Chúng tôi đến Dresden vào buổi chiều muộn, háo hức ngắm nhìn những cảnh vật trôi qua bên ngoài cửa kính ôtô. Con đường dài từ ga tàu về khu nhà nghỉ sinh viên không thể chinh phục bằng cách đi bộ đẹp một cách lặng lẽ dưới ánh đèn đường.
Thư giãn trên bãi cỏ bên dòng sông Elbe – Ảnh: Nam Vinh
1. Nằm ở thung lũng cạnh sông Elbe nên những con đường nhỏ hẹp ở Dresden thoai thoải dốc theo phần cuối của dải núi Osterzgebirge, êm đềm một cách đặc trưng với những ngôi nhà mái đỏ nhấp nhô hai bên đường.
Khu nhà nghỉ nằm phía cuối một con dốc, cách khá xa trung tâm du lịch nhưng lại may mắn gần bến tàu điện nên dù có dịch vụ cho thuê xe đạp miễn phí, chúng tôi vẫn quyết định mua vé tàu điện theo ngày để ghé được tất cả các điểm đến thú vị trong cuốn hướng dẫn du lịch lấy từ bàn lễ tân.
Sáng sớm trời rả rích mưa khiến mọi người uể oải nghĩ đến một ngày lang thang với những cụm mây đen u ám. Nhưng may sao, sau bữa sáng tự chuẩn bị với bánh mì và xúc xích Đức mua từ siêu thị Rewe, trời đã tạnh hẳn và bắt đầu hửng nắng khiến tôi khấp khởi hi vọng được thỏa thích ngắm nhìn những kiến trúc nổi tiếng của thành phố.
Điểm đến đầu tiên là Zwinger, một trong những cung điện cổ xa hoa bậc nhất nước Đức, nay được coi là địa điểm thu hút phần lớn du khách ở Dresden bởi sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và kiến trúc. Zwinger nằm ở quảng trường Theater (Theaterplaz trong tiếng Đức), trước là nơi tổ chức tiệc tùng cho tầng lớp quý tộc Đức.
Ngày nay cung điện này đã trở thành khu quần thể lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, trong đó nổi tiếng nhất là bảo tàng tranh cổ nguyên bản và bộ sưu tập đồ sứ Porzellansammlung.
Cảnh thành phố chụp từ trên cao – Ảnh: Na Hồ
Quần thể Zwinger – Ảnh: Na Hồ
Zwinger hiện lên giữa buổi trưa mùa hè giản dị với kiến trúc mái vòm cổ mang dấu ấn thời gian đặc trưng và rất hấp dẫn với hàng trăm bức tượng đủ hình thù sống động được chạm khắc tinh xảo trên các trụ đá.
Có thể nói Zwinger xứng đáng là niềm tự hào của người dân Dresden nói riêng và người dân Đức nói chung khi lưu giữ được trọn vẹn những nét đặc trưng của phong cách Rococo (một trong những kiến trúc baroque mái vòm nhưng hiện đại hơn) dù đã bị phá hủy gần như hoàn toàn vào những năm 1945, sau đó được người dân đồng tình xây dựng lại như một cách lưu giữ những dấu vết vàng son của lịch sử.
Đi lang thang chụp ảnh và tận hưởng không khí thanh bình trong khu quần thể Zwinger, tôi phát hiện rất nhiều du khách người châu Âu dù đã có tuổi nhưng vẫn dùng iPhone, iPad chụp những bức tượng bằng sứ để lưu lại vẻ độc đáo không thể diễn tả bằng lời ở nơi đây.
Nhà thờ Hofkirche – Ảnh: Na Hồ
Bức tranh các nhà quý tộc – Ảnh: Na Hồ
2. Cách khu quần thể Zwinger một quãng không xa là nhà thờ Hofkirche được xây dựng dưới thời đế chế Augustus II, quay ra phía bờ sông Elbe yên bình. Nhà thờ chỉ được mở vào dịp đặc biệt nên khi chúng tôi đến chỉ có thể chụp ảnh phía bên ngoài.
Trên những hành lang phía đỉnh chóp của tháp nhà thờ là những hình chạm khắc nổi ra phía bên ngoài, phải dùng ống kính tele hoặc chụp ảnh thật chắc tay rồi zoom vào cận cảnh mới có thể nhìn thấy được. Có lẽ vì vậy mà nhà thờ Hofkirche dù mang đậm dấu ấn lịch sử của Dresden nhưng cũng không thu hút du khách bằng bức tranh các nhà quý tộc Furstenzug kế bên.
