Dạy bé nói không với người lạ mặt
Sunday, November 11, 2012 14:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Bé và người lạ: Khoảng cách cần thiết
Chiều hôm đó, chị Hải Lý (Tân Ấp, Hà Nội) đi làm về muộn, chị đã nhắn tin cho anh Ngọc – chồng mình về sớm tạt qua đón bé Thu – con gái 4 tuổi đang học mẫu giáo cách nhà 1 dãy phố.
Bận rộn, anh Ngọc lại chẳng để ý tới tin nhắn trong máy của mình, anh vùi đầu với đống tài liệu ngồn ngộn trên bàn. 7 giờ về, nhà trống huếch trống hoác, chị ung dung nấu cơm, chị nghĩ có lẽ hai bố con anh còn tạt ngang rẽ dọc ra đâu đó.
7h30 anh về. Anh chị như ngồi trên đống lửa khi nhận ra mình vô tâm.
Anh chị gọi điện cho ông bà, họ hàng, cô giáo rồi tá hỏa đi tìm, ra nhà trẻ thì cửa trường đã đóng im lìm từ khi nào. Đang ngất lên ngất xuống tính chuyện báo công an thì cả nhà thở phào khi Duyên – cô hàng xóm đầu ngõ, dắt Thu vào nhà.
Hóa ra, chờ tới 6h hơn không thấy bố mẹ đến đón, cô giáo thì đang bận đưa các bạn ra xe bố mẹ, đang ngồi thu lu thì thấy một bác gái lạ tới bên và bảo có thích đi ăn bánh không, bác dẫn đi.
Thu nghe đi theo người lạ đó. May mắn thế nào, cô Duyên hàng xóm lại đi ngang qua thấy Thu đi cùng người lạ. Ú ớ trước những câu hỏi của Duyên, người đàn bà kia “lỉnh” ngay.
Bạn nên dạy bé tuyệt đối không được phép dễ dàng tin lời của người lạ (Ảnh minh họa)
Nghe tới đoạn đó, anh chị Lý không ngớt lời tự trách móc bản thân, vì chút sơ suất suýt hại con một đời.
Kể cho ông bà, anh chị, cả nhà giật mình thon thót và bảo: “Các con xem thế nào phải dạy dỗ con, giữ khoảng cách với người lạ. Thế này nguy hiểm quá!”.
Trường hợp khác là bé Nam (4 tuổi) gặp phải. Học ở trường, cô giáo cũng dạy không nên nghe theo lời người lạ, rất nguy hiểm. Thế nhưng một hôm, anh Tuấn Anh, chị Hạ Linh (Q 2, TP HCM) – bố mẹ bé bận rộn, anh Tuấn có nhờ cấp dưới đến đón con từ nhà đến trường học tiếng Anh.
Cô giúp việc biết chuyện, đưa bé ra xe. Ra tới nơi, Nam giãy nảy lên khi “Con không đi xe người lạ, sợ lắm”. Cô giúp việc nói kiểu gì, bé cũng không nghe, cuối cùng cô đành phải đi cùng bé. Rồi anh kia lại mất một công đưa cô về nhà.
Tối đó, anh Tuấn Anh về mắng con xơi xơi: “To xác thế này sao con nhát đến vậy. Chú ý là người quen của bố cơ mà!”, còn cậu bé Nam đứng khóc thút tha thút thít ở góc nhà khi nghe bố nói.
Cảnh giác với người lạ
Dạy trẻ việc nên tạo khoảng cách với người lạ thực ra dễ mà là khó, khó mà dễ. Dạy thế nào để bé nhận ra việc gặp gỡ, nghe theo lời người lạ là không nên, trước tình huống như vậy thì phải giải quyết như thế nào. Thế nhưng, nếu dạy “quá đà” có thể khiến bé sợ hãi, co lại mỗi khi gặp người lạ.
Dạy không khéo sẽ khiến trẻ mất đi niềm tin vào người khác, luôn sống trong ngờ vực. Vậy dạy như thế nào là đủ?
Bé dưới 5 tuổi chưa thực sự nhận biết rõ người lạ nào là vô hại, người nào cần đề cao cảnh giác. Ví dụ, người lạ vô hại: cô bán nước, bán rau, bán thịt đầu ngõ, cô hàng xóm, chú công an…, người lạ cần phải cảnh giác: những người lạ hoắc bỗng dưng tiến tới và dụ dỗ bé bằng những lời đường mật, bánh kẹo…
Vì thế, bậc phụ huynh có thể bắt đầu dạy trẻ cần giữ khoảng cách nhất định (không nhận quà bánh của người lạ, không đi theo người lạ đến bất cứ đâu)…
Việc bạn tỉ tê với bé tầm tuổi này về những vụ cướp, tống tiền, giết người… e rằng quá sớm, đầu óc non nớt, ngây thơ của con sẽ chẳng hiểu gì nhiều đâu. Đơn giản, bạn chỉ cần dạy bé không được phép dễ dàng tin lời của người lạ trong hoàn cảnh trẻ không biết đó là ai. Không được phép đi theo họ, nghe lời dụ dỗ từ người lạ.
Bạn nên dạy con ghi nhớ số điện thoại của mình, địa chỉ nhà ở, trong trường hợp khẩn cấp, bé có thể nhờ được một ai đó giúp đỡ.
Dù bận rộn, bạn cũng không nên nhờ người lạ đến đưa con đi. Như trường hợp anh Tuấn Anh ở trên là không nên. Chưa xét đến chuyện, người đồng nghiệp đó như thế nào, mà chỉ xét đến vấn đề, một khi cha mẹ có thể nhờ 1 người lạ đến đón con, trẻ sẽ hình thành tư duy “dễ dãi” với người lạ.
Có thể 1 lần sau, 1 người khác cũng bảo bạn của bố đến đón thì không chắc là bé sẽ không gật đầu nghe theo.
Dạy trẻ cách tự xử lý nếu mình bị lạc. Ví dụ, nếu trẻ bị lạc trong siêu thị, hãy dạy bé đi đến quầy thanh toán, nói cho nhân viên biết rằng mình đang bị lạc, lạc trong công viên phải tìm tới chú bảo vệ, ngoài đường là chú cảnh sát…
(theo afamily)