1. Hội đua vịt cao su, vùng Tubingen, Đức
Người tham dự hội đua vịt cao su thả “vịt đua” xuống sông Neckar. |
Kể từ năm 1999 cho tới nay, đến hẹn lại lên, hội đua vịt cao su thường niên ở thị trấn lịch sử Tübingen, gần thành phố, Stuttgart, Đức được tổ chức trên sông Neckar, thu hút hàng nghìn người dân và khách du lịch đến xem và tham gia.
Khoảng hơn 7.000 chú vịt làm bằng cao su màu vàng, xấp xỉ bằng 1/3 dân số thành phố Stuttgart được thả xuống sông Neckar. Hội đua vịt chính thức bắt đầu vào buổi trưa. Những người muốn tham gia sẽ phải thuê “vịt đua” từ phía ban tổ chức chứ không được mang “vịt nhà” đi thi nhằm tránh gian lận.
Những chú vịt đua màu vàng chật kín dòng sông. |
Trước khi được thả xuống sông, người tham gia đua sẽ dính tên và số báo danh của họ lên những con vịt cao su và việc còn lại là đứng trên bờ cổ vũ chúng. Một vật nặng bằng kim loại được đính ở bên dưới của những chú vịt đua bằng cao su để giữ thăng bằng cho chúng. Chú vịt cán đích đầu tiên sẽ giành giải nhất với trị giá giải thưởng là 10.000 euro. Hội đua vịt cao su năm nay vừa được tổ chức vào trưa ngày 6/10.
2. Lễ hội bia Oktoberfest ở Munich, Đức
Lễ hội bia ở Munich, Đức hàng năm thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới tham dự. |
Oktoberfest là hoạt động nhằm tôn vinh bia Bavarian, loại bia hảo hạng nhất của Munich và thậm chí, của Đức. Oktoberfest ra đời từ cách đây 202 năm, theo truyền thống khai mạc vào giữa trưa.
Trung bình mỗi kỳ lễ hội, khoảng 6 triệu lít bia cùng 300.000 xúc xích thịt lớn, 600.000 con gà nước và 80 con bò nướng được tiêu thụ. Riêng năm ngoái, 18 con bò và 35 con bê đã được xẻ thịt.
Chỉ có bia từ 6 nhà máy bia ở Munich được chọn để bán tại 14 căn lều rộng thênh thang trên một khu vực có diện tích trên hai chục hecta. Các nữ phục vụ bia tại Oktoberfest có khả năng mang hàng chục cốc bia trên tay cùng một lúc nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của các thượng đế.
Các nữ phục vụ xinh đẹp tại lễ hội nhiệt tình phục vụ bia cho các thượng đế. |
Những người tham gia lễ hội này không chỉ được thưởng thức bia ngon mà còn được đắm mình trong một không gian âm nhạc đặc sắc bao gồm các thể loại ca, múa nhạc cùng nhiều trò chơi truyền thống của Đức. Mỗi năm, Oktoberfest thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về Munich. Lễ hội bia Oktoberfest 2012 vừa kết thúc vào ngày 8/10 vừa qua.
Những người tham dự lễ hội bia không chỉ được thưởng thức loại bia hảo hạng nhất mà còn được đắm mình trong những điệu múa truyền thống của Đức. |
3. Hội chợ lạc đà Pushkar
Hàng nghìn con lạc đà trên khắp Ấn Độ quy tụ tại Hội chợ lạc đà Pushkar. |
Hội chợ lạc đà Pushkar thường niên diễn ra trong 5 ngày và được tổ chức tại thị trấn Pushkar ở bang Rajasthan, Ấn Độ. Hội chợ thu hút hàng trăm người chăn nuôi gia súc cùng hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến mua bán và tham quan. Trung bình, hàng chục nghìn con lạc đà được mang quy tụ tại đây.
Đây được xem là hội chợ lạc đà lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ hội chợ kinh doanh được tổ chức bởi những thương nhân buôn bán lạc đà và gia súc địa phương. Họ quy tụ tại đây trong suốt ngày lễ Kartik Purnima.
Ngày nay, hội chợ lạc đà Pushkar còn có nhiều hoạt động thú vị khác ngoài việc mua bán, trao đổi lạc đà, trong đó, độc đáo và hài hước nhất là cuộc thi “hoa hậu” lạc đà. Những lạc đà thao gia cuộc thi được được “trưng diện” trong những bộ “trang phục” đầy màu sắc sặc sỡ để tranh tài trong cuộc thi sắc đẹp.
Một con lạc đà được “trang điểm” với những tấm vải có màu sắc và hoa văn sặc sỡ để tham gia cuộc thi sắc đẹp. |
Ngoài ra, hội chợ cũng tổ chức hàng loạt cuộc thi độc đáo khác như “ai có ria mép dài nhất”, thi thồ người, thi chạy đua kèm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật, xiếc với sự góp mặt của nhiều ảo thuật gia, ca sĩ, vũ công, diễn viên nhào lộn, nhà thôi miên, điều khiển rắn. Trong những năm gần đây, hội chợ cũng tổ chức thêm các trận đấu cricket kịch tính giữa hai đội, gồm câu lạc bộ thể thao địa phương của Pushkar và một đội bất kỳ bao gồm các khách du lịch.
