Là con một trong gia đình có bố mẹ là công chức, Tuấn cũng chọn làm công chức theo ý bố mẹ, và rồi cũng quyết định lấy vợ sớm theo ý ông bà. Bạn bè hơi bất ngờ khi biết lý do lập gia đình của chàng trai khá bảnh bao và ưa tự do này: “Mình là con một, đằng nào cũng phải lấy vợ, sinh con, cưới sớm, hoàn thành trách nhiệm sớm!”.
Tuấn cũng cho biết từ khi lấy vợ anh không phải rơi vào cảnh bố mẹ nhăm nhắm chọn cô này, lựa cô kia, rồi bắt đi gặp gỡ nữa. Và hay nhất là không bị gọi về nhà ăn cơm sau giờ làm. “Đôi khi đi uống bia với bạn bè, không về nhà thì đã có vợ làm bia đỡ” .
Gần tương tự như Tuấn, chỉ khác ở chỗ vợ của Phong (26 tuổi, trọ ở Khương Trung, Hà Nội) không sống chung với chồng, mà vẫn ở quê. “Mình lấy vợ để ông bà già ở quê thỏa nguyện mong ước có một cô con dâu làm giáo viên thôi, chứ nói yêu thì chưa phải”, Phong cười phân trần, pha chút hối hận khi kết hôn và kể về mối tình ngoài hôn nhân của mình.
“Ở quê, chỉ cần là công chức, có nghề ổn định là nhất rồi, mình cũng làm ra tiền, vợ thì làm nhà giáo… nhưng thực ra người mình có tình cảm và yêu thương lại không phải là vợ”, Phong tâm sự, không quên giải thích thêm rằng anh và người yêu không đến được với nhau chỉ vì cô ấy chưa muốn lập gia đình vào thời gian này.
Kết hôn sớm làm bình phong để bản thân được tự do, để tạo dựng một cái mác bề ngoài hoàn hảo là chuyện nhiều thanh niên trẻ ngày nay đang làm một cách liều lĩnh.
Ngồi kề cà tại một quán bia trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hải (27 tuổi, Hàng Mã, Hà Nội) kể chuyện cậu bạn mới kết hôn gần đây. “Bạn mình mới lấy vợ, chẳng phải chót lỡ gì mà cưới gấp lắm, hỏi ra là vì bà mẹ muốn nhất định phải có cháu tuổi rồng nên đòi con cưới vợ. Thực ra là nó đang yêu một cô bé khác nhưng bố mẹ không đồng ý, suốt ngày bắt đi gặp gỡ người bố mẹ chọn, nên cuối cùng nó cưới, cưới cho rảnh nợ”.
Hải có phần trầm lại khi nói tiếp về cậu bạn đang buồn phiền của mình, “bây giờ cưới rồi nó lại càng hay vắng mặt ở nhà. Cậu ấy bảo ’cứ cưới, để cho bố mẹ phải nhận ra hậu quả của việc ép duyên con’!”
Trường hợp của Hiếu (25 tuổi, Trần Đăng Ninh, Hà Nội) cũng không khá hơn. Hiếu yêu một cô gái nhưng bố mẹ nhất định không đồng ý, còn bà mẹ luôn tìm kiếm giới thiệu những cô gái khác cho với tiêu chí: “Con cứ đi gặp mặt, nếu ưng thì cưới”.
“Tối cứ đi làm về mình lại chuẩn bị tắm rửa và đi hẹn hò với những người chẳng quen biết. Mẹ cho tiền mình đi, và luôn kiểm tra các cuộc gặp bằng cách gọi điện trò chuyện với các cô gái ấy”. Đến khoảng người thứ mười bảy hay mười tám gì đó thì Hiếu quá mệt mỏi và cưới đại một người. Ngày cưới, ai trong nhà cũng vui, còn bạn bè, những người cách đó hơn một tuần còn thấy Hiếu tay trong tay với người yêu thực sự thì ngỡ ngàng vì cô dâu là một người hoàn toàn xa lạ.
