Sự kết hợp giữa năng lực của kính Hubble và Spitzer đã tạo ra một hình ảnh chưa từng có, khiến thiên hà xa nhất từng được quan sát đã lộ diện dưới dạng đốm đỏ bé xíu trên nền tối của vũ trụ.
Dù chỉ bằng một phần nhỏ kích thước của dải Ngân hà, thiên hà cổ xưa được xác định đã xuất hiện khi vũ trụ mới được 3% tuổi hiện giờ là 13,7 tỉ năm.
Thiên hà cổ MACS0647-JD được phóng to trong hình – Ảnh: NASA/ESA
Được đặt tên là MACS0647-JD, thiên hà trên được quan sát lúc vũ trụ được 420 triệu năm kể từ sự kiện Big Bang, và ánh sáng của nó đã chu du hết 13,3 tỉ năm trước khi đến Trái đất.
MACS0647-JD đặc biệt rất nhỏ, với bề ngang chỉ khoảng 600 năm ánh sáng. Các chuyên gia cho rằng nó đang trong giai đoạn đầu để hình thành một thiên hà lớn hơn.
“Vật thể này có thể là một trong những khối tập hợp nên thiên hà”, theo Space.com dẫn lời trưởng nhóm Dan Coe của Viện Khoa học Kính thiên văn không gian.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục khám phá những thiên hà lùn trong giai đoạn sơ khai của vũ trụ.
Theo Thanhnien