4. Lễ hội Halloween
Đây được xem là lễ hội truyền thống cổ xưa nhất thế giới được tổ chức vào đêm ngày 31/10 hàng năm. Lễ hội này có nguồn gốc từ các nước phương Tây, chủ yếu ở Mỹ, Canada, Anh, Ireland…nhưng ngày nay trở nên phổ biến trên toàn thế giới và trở thành lễ hội hấp dẫn bậc nhất dành cho những tín đồ thích hóa trang.
Trẻ em mặc đồ hóa trang trong lễ hội Halloween. |
Lễ hội Halloween bắt nguồn từ phong tục tế lễ mùa màng của người Celt cổ, sống cách đây hơn 2.000 năm ở các vùng đất bây giờ thuộc nước Anh, Ireland và miền Bắc nước Pháp. Người Celt tin rằng, đêm 31/10 là thời điểm ranh giới âm – dương lẫn lộn, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Vào thời khắc đó, ma quỷ từ âm ti, địa ngục sẽ lang thang khắp các ngõ ngách và làm hại con người. Do vậy, người ta phải đốt đuốc và mặc quần áo giả trang ma quỷ để xua đuổi tà ma.
Khắc bí ngô là một trong những hoạt động đặc trưng của Halloween. |
Lễ hội Halloween trước đây từng được gọi là “All Hallows’ Eve”, nghĩa là “Đêm trước ngày lễ các thánh” và về sau được gọi tắt là Halloween. Lễ hội ngày nay được xem là ngày lễ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên nhiều hơn vì có nhiều trò chơi. Một trong những phong tục lâu đời nhất dành cho trẻ em trong lễ hội Halloween là Trick-or-treat (cho kẹo hay bị ghẹo).
Trẻ em trong trang phục hóa trang, cầm túi đi xin kẹo của các nhà hàng xóm xung quanh. |
Theo đó, vào đêm Halloween, trẻ em trong trang phục hóa trang sẽ đi từ nhà này sang nhà khác gõ cửa, đòi kẹo, hoặc đôi khi đòi tiền bạc với câu hỏi “Trick-or-treat”. Nếu chủ nhà không chịu đưa kẹo ra, chúng sẽ chọc phá chủ nhà hoặc tài sản của họ. Ngoài ra, một trò chơi phổ biến và hấp dẫn khác trong lễ hội Halloween là trò ăn táo. Theo đó, táo sẽ được đặt trong thau nước hoặc treo trên cây và người chơi sẽ cố gắng cắn cho bằng được những quả táo đó.
5. Lễ hội Diwali, Ấn Độ
Các tín đồ đạo Hindu của Ấn Độ đồng loạt thắp đèn trong lễ hội Diwal. |
Được xem là lễ hội phổ biến nhất của các tín đồ đạo Hindu, lễ hội Diwali còn được gọi là “Lễ hội ánh sáng”, để chào đón một năm mới trong đạo Hindu và cầu mong những điều tốt đẹp. Cái tên Diwali là dạng rút gọn của từ Deepavali, có nghĩa là những chiếc đèn.
Trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, những chiếc đèn bằng đất sét Diyas được đồng loạt được thắp sáng. Ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn này là biểu trưng cho chính nghĩa, cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Đó là lý do tại sao lễ hội Diwali còn có tên gọi khác là “Lễ hội ánh sáng”.
Một thiếu nữ xinh đẹp ngồi giữa những ngọn đèn sáng lấp lánh trong lễ hội Diwali. |
Trong thời gian diễn ra lễ hội, những ngọn đèn phải được giữ cháy suốt đêm, đồng thời nhà cửa phải được dọn sạch sẽ, gọn gàng nhằm thể hiện sự thành kính đối với nữ thần Lakshmi. Trong tôn giáo của người Ấn Độ, nữ thần Lakshmi là thần của cải, đại diện cho sự giàu có, sung túc. Tuy nhiên ngày nay, ở các vùng miền khác nhau trên đất nước Ấn Độ, lễ hội Diwali gắn với những ý nghĩa khác nhau. Ở miền Bắc Ấn Độ, Diwali là lễ hội tưởng nhớ người anh hùng Rama trong truyền thuyết; ở Gujarat, lễ hội tôn vinh nữ thần Lakshmi trong khi đó, ở Bengal là nữ thần Kali, cũng là nữ thần của cải, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.
Lễ hội Diwali bao gồm các hoạt động bắn pháo hoa, thắp đèn, diễu hành, mọi người, nhất là trẻ em sẽ diện quần áo mới và được ăn nhiều bánh kẹo ngon. Do đó, Diwali là lễ hội được trẻ em Ấn Độ háo hức chờ đợi suốt cả năm.
Phương Đăng
Theo Infonet