Beatles từng hát “tất cả những gì bạn cần là tình yêu” nhưng ở Hàn Quốc, nếu một cặp đôi muốn kết hôn thì cần có rất nhiều tiền, khoảng 200.000 USD, gấp bốn lần thu nhập bình quân của người dân nước này.
Chi phí một đám cưới bị đội lên cao như vậy một phần xuất phát từ truyền thống văn hóa của người Hàn đó là tặng những món quà đắt tiền trước khi cưới cho hai bên gia đình như những chiếc áo khoác lông thú và nhẫn kim cương. Cùng với thời gian, giá trị của những món quà cũng tăng lên, thậm chí có chú rể còn phải bỏ ra một khoản tiền đủ để mua một ngôi nhà trước khi lấy được vợ.
Được biết, chi phí trung bình cho một đám cưới vào năm 2011 tại Hàn Quốc đã tăng khoảng 270% so với năm 1999, trong khi lạm phát cùng kỳ tăng 45,5%.
Tổng chi phí vượt quá xa so với thu nhập bình quân của một hộ gia đình tại Hàn Quốc, khoảng 48,3 triệu won (42.600 USD), theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc. Vì thế, nếu các cặp vợ chồng trẻ muốn có một hôn lễ diễn ra êm thấm thì buộc phải vay tiền từ cha mẹ hoặc mang một khoản nợ khổng lồ.
Dân Hàn lao đao vì lo cưới. |
Các cuộc thảo luận thẳng thắn về tiền là một điều cấm kỵ tại Hàn Quốc nên nhiều người đã miễn cưỡng nói về chi phí đắt đỏ cho một đám cưới. “Xã hội Hàn Quốc có tính liên kết chặt chẽ và người dân ở đây rất quan tâm tới việc người khác sẽ nhìn mình như thế nào,” ông Harris H.Kim, một trợ lý giáo sư tại trường Đại học phụ nữ Ewha nói.
“Đám cưới đóng vai trò như một biểu tượng về vị trí của bạn trong xã hội,” ông nói thêm.
Một phụ nữ 27 tuổi đang làm việc trong ngành tài chính cho biết cha mẹ cô đã bỏ ra gần 90% cho đám cưới trị giá 140 triệu won của cô. “Chúng tôi phải dùng tới tiền của cha mẹ, có thể đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm để dưỡng già của họ” – cô nói.
Cô Kim, một giáo viên mầm non 30 tuổi, nói rằng chồng cô, người có thu nhập 40 triệu won, đã phải mượn cha mẹ 45 triệu won để chi trả cho một đám cưới với khoảng 600 khách, trong đó có hơn một nửa là bạn của cha mẹ mà cả hai vợ chồng đều không quen biết.
Quà tặng cũng là một gánh nặng đối với các cô dâu, chú rể tương lai. Theo truyền thống, gia đình hai bên phải trao đổi những món quà giá trị như lụa tốt để may quần áo mới hay trang sức đơn giản, như một cách để cảm ơn thông gia. Tuy nhiên, ngày này những mảnh lụa thông thường đã chuyển thành những tấm lông thú hoặc những chiếc túi đắt tiền, trong khi trang sức phải gắn kèm đá quý.
Số tiền mà những cặp vợ chông trẻ giành để mua một ngôi nhà vào năm ngoái đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000, chiếm gần 70% tổng chi phí cho một đám cưới. “Tôi có nhiều khách hàng trong 5 năm qua, những người đã trực tiếp hỏi bạn đời của mình có khả năng chi trả cho một căn nhà thuê hay không,” Sungmi Lee, một quản lý của trang web couple.net cho hay.
Mặc dù hầu hết các cặp đôi chọn cách chi tiền, nhưng nhiều người trong số đó không cảm thấy hạnh phúc hơn về điều đó. “Không một trang sức đắt tiền nào được thực sự sử dụng và bạn biết bạn sẽ hối hận khi sử dụng tiền cho việc đó sau khi bạn kết hôn và cần tiền cho cuộc sống của mình” Kisum Lee, một chuyên gia tư vấn cho biết.
( Theo Vietnamnet)