Không giữ chức nọ, chức kia ở công ty nhưng các phu nhân lại khiến cho nhân viên của đức lang quân phải quay như chong chóng.
Nhân viên phòng nhân sự công ty xây dựng P.Tài (Hoàng Mai) ai cũng phải khiếp đảm khi nhắc tới vợ sếp. Họ sợ sếp 1 thì sợ “lệnh bà” của sếp gấp 10 lần.
Trăm nghìn cách vợ sếp hành nhân viên của chồng
Mỗi lần đến phòng, P.Anh (26 tuổi) lại phải nheo mắt nhìn vào bàn làm việc. Những tấm thiếp bìa màu hồng, thắt nơ đỏ là nỗi ám ảnh không chỉ của riêng cô mà còn là nỗi kinh hoàng của cả phòng. Cứ nhận được cái bìa hồng hồng đáng sợ đó, thì có nghĩa cả phòng chuẩn bị phong bì mà đi dự tiệc của vợ sếp.
Mỗi lần nhà sếp sắm đồ mới, sinh nhật con hay đơn thuần kỷ niệm ngày lễ gì đó là y như rằng anh chị em trong phòng lại bất đắc dĩ phải tham dự một bữa liên hoan. Để có được những giây phút hoan hỉ chung vui cùng vợ chồng sếp, không ít lính quèn phải phát sốt nghĩ cách đối phó.
Tên tuổi của sếp Tuấn Anh, giám đốc công ty TNHH truyền thông T.T ( Đống Đa) lúc nào cũng được “thơm lây” nhờ tiếng cô vợ lắm chiêu. Vợ anh là người thạo mở tiệc tùng, ăn chơi. Không qua trường lớp đào tạo tổ chức sự kiện nào nhưng mọi người đều phải ngả mũ trước sự chuyên nghiệp của cô.
Nay thấy cô tới công ty mời nhân viên của chồng tới tham dự lễ kỉ niệm ngày cưới, mai lại thấy lễ kỉ niệm ngày yêu nhau, lại còn kỉ niệm ngày Tuấn Anh chính thức được bổ nhiệm làm sếp… Chỉ cần hứng lên là cô biến một ngày bình thường thành một ngày kỉ niệm. Và nhân viên công ty truyền thông T.T thì dù không muốn cũng buộc phải tham gia những cuộc hội hè, chè chén do cô khởi xướng.
Hồng Phương, nhân viên phòng kế toán của công ty, than thở: “Đi nhậu nhẹt, hát hò mà thấy ớn. Người ngoài không biết cứ nghĩ sao mối quan hệ giữa vợ sếp và nhân viên lại tốt đẹp thế. Tốt đẹp gì chứ! Miệng cười mà ruột chua chát, đồ đẹp không được dùng cứ phải mang đi cống nạp thôi!”.
Cùng hội với Phương, Diệu Hương (28 tuổi) tâm sự: “Mà có đi tay không được đâu. Lần này váy, lần sau áo, rồi nước hoa, mỹ phẩm… thứ gì tốt cũng phải nhớ đến vợ sếp. Xót lắm nhưng cũng chẳng dám oán thán nửa câu”.
Không tổ chức tiệc tùng, một vài bà vợ sếp lại khiến nhân viên phải hãi hùng vì máu Hoạn thư. Chị Hoa, người “nâng khăn sửa túi” cho sếp Dũng, phó giám đốc một công ty kiểm toán tại Hà Nội, nổi tiếng ghen tuông khủng khiếp. Hoa làm công việc của một bà nội trợ nhưng tần suất chị có mặt ở nhà ít hơn hẳn những lần xuất hiện trên công ty. Lấy lý do tới chăm nom chồng, chị tìm cách “rà soát” xem nhân viên dưới quyền chồng là những ai, có cô nào dám qua mặt tòm tem, “nem chả” gì không.
Cài người thân trong nhà mình vào cơ quan nơi chồng công tác lại là kế thượng sách mà Bảo Ngọc, vợ trưởng phòng hành chính công ty may mặc (Long Biên) áp dụng. Từ khi chồng lên được ghế trưởng phòng, Bảo Ngọc từng bước tác động tới chồng để đưa người nhà vào các vị trí “ngon” trong công ty. Bằng cách này, cô vừa tạo được công ăn việc làm cho người thân, vừa dễ bề quản lý chồng, một công đôi việc.
Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc một số người trong công ty lần lượt bị sa thải vì lý do này nọ, nhưng mục đích là lấy chỗ trống để Bảo Ngọc “nhét” người thân vào. Ai muốn ở lại chỉ còn cách duy nhất là làm sao để lấy lòng “sếp bà”, may ra thì tai qua nạn.
Chị Nga, tổ trưởng tổ kiểm hàng, ngậm ngùi cho hay: “Muốn yên phận làm ăn thì phải đi phong bì vợ sếp thôi. Vợ sếp mà thông thì không phải lo gì cả. Tốn kém thật nhưng cố mà đầu tư. Giờ bị đuổi việc thì cả nhà lấy gì mà ăn?”.
Nỗi lòng những người trong cuộc
Cô nhân viên xinh đẹp Ngọc Linh vẫn không khỏi bàng hoàng khi nghe được lời chỉ trích từ sếp và biết được bộ mặt thật của bà lớn vợ sếp. Cô thất vọng và hoài nghi tất cả: “Có nằm mơ mình cũng không nghĩ chị ấy lại đối xử với mình như vậy, mình điên hay sao mà đi tòm tem chồng chị ý, thế mà cũng ghen ư. Đây là bài học đắt giá mà mình không thể nào quên được. Tốt nhất không nên tin ai thời buổi này”.
Mặc dù rất uất ức nhưng Ngọc Linh vẫn quyết định đệ đơn thôi việc lên sếp vì lòng tự trọng. Cô nói: “Mình còn nhiều cơ hội, không thể chấp nhận được cái kiểu sống diễn kịch của bà vợ sếp”.
Còn chị Nga, mặc dù đã cầu cứu đến sếp bà nhưng giá trị túi quà của chị “chưa đủ nặng”, không phải hàng cao cấp nên việc chị bị loại là điều hiển nhiên. Không chỉ riêng chị Nga còn rất nhiều chị em trong xưởng may cũng cùng chung số phận phải dứt áo ra đi.
Những trường hợp “cố đấm ăn xôi” như Hồng Phương, P.Anh và Diệu Hương cũng không khá hơn là bao. Cứ phải chạy theo “hậu phương” của sếp khiến các chị thấy mệt mỏi, chán chường vô cùng. P.Anh tâm sự: “Mình mệt mỏi lắm. Lúc nào cũng trong tình trạng ức chế và chưa lĩnh lương đã thấy hết tiền. Nản nhưng vẫn phải cố bám trụ thôi”.