“Và hậu quả của những quyết định lấy vợ vì ’liều’ ấy đã khiến cho rất nhiều người phải đau khổ, không chỉ là ngay bản thân những anh chàng ấy mà còn gây ra sự đau khổ cho người được họ chọn, cưới về làm vợ”, chuyên gia tư vấn tâm lí Trần Thị Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội, tổng đài 1080 nhận định.
“Đã có rất nhiều người vợ trẻ gọi điện đến cho chúng tôi để kể về chuyện chồng hờ hững, thiếu trách nhiệm sau ngày cưới. Gần đây nhất, một cô gái tên Thúy, làm giáo viên ở Bắc Giang gọi điện xin ý kiến có nên li dị chồng không?”, bà Hằng nói.
Thì ra, hai người mới cưới nhau được 3 tháng, chồng đi học trên Học viện Lục Quân xa nhà, một ngày Thúy đi dạy học về thấy một cô gái trẻ tuổi, hiện là sinh viên năm cuối đứng đợi ở sân. Cô gái kia rất nhẹ nhàng, xinh xắn đến để hỏi thăm chồng Thúy. Lúc này Thúy mới biết, thì ra bấy lâu nay cô gái này mới được bạn bè cùng trường chồng coi là người yêu, còn Thúy thì chỉ được gọi là “vợ dưới quê”. Anh chồng được gọi về, trước mặt gia đình, đã thừa nhận việc yêu cô gái kia từ trước khi lấy Thúy, và buồn nhất là anh lấy Thúy chỉ vì cô là giáo viên.
“Cũng không ít những cô vợ trẻ vì suy nghĩ đơn giản nên khi lấy chồng nhanh chóng đã phải đối diện với thực tế khác với mong muốn, khi bản thân họ không suy nghĩ chín chắn, và nhất là cũng gặp phải những anh chồng suy nghĩ đơn giản y hệt”, bà Hằng chia sẻ thêm.
Ông Hoàng Minh Tuấn – chuyên gia tư vấn tâm lí Trung tâm tư vấn An Bình – phân tích thêm: Khi quyết định lấy vợ, có thể thấy hầu hết những anh chàng này đều bắt nguồn từ suy nghĩ trước mắt: “Lấy cho đỡ bị kiểm soát, đỡ bị nhéo nhéo, đỡ bị bố mẹ giục giã, hối thúc đủ kiểu”. Họ kết hôn nhanh chóng để xóa bỏ tất cả những khó chịu đó mà không nghĩ đến người khác. Và trầm trọng hơn, họ không nhận thức được hậu quả mà chính mình phải gánh chịu. Hiện tại họ dùng hôn nhân để làm bình phong, làm cái cớ để lẩn tránh những rắc rối với gia đình, những thứ họ không thích nhưng chính khi những rắc rối này được xoa dịu bằng một đám cưới, một cô vợ thì lại có muôn vàn rác rối khác nảy sinh. Khi mà hàng ngày họ phải sống và đối diện với một người mình không yêu và không muốn chia sẻ và nhất là phải có trách nhiệm với người đó thì càng khó.
“Việc này sẽ là cái mầm nảy sinh những mâu thuẫn, và chắc chắn bất kỳ người vợ nào cũng có thể cảm nhận được sự ’chối từ’ của chồng, và những anh chồng trẻ ít khi nhận thức được điều này”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia cũng khuyên các bạn trẻ đừng nghĩ vì mình phải có trách nhiệm với bố mẹ mà kéo một người vào gánh thay trách nhiệm cho mình, còn mình thì thảnh thơi và coi đó là xong chuyện.
“Phải biết nghĩ rằng, người vợ mà bạn cưới sẽ là viên gạch đầu tiên tạo dựng gia đình của riêng bạn, và hãy có trách nhiệm với gia đình nhỏ của bạn thì mới là có trách nhiệm thực sự với bố mẹ, mới xứng đáng được gọi là người chồng. Còn nếu chưa sẵn sàng để kết hôn, chưa thực sự muốn thì đừng kết hôn liều, hậu quả có khi sẽ thấy ngay trước mắt hoặc có khi sẽ làm bạn hối hận và day dứt cả đời. Sẽ tiếc nuối vì bạn đã không cưới vợ vì mình”.
Đồng Thảo
(theo vnexpress)