Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ còn được gọi là thành Tây Đô, Tây Giai hay An Tôn, được Hồ Quý Ly xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Thành là kinh đô của nước Đại Việt – vương triều Trần từ năm (1389 – 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu – vương triều Hồ từ năm (1400 – 1407).
Thành được xây dựng trên một địa thế hiểm trở “cuối nước, đầu non”, có núi cao bao bọc, có sông nước ngăn cách. Thành có 2 khu là khu thành nội và khu thành ngoại vi, với 4 cổng theo chính hướng nam, bắc, tây, đông gọi là cổng Tiền, Hậu, Tả, Hữu đều được xây dựng theo kiểu cổng vòm.
Toàn bộ tòa thành được lắp ghép bằng những khối đá lớn khổng lồ hình chữ nhật chồng khít lên nhau, tường thành có chiều cao từ 5 – 10m. Bốn cổng thành được ghép đá theo hình vòm mở ra ở chính giữa, riêng cửa phía Nam có 3 vòm cuốn.
Tọa lạc trong một khu đất bằng phẳng rộng rãi, thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đặc biệt, vào tháng 6/2011, thành vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.
Đây là một công trình kiến trúc cổ kính đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của nước ta.
Vào ngày 1/8/2010, khu trung tâm hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.
8 khu vực tham quan trong Hoàng thành Thăng Long gồm: Cột Cờ, Đoan Môn, Hậu Lâu, nền điện Kính Thiên, Bắc Môn, nhà D67 và hầm D67, nhà trưng bày “Hoàng thành Thăng Long”, nhà N32 và N32 trưng bày theo chuyên đề hơn 700 di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.
Kinh thành Huế
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Đây là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn từ năm 1805 đến năm 1945. Thành có diện tích hơn 500 ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. 4 hướng đông, tây, nam bắc của thành lần lượt giáp các giáp các đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Tăng Bạt Hổ và Phan Đăng Lưu.
Các di tích trong Kinh thành gồm Kỳ Đài, Trường Quốc Tử Giám, điện Long An, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm, Viện Cơ Mật – Tam Tòa, Đàn Xã Tắc, Cửu vị thần công.
Hiện, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới và cũng là di tích nổi bật nhất.