Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà bà Trần Thị Hồng Hà – chuyên gia tâm lý thuộc hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam từng tư vấn. Bà Hà kể, anh này đã đưa tiền cho bạn gái giữ hộ từ khi cả hai là sinh viên. Hiện anh vẫn rất yêu cô nhưng không biết làm thế nào để sửa được tính thích quản lý, đặt uy quyền của nàng lên vấn đề tiêu tiền của anh, từ những cái nhỏ nhất.
Theo bà Hà, cô gái này đang rất sai lầm bởi cách quản lý tiền áp đặt, làm bạn trai thấy bị lệ thuộc, mất tự do. Chàng trai nên góp ý với người yêu, chứng minh để cô thấy anh là một người đàn ông biết tiêu tiền có chừng mực.
“Trong tình yêu, tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm. Chỉ nên giữ hộ tiền cho người yêu khi cả hai đang là sinh viên, người đó chưa biết cách chi tiêu hợp lý và số tiền không lớn. Người nhờ giữ tiền cần biết cách vượt qua định kiến bị bạn bè chê cười, người ngoài soi mói. Ngược lại người giữ tiền không nên quản lý tiền bạc với người yêu của mình. Nên rõ ràng quan điểm ’tiền của anh, anh tiêu’. Chỉ nên góp ý chứ không được rèn cách tiêu theo ý mình”, chuyên gia Trần Thị Hồng Hà nói.
Khi cả hai đã đi làm, vấn đề tiền chung sẽ chịu nhiều yếu tố chi phối, việc giữ hộ tiền là không nên, hãy để bạn đời tương lai học cách tự lập. “Thực tế có nhiều người muốn chấm dứt khi tình yêu đã hết nhưng không thể bởi đang có vướng mắc về tiền bạc”, chuyên gia Hồng Hà cho biết.
Nếu các cặp đôi đang yêu nhau muốn chung tiền cho tương lai của hai người thì nên có những kế sách hợp lý, không để tình cảm bị tiền bạc chi phối. Ảnh:womenworld.org. |
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ – Tổng đài 1088 – nói: “Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm trong tình yêu. Nếu dung hòa không khéo thì tình yêu cũng bị ảnh hưởng”.
Chuyên gia Văn Thanh Sĩ chia sẻ rằng trong những trường hợp ông tư vấn thì cứ 5 người con gái có xích mích tiền bạc với bạn trai thì có 2 người con trai lục đục với bạn gái về tiền bạc. Tất cả họ đều mắc chung một sai lầm là xem việc đưa tiền cho người yêu giữ hộ hay tiêu tiền chung là một cách để chứng minh tình yêu, lôi kéo đối phương về phía mình.
Chuyên gia phân tích, khi hai người có sự tin tưởng lẫn nhau thì việc anh/cô này không biết cách giữ tiền mà nhờ người yêu giữ hộ sẽ không thành vấn đề. Ngược lại, quan niệm đưa tiền cho người yêu giữ hộ để anh/cô ấy tin tưởng mình, yêu mình hơn thì hoàn toàn sai lầm.
Một chuyên gia tâm lý là giảng viên đại học cũng cho biết vừa tư vấn cho một cô gái bị stress vì mâu thuẫn tiền bạc với bạn trai. Cô này kể từ ngày yêu nhau – khi cả hai còn là sinh viên – bạn trai đã nhờ cô giữ tiền hộ vì anh không biết cách chi tiêu. Đến khi ra trường, cả hai đi làm. Người bạn trai lúc này mới nói muốn tự lập, không nhờ giữ tiền nữa khiến cô gái bị sốc.
“Sự việc đột ngột này làm tâm trạng cô ấy vô cùng xấu, xuất hiện nhiều nỗi lo. Cô ấy sợ rằng bạn trai đã bớt yêu mình nên không nhờ cô ấy giữ tiền nữa. Cô ấy cũng thấy tủi thân bởi từ ngày được bạn trai nhờ giữ tiền anh này hầu như quên mất chuyện tặng quà cho bạn gái, ít lãng mạn hơn. Mỗi lần cô gái bóng gió thì đều nhận được câu nói ’Anh đã đưa hết tiền cho em. Muốn gì em cứ lấy mà mua’. Chuyện không được giữ tiền cũng khiến cô gái lo lắng sẽ không được biết bạn trai ăn gì, mua gì, tiêu tiền vào những đâu nữa…”, giảng viên tâm lý này kể.
Chuyên gia phân tích sai lầm bắt nguồn từ chính cô gái. Cô nghĩ bạn trai đưa tiền giữ hộ là chứng tỏ anh ta yêu cô, tin tưởng cô, khi giữ tiền, cô có thể kiểm soát được anh ta, biết anh ta ăn, tiêu gì lại càng sai lầm. Lúc đã đi làm, không còn dựa vào gia đình, ai cũng muốn mình tự lập. Rất có thể bạn trai cô đang muốn tự lập thật sự. Cô gái nên ủng hộ quyết định này của bạn trai. Hãy làm người phụ nữ dõi theo từng bước trưởng thành của anh ấy.
“Có nhiều cách để chứng minh tình yêu, hoàn toàn không phải là việc nhờ giữ tiền hộ. Cho nên trước khi hai người yêu nhau đi đến vấn đề tiền chung trước hôn nhân hãy suy nghĩ thật chín chắn. Trong bất cứ xích mích nào, hãy đặt tình cảm trên hết“, giảng viên tâm lý này khuyên.
Phan Dương
(theo vnexpress)