“Láng giềng phía Tây có người con gái đẹp như tiên nữ giáng trần, đôi mắt trong như nước hồ thu” – câu ngâm của Vi Trang xưa cũ đã cho thấy điểm ấn tượng nhất của người đẹp là ở đôi mắt của nàng.
Chính vì vậy mà việc giữ gìn đôi mắt của các bà hoàng, công chúa, cung phi… sao cho trong sáng, long lanh là một hạng mục được đặt ra hàng đầu trong nhiệm vụ của những cung y thời xưa.
Sức mạnh của lá dâu tằm đẫm sương
Phụ nữ Phương Đông quyến rũ với mắt phượng (Ảnh minh họa).
Theo quan niệm thẩm mỹ truyền thống Đông phương, cặp mắt phượng mỉm cười là đẹp. Loại mắt này hình bầu dục, lông mi dài, trông như luôn mỉm cười. Lâm Đại Ngọc trong “Hầu Lâu Mộng” và những mỹ nữ yêu kiều khác hầu hết đều được mô tả có cặp mắt đẹp “đơn phụng nhãn” như thế.
“Nội kinh” có nói: “Nhãn thông ngũ tạng” (mắt thông với ngũ tạng), “Tinh khí của lục phủ ngũ tạng đều thượng trú ở mắt”. Gan tốt thì mắt trong sáng, thận tốt thì con người đen láy. Cặp mắt con người vì là kết tinh của lục phủ ngũ tạng, là hợp khí âm dương, nên có thể ngó về quá khứ nhìn về tương lai, phân biệt đen trắng, tốt xấu, tựa như mặt trăng mặt trời vậy.
Mắt là công cụ truyền thần, người ta thường ví những gì cần yêu thương và bảo vệ như là đôi mắt vậy. Y thuật truyền thống cho rằng: “Can mạch trú ở mắt, mắt là can khiếu”. Ở xung quanh mắt có rất nhiều huyệt đạo liên quan tới can tạng (gan), cho nên khi gan kém, mắt sẽ trở nên đờ đẫn, thất thần. Một người có cặp mắt đờ đẫn, thất thần thì làm sao có vẻ quyến rũ nữa.
Khi thiếu máu, mắt hao hụt “nguồn dinh dưỡng” có thể dẫn đến bệnh quáng gà, thị lực giảm và khô mắt. Gan nóng có thể khiến cho hai mắt đỏ sưng. Gan hư thì mắt hay chảy nước, quanh con ngươi có màu vàng khô. Thận hư thì đồng tử giãn lớn, trắng nhạt. Thận nóng thì con ngươi thu nhỏ, hơi vàng.
Muốn có đôi mắt linh hoạt, hấp dẫn, trước tiên cần phải quan tâm tới các bộ phận bên trong cơ thể của mình, đặc biệt là lá gan. “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, từ con mắt có thể nhìn thấy trạng thái tinh thần của con người vậy. Tinh thần bất an, hoặc lúc mỏi vai đau đầu, con mắt sẽ có những gân máu, đó cũng là triệu chứng khác thường của can tạng.
Có nhiều người sau khi uống rượu, mắt sưng đỏ, đó là do cồn kích thích can tạng khiến can tạng hưng phấn khác thường mà nên. Sức ép tinh thần và sự phẫn nộ hay tức giận đều có thể gây xung mắt.
Trong cung đình các triều đại đều bảo tồn và tạo tác nhiều bí phương liên quan tới chữa bệnh mắt, bảo dưỡng mắt. Đó là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của các thầy thuốc trong cung vậy.
Lá dâu tằm là phương thuốc bí truyền.
Trong y án đời Thanh, lá dâu tằm và hoa cúc là hai loại nguyên liệu thường gặp nhất cho mục đích làm sáng mắt, thanh can. Ngự y Trương Trọng Nguyên đã soạn ra bài thuốc Minh mục diên linh hoàn dành cho Từ Hi Thái Hậu cũng chỉ dùng hai thứ là lá dâu tằm và hoa cúc mà thôi.
Căn cứ vào những ghi chép trong “Bản thảo cương mục” thì lá dâu, hoa cúc đều thanh nhiệt tán phong, dưỡng gan sáng mắt. Uống thường xuyên có hiệu quả lâu dài.
Đặc biệt, Từ Hi Thái Hậu sở hữu một loại nước rửa mắt được chế từ lá dâu hái khi sương xuống – gọi là “sương tang diệp”. Hiệu quả của nó là chữa chứng mắt đỏ sưng, khô rát đau, nước mắt chảy nhiều, giúp cho mắt sáng.
Thành phần dược liệu chỉ là lá dâu tằm hái khi đang đẫm sương. Mỗi lần lấy khoảng 12 gam lá dâu sương sắc với nước, sau đó bỏ bã đi lọc lấy nước. Mỗi ngày sau khi rửa mắt dùng nước thuốc này rửa mắt. Vị này có thể sắc uống thay cho trà thường xuyên, chỉ có ích mà không có hại.
Lá dâu sương có vị đắng ngọt, tính hàn, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, làm mát gan, sáng mắt. Điều này được ghi nhận trong các cuốn “Bản thảo cầu chân”, “Phổ tế phương”, “Tập giản phương”. Đặc biệt, trong cuốn “Phổ tế phương” còn bổ sung một cách làm việc khác: dùng lá dâu sương phơi khô nghiền thành bột nhuyễn, rồi dùng giấy cuốn lại, đốt cháy rồi xông khói vào mũi để chữa chứng mắt đỏ đau, khô rít.