Nhìn từ xa, du khách có thể lầm tưởng đó là một bức tranh hoàn chỉnh được vẽ tỉ mỉ trên tường về một đoàn khách lữ hành đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Chỉ khi đến thật gần mới giật mình nhận ra đó là sự kết hợp hài hòa đến ngạc nhiên của những viên sứ nhỏ, thể hiện hình ảnh của 35 vị vua và lãnh chúa vùng Sachsen trên lưng ngựa cùng những người hầu cận có công lớn, được ghi nhận trong suốt 800 năm trị vì vùng đất Dresden.
Bức tranh các nhà quý tộc Furstenzug như một điểm nhấn, tạo thành một góc nhỏ đặc biệt cho Dresden mà có lẽ biết bao du khách cũng như tôi, càng xem thật kỹ càng thấy ngạc nhiên pha lẫn ngưỡng mộ trước sự kết hợp giữa nghệ thuật và kiến trúc có một không hai ấy.
Đạp xe du ngoạn quanh thành phố – Ảnh: Nam Vinh
Xem phim ngoài trời ngay bên bờ sông – Ảnh: Nam Vinh
3. Rất gần với khu quảng trường Theater, chỉ cách 2 bến tàu điện là nhà thờ đạo Tin Lành Dreikonigkirche nằm lọt thỏm giữa một khu mua sắm náo nhiệt.
Trang thông tin du lịch Lonely Planet gọi khu hành lang nhìn toàn cảnh thành phố phía trên nhà thờ là “ban công của châu Âu” (nguyên văn “Balcony of Europe”). Trước khi đến Dresden, khi tìm hiểu các điểm đến, tôi đã rất thích thú với cách gọi tên ấy nên nhất quyết phải cố gắng đi cho bằng được. Cô bán vé ngồi phía trong quầy, uể oải giao tiếp bằng vài câu tiếng Anh không lưu loát rồi hướng dẫn chúng tôi leo lên những bậc thang hẹp.
Tôi rất thích khung cảnh vắng lặng ở đây, nhờ đó có thể tận hưởng không khí đầy gió, từng nóc nhà thờ với kiến trúc gothic, baroque hay những ngôi nhà mái đỏ san sát nhau bao lâu tùy thích. Không như những vùng du lịch khác, mỗi lần leo lên ngắm nhìn toàn cảnh, đối diện với một khu hành lang chật nhưng đông nghẹt người, chỉ muốn nhìn qua loa, chụp ảnh thật nhanh rồi tìm đường đi xuống.
Trên “ban công của châu Âu”, tôi gặp một phụ nữ già người Thụy Sĩ tự chụp ảnh mình với khung cảnh phía dưới bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xinh. Sau khi tôi chụp giúp vài tấm hình, bà xởi lởi kể về những vùng đất đẹp đẽ ở Thụy Sĩ không quên kèm dặn dò vài điều cần chú ý khi muốn đi du lịch đến những nơi đó.
Hội bánh Stollen, loại bánh đặc trưng của các bạn Đức mùa Giáng sinh – Ảnh: Nam Vinh
4. Còn lại một chút thời gian buổi chiều trước khi rời Dresden, tôi đón xe điện đến khu công viên chính của thành phố. Được giới thiệu ngay trang đầu của Lonely Planet và Trip Advisor, Grosser Garten là một khu công viên rợp cây xanh và những bãi cỏ trải dài, rất thích hợp cho những buổi picnic gia đình của người dân địa phương.
Đi ngang qua tôi là những đôi vợ chồng già dắt tay nhau đi dạo hết sức tình cảm hoặc những chàng trai, cô gái chạy thể dục quanh công viên. Đôi khi có vài thanh niên đi patin đứng lại nghịch ngợm tạo dáng mỗi khi tôi đưa máy ảnh lên chụp hình.
Không chỉ là một vùng đất tôi đã đi qua, Dresden đã để lại cho tôi ấn tượng ngạc nhiên lẫn thú vị khi phát hiện sự kết hợp hài hòa nhưng hết sức độc đáo giữa kiến trúc và nghệ thuật, cũng như cảm giác thân thiện khi được người dân bản xứ nhiệt tình chỉ đường dù không nói được câu tiếng Anh nào.
Chuyến tàu cuối chiều đưa tôi rời Dresden băng qua những cánh đồng cỏ vàng trải rộng thu hút tầm nhìn, đến khi giật mình nhìn lại thì thành phố bình yên nghiêng trên triền dốc đã trôi về phía sau một quãng khá xa rồi.
(theo 24h)