“Con gái mới ngoài đôi mươi như mình, ai cũng muốn yêu và được yêu. Nhưng mà làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt với bộn bề lo toan thì thời gian đâu…” – cô công nhân 25 tuổi Phạm Thị Hương nói.
Kiếm tiền trước, yêu cứ… từ từ
Ghé một khu trọ công nhân tại khu phố 4, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM có nhiều người trẻ độc thân, không ít bạn trải lòng về tình yêu đôi lứa trắc trở vì mưu sinh. Vốn xinh xắn nhanh nhẹn, Lê Thơm (27 tuổi, quê Bình Thuận) được khá nhiều chàng trai tán tỉnh hẹn hò.
Lúc Hợp được nghỉ làm về bên Thơm lại trúng đợt cô tăng ca buổi tối. Không thông cảm và san sẻ được cho nhau, rốt cuộc tình tan, Thơm và Hợp “đường ai nấy đi”. Nhớ lại chuyện tình cũ, Thơm luyến tiếc: “Vì gia cảnh cả hai đều nghèo khó nên chúng tôi phải nặng gánh kiếm tiền, ít có điều kiện để chăm chút, nuôi dưỡng tình yêu”.
Với Thơm, tuy giờ vẫn có nhiều chàng “trồng cây si” nhưng cô chỉ muốn toàn tâm toàn ý vào công việc, ổn định kinh tế rồi mới nghĩ tới chuyện yêu.
Cùng suy nghĩ như Thơm, Duy Tấn (28 tuổi, quê Long An) xác định phải lo chuyện công việc trước. Là nhân viên giao hàng, công việc khá bận rộn lại thêm giờ giấc không cố định nên nhiều lần Tấn khiến người yêu giận hờn đòi chia tay vì trễ hẹn, vì thất hứa… Chán nản, Tấn dặn lòng phải chú tâm làm việc kiếm tiền, còn yêu thì… cứ từ từ.
Phòng trọ Tấn ở có ba người đàn ông đều ngấp nghé 30 nhưng đều là “lính phòng không”. “Công việc nặng nhọc bận bịu, lương ba cọc ba đồng như tụi mình thì chuyện có người yêu và giữ cho mối tình bền lâu thật chẳng dễ dàng” – Lê Văn, bạn cùng phòng Tấn, ngán ngẩm nói. Ngày nào đi làm về sớm, cơm nước xong cả phòng lại tụ tập ngồi nói chuyện nào công việc, đá bóng nhưng chuyện tình yêu bao giờ cũng xôm tụ nhất.
“Bọn mình cũng thèm được yêu chứ, nhưng mà còn trăm thứ khác phải lo, với lại cũng ít có cơ hội gặp gỡ, yêu đương nghiêm túc lắm” – Tấn trần tình.
Đợi duyên
Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh, vạ vật hơn nửa năm trời Nguyễn Thị Huyền Trân mới tìm được một vị trí làm việc ở TP.HCM đúng với chuyên ngành đào tạo, với mức lương thuộc hàng “bình ổn”. Lớn lên ở một vùng quê thuần nông nghèo khó có ba chị em tuổi sàn sàn nhau, cha mẹ cố gắng lắm mới nuôi nổi Trân qua bốn năm đại học với sự giúp sức từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ra trường cũng là lúc Trân gánh thêm nhiệm vụ phải lo cho cô em gái đang học năm nhất đại học. Từ đó Trân luôn tất bật trong guồng quay của cơm, áo, gạo, tiền. Mỗi khi nghe giá xăng tăng, Trân lại thấp thỏm lo sợ chủ nhà trọ tăng giá. Mới đây, ở nhà gọi điện vào bảo sắp đến hạn trả nợ số tiền vay thời sinh viên, Trân như ngồi trên đống lửa.
Tiền lương hằng tháng không đủ chi dùng, Trân nhận thêm đi làm gia sư buổi tối như thời còn là sinh viên. Dạy các ngày thứ hai, tư, sáu thấy vẫn chưa đủ, cô “chạy show” thêm thứ ba, năm, bảy. Tan giờ làm việc buổi chiều, ăn vội chút gì đó Trân chạy ù đến lớp dạy thêm cho kịp giờ.
Về đến nhà hơn 9g30 tối, cả người rã rời sau một ngày mưu sinh tất bật, cơn ngủ đến mau khiến cô không còn tâm trí để nghĩ chuyện gì khác.
“Dần dà mình cũng ít bạn đi vì không còn liên lạc nhiều. Còn người yêu hả? Mình thậm chí không có thời gian dành cho mình nữa, huống chi có thời gian tìm hiểu một ai” – Trân nói.
Cô gái 25 tuổi này tâm sự tiếp: “Nhiều lúc đi trên đường thấy đôi lứa quấn quýt mới sực nhớ mình cô đơn khá lâu rồi”. Những khi cô đơn đến quay quắt, Trân tìm những trang web kết bạn online làm quen một ai đó cũng ở hoàn cảnh như mình, nhưng nghĩ “chắc chẳng đi đến đâu với những người trên thế giới ảo” nên những mối quan hệ cũng không tiến triển. Có lần kiên nhẫn hơn, cô giữ liên lạc được mấy tuần với một bạn trai trên mạng. Nhưng khi quyết định “ra mặt” với nhau, mỗi tuần Trân chỉ có thể gặp người đó một lần vào chủ nhật.
Sự kiên nhẫn của người con trai mới quen có giới hạn nên rồi đường ai nấy đi. Nhiều lần thất bại như vậy càng khiến Trân thêm tự ti và chán nản. Ý nghĩ lao đầu vào công việc lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết…
Mỗi tối đến, khi đã mỏi mệt nằm bẹp trên giường, ngày mai đợi Trân chỉ là công việc, là những hóa đơn điện nước, là những khoản tiền phải lo cho em gái và gửi về cho ba má. Hỏi Trân vậy khi nào mới tính chuyện lập gia đình, Trân nói còn phải đợi duyên đến. Mà ngày đó bao giờ thì chính cô cũng không biết…
Theo Tuổi Trẻ