Những lúc đi làm về muộn, có mẹ chồng chăm sóc con cái, Hằng yên tâm hơn cả, giờ đây cô đã hiểu được điều đó.
Con dâu về nhà chồng có muôn vàn chuyện khó nói, trong đó mệt mỏi nhất vẫn là cách đối nhân xử thế với nhà chồng. Được lòng nhà chồng thì tốt, không được thì đau đầu, nhức óc, nghĩ cách đối phó hoặc là phải sống làm sao cho khéo, cho không bị để ý.
Ngày lấy chồng, Hằng luôn mang tâm lý mệt mỏi, lúc nào cũng sợ bị mẹ chồng mang ra nói này nói nọ. Dù biết mẹ chồng không quá khó tính nhưng Hằng luôn cảnh giác, để ý từng thái độ của mẹ và khéo léo hành xử mọi việc, nhưng…
Hằng có cái tính lôi thôi, nấu ăn xong thì đồ đạc để lung tung cả, không cái gì để vào đúng chỗ. Thì cô cũng cứ nghĩ, nhà chồng cũng vậy, giống nhà mình. Dù muốn gọn gàng nhưng đôi lúc, bản chất quen thuộc khó bỏ, lại thành lôi thôi. Mẹ chồng cũng không gắt gỏng nhưng nhiều lần góp ý, rồi lại vào dọn dẹp cho con cái. Biết con dâu bận rộn đi làm, lại còn con nhỏ nên mẹ chồng cũng tâm lý. Chỉ là góp ý để con hiểu và tiếp thu, chỉnh sửa chứ không có ý khó chịu, chì chiết.
Có lần đi làm về, thấy bà ngủ quên trên ghế, cháu thì bò xuống đất chơi, nghịch lung tung, Hằng vứt mạnh túi xách, đùng đùng nổi giận. Rồi quát tháo bâng quơ, dù không dám mắng trực tiếp mẹ chồng nhưng cứ hô hoán lên: “thế này thì chết à, con ơi là con…”. Biết ý con dâu nên mẹ chồng cũng vội ra ẵm cháu, rồi hớt hải đưa cháu đi tắm.
Chẳng hiểu thế nào, cô ô sin mới của nhà Hằng không như mong muốn. Đã đổi đến 3 lần ô sin rồi nhưng không ai làm Hằng hài lòng. Mình đã có tính lôi thôi, họ còn lôi thôi hơn mình. Trong con thì Hằng không yên tâm, mỗi lần đi làm về thấy ô sin cho con ăn cháo mà xót xa, vì cứ ngửa cổ đứa trẻ lên, nhồi nhét vào miệng nó, chẳng biết bao nhiêu cho vừa.
Có lúc thằng cu khóc thét lên, đau đầu, ô sin thì chẳng dỗ dành được, cứ một tay Hằng chăm lo hết. Sáng sáng, khi tỉnh dậy, chẳng thấy bữa sáng đâu. Mò vào phòng ô sin thì thấy vẫn đang ngủ. Bực dọc, Hằng lại thay người khác.
Nhưng bao nhiêu người đến đều không khiến cho Hằng hài lòng, cô còn cảm thấy khó chịu vì họ cứ làm vướng chân cô, không giúp được gì nhiều. Hằng lại nghĩ tới mẹ chồng. Mỗi lần ở cùng mẹ, sáng không phải lo đồ ăn sáng. Dù mẹ có hơi chút khó tính, thi thoảng quát tháo nhưng đó cũng là tính của người già, vả lại Hằng cũng không phải tuýp người gọn gàng gì cho cam. Ngày ở nhà mẹ đẻ, mẹ con mắng thậm tệ hơn rất nhiều. Lúc này, Hằng thấy mình quá quắt. Cái lỗi không phải ở mẹ chồng mà chính là tại Hằng luôn phân biệt quan hệ con dâu, mẹ chồng, không biết dung hòa. Nếu cứ coi mẹ chồng như mẹ của chính mình thì có lẽ mọi thứ đã dễ sống hơn.
Những lúc đi làm về muộn, có mẹ chồng chăm sóc con cái, Hằng yên tâm hơn cả, giờ đây cô đã hiểu được điều đó. Vì dù sao, đó cũng là cháu nội của bà, nên bà sẽ chăm chu toàn, không nhồi nhét thức ăn cho cháu, không cho ăn cho xong trách nhiệm và nhận lương. Cuộc sống gia đình vốn hòa thuận, tốt đẹp, cháu đi bà nhớ cháu, rơm rớm nước mắt, nhưng Hằng có bận lòng đâu. Giờ thấy hối hận quá!
Nửa năm trời ở riêng, Hằng bỗng thấy gia đình trở nên tẻ nhạt, cuộc sống mệt mỏi và lo lắng gấp bội phần, lo cho gia đình, lo cho con cái, sợ một thân một mình không chăm nổi. Dù sao thì mẹ chồng cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong chuyện chăm cháu. Dù gì cháu cũng là cháu của bà và chồng Hằng là con trai của mẹ.
Hằng bỗng thấy vai trò quan trọng của mẹ chồng, bỗng thấy biết ơn mẹ những ngày tháng qua đã chăm lo cho gia đình Hằng. Cuộc sống thật không phải điều gì cũng nhứ ý. Quan trọng là bỏ qua cho nhau, biết thông cảm và chia sẻ với gia đình, người thân những khó khăn của mình.
Một lần nữa Hằng xin chồng, mong chồng nói với mẹ một tiếng để gia đình được về ở chung với nhau.
(Theo Eva)