Thêm hoa cúc vào cùng với lá dâu, Từ Hi Thái Hậu có những viên sáng mắt chữa chứng mắt đỏ sưng đau, làm cho mắt sáng long lanh và có thần sắc. Lá dâu và hoa cúc lượng bằng nhau (mỗi lần làm khoảng 30 gam) nghiền thành bột mịn, cho thêm mật vào quấy đều, vo thành viên thuốc cỡ bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 6 gam với nước sôi để nguội.
Đây chính là viên thuốc “Minh mục diên linh” đã nhắc tới ở trên – là phương cung đình làm sáng mắt. Ngoài ra, phương này có thể làm thành thuốc cao, cách làm là đem lá dâu sương và hoa cúc sắc với nước rồi vớt bỏ bã, cô thành nước đặc, thêm vào một chút mật ong chế thành thuốc cao để uống.
Muối từ biển vào nơi khuê các và phương thuốc “tay không”
Thời xưa, người ta đã biết dùng muối biển để làm sáng mắt, chắc răng, khiến mắt nhìn thấy những vật thể ở thật xa. Cách làm với những viên muối giản dị mang vị mặn mòi của biển cả này khá cầu kỳ.
Lấy 1000 gam muối biển khô, sạch, dùng nước thực sôi để muối hòa tan, nấu cô đến khi nước cạn khô rồi lấy muối trong chảo nghiền thành bột, cho vào bình sứ. Mỗi sáng sớm dùng 4 gam muối đánh răng, sau đó dùng nước hòa muối súc miệng, dịch muối thì để rửa khóe mắt, nhắm mắt lại một lát rồi rửa sạch bằng nước.
Muối ở đây được lưu ý là muối biển (chứ không phải muối mỏ hay muối hồ), là vì muốn biển có vị mặn, tính hà, có thể chữa nhiều chứng bệnh răng, nhưng trong cuốn “Bản thảo cương mục” ghi lại rằng: Có thể chữa sâu răng, răng lung lay, đau răng, chảy máu răng, nhiệt miệng, chắc răng, đồng thời có thể làm sáng mắt.
Còn lí do dùng nước thật sôi là bởi quan niệm cho rằng nước thực sôi có thể thông kinh lạc, còn có thể chữa chứng đỏ mắt (theo “Bản thảo cương mục”). Còn lí do phải dùng đồ bạc hay đồ sứ để nghiền, để đựng, là bởi quan niệm cho rằng bạc có thể giúp sáng mắt và chữa trị sưng đau răng (theo “Bản thảo cương mục”).
Phương này có xuất xứ từ “Vĩnh Loại Kiềm Phương”, sau đó được Từ Hi Thái Hậu chọn làm thuốc bảo vệ sức khỏe, làm sáng mắt, chắc răng.
Đời Thanh có nhiều câu chuyện về bảo vệ và chữa bệnh mắt. Trong đó đặc biệt có cách không cần dùng vị thuốc nào mà chỉ đơn giản là chà xát lòng bàn chân. Có câu chuyện được Thanh Thành Tử đời Thanh kể lại như sau: Công tử nọ là con của thống quân một tỉnh, gia đình giàu có bỗng một hôm hai mắt sưng đau khiến chàng suốt đêm rên rỉ.
Gia đình bèn mời danh y Diệp Thiên Sĩ bày cách: Trước tiên phải tĩnh tâm, tĩnh tọa, dùng bàn tay trái của mình chà xát vào lòng bàn chân phải 360 lần, rồi ngược lại, dùng bàn tay phải chà xát vào lòng bàn chân trái 360 lần. Kiên trì như vậy 7 lần trong 1 ngày.
7 ngày sau, Diệp Thiên Sĩ quay trở lại thì bệnh mắt của công tử nọ lành hẳn. Dùng tay xát nóng lòng bàn chân sẽ giúp hỏa khí đi xuống, bệnh mắt sẽ tự khỏi, nếu không thì trong lòng càng phiền, mắt càng đau. Lòng bàn chân là nơi có huyệt Dũng Tuyền, mát-xa huyệt này có thể giúp an thần.
Lá dâu tằm cũng giúp mắt sáng lên (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, cũng có thể dùng ngón tay giữa của hai bàn tay mát-xa khóe trong và khóe ngoài con mắt, dùng ngón tay thứ hai, ba và bốn ấn nhẹ lên mí mắt, dùng ngón cái ấn mạnh vào huyệt Hợp cố ở giữa ngón cái và ngón trỏ, hoặc đảo mắt nhiều lần cũng có thể loại trừ mệt mỏi, khiến mắt sáng hơn lên.
Tìm ra và thực hiện những cách thức giữ gìn và làm tăng sức hấp dẫn của “khóe thu ba”, “làn thu thủy” (đôi mắt trong xanh như nước hồ thu, khóe mắt rập rờn như sóng nước mùa thu) không chỉ là để đáp ứng mong muốn hướng đến chuẩn mực của cái đẹp xưa cũ, nó còn đáp ứng nhu cầu không thể phủ nhận của mỗi người phụ nữ ở mọi thời đại.