
Xin cảm ơn và chúc bà luôn mạnh khoẻ!

Dịch giả Phạm Tú Châu sinh năm 1935. Năm 1954 bà được chọn sang Trung Quốc học lớp phiên dịch và được giữ lại công tác tại Khu học xá Nam Ninh. Năm 1959 bà về công tác tại Viện Văn học. Nhiều tác phẩm bà dịch được đón nhận và đánh giá cao: “Triết lý nhân sinh của tôi” (tự thuật của Vương Mông), “Gót sen ba tấc” (Phùng Ký Tài), “Biên thành” (Thẩm Tùng Văn), “Đại đội lính mới” (Lưu Chấn Vân), “Truyện truyền kỳ Việt Nam”, “Liêu trai chí dị”… Tiểu thuyết  “Gót sen ba tấc” đã được nhận giải thưởng của hội Nhà văn năm 1998.
Nhật Minh (thực hiện)

(Theo Bee)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.