Hằng và Tuấn yêu nhau 2 năm nay. Ngày còn yêu, Tuấn nổi tiếng là một chàng trai chiều bạn gái. Anh tự tay nấu nước rồi gội đầu cho Hằng. Chuyện nấu cơm, giặt quần áo thì như cơm bữa. Tính Hằng lại hay nhõng nhẽo, không bữa cơm nào là không đùn đồ ăn thừa cho bạn trai, cậu vẫn vui vẻ. Mọi người đều ái ngại cho chàng trai si tình, phải khuyên Hằng: “Mày thì có nhiều người theo đuổi thật đấy nhưng đừng bỏ thằng Tuấn, tội nghiệp”.
Nhiều lần biết mình làm quá, song thấy Tuấn không nói gì nên Hằng lấn lướt. Trong đầu cô luôn nghĩ Tuấn hiền như cục đất, chí ít sau này nếu Tuấn không nghe theo thì cũng sẽ không nổi nóng với cô.
Nhưng hôn nhân thực tế không như cô gái mộng tưởng. Ngay hôm về nhà chồng, dù Hằng vừa ngồi hơn 100 km đón dâu nhưng Tuấn một mực bảo vợ đi dọn nhà, nấu bữa tối. Sang ngày thứ 2, thứ 3 anh vẫn để vợ tất bật với việc nhà, không dành chút thời gian ở bên. Dù là dâu mới nhưng đến bữa cô vẫn bị cho ngồi “mâm dưới” với mấy cô cháu.
“Tôi vốn tưởng anh thích thể hiện ở nhà mấy bữa nên nhịn nhục. Nhưng đến hôm về nhà riêng anh thủng thẳng sai vợ đi dọn nhà, nấu cơm, trong khi anh vắt chân lên ghế xem ti vi, đi thể dục với mấy ông hàng xóm. Tôi to tiếng, lý sự lại thì chồng bảo ’Lấy em về để em hầu anh chứ không phải anh hầu em’. Tôi như không tin vào tai mình, cảm giác thấy bị lừa một vố đau điếng”, Hằng thút thít.
Những ngày sau, hầu như hôm nào cũng là cuộc chiến nảy giữa giữa hai vợ chồng và lần nào phần thắng cũng thuộc về chồng cô. “Hóa ra không phải anh hiền, anh không nói mà trước đó anh nhẫn nhục, giờ mới chịu để lộ ra. Tôi bắt đầu sợ mỗi khi anh nổi nóng. Đã có lần tức giận, anh dùng nắm đấm với tôi. Chỉ trách trước đó tôi chưa rõ con người anh”, cô dâu trẻ cho biết thêm.
San sẻ việc nhà cùng vợ là một cũng là cách tránh những khủng hoảng hậu hôn nhân. Ảnh: timesofindia.indiatimes.com. |
Trang (sinh viên một trường cao đẳng ở Sơn Tây) cũng yêu Tùng – một chàng bán điện thoại gần trường. Trước đó vì người yêu, cô nàng sống chết đòi bố mẹ cho cưới nhưng đó chẳng bao lâu cô đã rơi vào cảnh hoảng loạn, chán chồng, chán cuộc hôn nhân.
Thời gian quen biết, yêu và kết hôn quá chóng vánh khiến Trang vẫn chưa đủ hiểu hết về con người Tùng. Lấy nhau về, Trang bỏ học chờ sinh, còn chồng cô không nghề nghiệp. Bao nhiêu của hồi môn bố mẹ cho, Trang đành phải bán để trả nợ đám cưới, vác bụng bầu khệ nệ lo miếng ăn cho gia đình. Ngược lại, chồng Trang tính trẻ con, ham chơi.
“Tuy anh ấy thương em nhưng lại ham chơi. Lúc ở nhà thì miệng coi vợ con là số một , nhưng ra khỏi nhà là quên hết tất cả. Hôm qua vợ chồng cãi nhau, anh bỏ đi đến sáng mới về. Không chỉ thế giờ anh lại còn sẵn sàng nói với em những lời khó nghe. Tuy chưa dám đánh đấm vì em đang mang bầu nhưng cũng không chắc anh sẽ thay đổi. Thật thất vọng, anh bây giờ khác hoàn toàn so với trước đó luôn chu đáo, đeo bám em”, cô nàng than thở tiếp.
Không khá hơn, cô dâu mới Vân Giang cũng rơi vào cảnh ức không nói nên lời khi nhận ra một con người khác của chồng chỉ sau lễ cưới không lâu. Trước đây, Giang luôn thấy chồng là một người rất thoáng về tiền bạc, thậm chí còn có vẻ ngờ nghệch về vấn đề này. Làm được đồng nào là anh đưa cho cô giữ hết. Đinh ninh sau khi cưới cũng như vậy nên trước đó Giang không hề thảo luận với chồng về vấn đề này.
“Anh không còn đưa tiền cho vợ như trước mà gửi vào sổ tiết kiệm. Tiền của mình được lấy ra chi phí cho cả nhà. Thỉnh thoảng anh còn bảo mình đưa cho ít tiền gửi về cho đằng nội. Nhiều lúc mình cũng muốn biếu bố mẹ ít nhưng lúc đó chồng lại không chịu đưa. Kết hôn được 5 tháng mà chồng mình như thành con người khác, không hề đưa vợ lấy một xu”, Vân Giang kể.
Bức xúc về tiền bạc chưa hết, Trang lại nhận ra những tật xấu khác của chồng như cẩu thả, lười nhác. Việc nhà hầu như chỉ mình Giang phải làm, lo toan hết. Cô nói: “Những tưởng lấy anh được dựa dẫm, ai ngờ giờ mình lại phải lo hết cho gia đình. Người ta nói lúc yêu mình là vợ nhưng lúc kết hôn mình lại làm chồng kể cũng không sai”, Vân Giang thở dài.
Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà – Trung tâm tư vấn tâm lý thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những khủng hoảng sau hôn nhân thường xảy ra trong 1 – 5 năm sau cưới. Các chuyên gia thường gọi đây là giai đoạn “vỡ mộng sau cưới” mà trong đó nguyên nhân phần lớn từ phụ nữ. Họ bị hụt hẫng với những gì mình trông đợi từ trước đó hoặc do chưa hiểu kĩ về người đàn ông, chưa có kiến thức dung hòa đời sống vợ chồng nên nhất thời họ chưa chấp nhận được.
Trong giai đoạn đang yêu, ai cũng muốn giữ gìn hình ảnh của mình thật đẹp trong mắt đối phương nhưng sau khi cưới, hai người đã là một nhà, không còn câu nệ, ý tứ. Có thể những thói quen, tật xấu của đối phương nhất thời làm người bạn đời không quen, không chấp nhận được. Họ sẽ thất vọng, chán nản, thậm chí nghĩ rằng mình mắc lừa, dẫn đến những xung đột, cãi vã.
“Những cặp vợ chồng mới cưới phải xác định đây là giai đoạn tất yếu trong hôn nhân, chỉ được xây chứ không được phá, phải dần chấp nhận đối phương. Người phụ nữ thì phải nhẹ nhàng chia sẻ, hiểu chồng mình. Đàn ông ngược lại nên thay đổi tư tưởng, tham gia vào việc nhà nhiều hơn vì phần lớn xung đột của các cặp vợ chồng mới cưới đều xuất phát từ đàn ông nhác việc nhà”, bà Hà nói.
Phan Dương
(theo vnexpress)