Làng phong Tam Hiệp nằm lọt thỏm giữa khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Theo những người cao tuổi kể lại, làng phong được hình thành từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu, có khoảng 10 gia đình bệnh phong đến đây dựng chòi lá để ở và ăn xin sống qua ngày. Sau này, những người bị bệnh phong từ khắp nơi và cả người tàn tật lang thang đổ về ngày một đông, hình thành nên làng.
Tình người qua bão tố
Ông Phạm Văn Vui, một bệnh nhân phong, kể nhà ông có 4 người dựng chòi lá để ở. Chòi hẹp chỉ vừa đủ chỗ ngủ. Hôm nào mưa gió thì bị giột tứ tung, ai cũng ướt sũng nằm cạnh nhau chờ trời tạnh. Nước thấm vào các vết thương lở loét, rỉ máu nhức buốt đến tận xương tủy. Hồi đó bệnh nhân phong ít được thuốc thang, chỉ riêng việc kiếm ăn qua ngày đã đủ cơ cực.
Vợi chồng già Phạm Văn Phước và Nguyễn Thị An nổi tiếng vì tình yêu mãnh liệt ở làng phong Tam Hiệp. |
“Lúc đầu, do ít người nên việc ăn xin cũng kiếm đủ sống qua ngày, nhưng sau khi có hàng chục gia đình đến, việc tìm miếng ăn khó khăn bội phần”, ông Vui nói. Lúc đó, làng lập thành từng nhóm người tỏa đi muôn ngả kiếm ăn. Nhóm đàn ông còn trẻ hàng ngày phải đi bộ đến tận quận Thủ Đức, TP.HCM. Có khi đi xin cả ngày mà chẳng được gì, tối đến phải nằm tại vỉa hè, lề đường, hai ba ngày mới về lại làng.
Ông Lê Văn Tân, bệnh nhân phong nay đã ngoài 70 tuổi, kể tiếp: Sau khi hình thành, “làng cùi” trở thành nơi đáng sợ, không mấy người lui tới. Dân xung quanh nếu buộc phải đi qua làng thì cắm đầu chạy thật nhanh. Có lần trời mưa to, nước từ làng chảy qua trường học đối diện. Nhà trường tổ chức cho học sinh hối hả đắp đê ngăn vì sợ lây bệnh. Người làng bó gối nhìn sang rồi cay xè khóe mắt, có khi khóc thành tiếng. Trẻ con làng cùi lớn lên chỉ biết làm bạn với những đứa trẻ cùng làng, thậm chí sau này có lấy vợ gả chồng thì cũng quanh quẩn trong làng. Làng cùi vì thế càng trở nên cô đơn, lạnh lẽo.
“Làng phong dù cô độc và thiếu thốn mọi thứ nhưng chưa bao giờ thiếu đi tình người”, ông Tân tâm sự. Trong đói khát, cô đơn người làng phong biết nương tựa, đùm bọc nhau để sống. Có những lúc thiếu đói triền mien, nhưng dân làng không ai hục hặc với ai.
Những chuyện tình đẹp
Trong căn nhà nhỏ ở giữa làng phong, một bà cụ dáng người nhỏ thó cười đón khách. Cạnh bà, cụ ông thân thể đầy thương tích, hai bàn tay đã gần như cụt hết cũng nở nụ cười tươi hào sảng. Ông giới thiệu tên là Phạm Văn Phước, 63 tuổi, rồi với cái nhìn lém lỉnh, ông quay sang giới thiệu luôn “bà xã” tên là Nguyễn Thị An, năm nay 59 tuổi.
Trước khi tìm thấy nhau, cuộc đời của cả ông lẫn bà là chuỗi ngày bão tố không đích đến. Ông kể ông quê ở Vũng Tàu, thời trai trẻ đẹp trai phong độ xông pha khắp chốn. Nhưng rồi căn bệnh quái ác ập đến, thân thể ông bắt đầu lở loét. Lúc đó, bệnh phong là một thứ đáng sợ nên ông phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của hàng xóm, thậm chí cả người thân. Một lần, người em gái cho tiền nhưng không dám đưa tận tay, chỉ vứt xuống nền đất nơi ông ngồi. Cay đắng, tủi phận, ông ôm đồ bỏ đi, lang thang khắp nơi.
Còn bà thì quê ở Quảng Nam, quá nghèo nên anh em đi tứ tán khi còn rất trẻ. Là phụ nữ nhưng bà phải bươn chải làm phụ hồ kiếm sống. Ông bà tình cờ gặp nhau khi phụ hồ tại Tiền Giang. Quen nhau lâu ngày rồi cũng cảm mến, ông ngỏ lời, bà gật đầu đồng ý, thế là thành vợ chồng. “Biết ổng bị bệnh nhưng mình vẫn nhận lời chẳng nghĩ ngợi gì cả, đã thương rồi thì không sợ gì hết”, bà nói.
Lấy nhau xong là lúc bệnh tình ông trở nặng, không còn khả năng lao động. Hai ông bà phải dắt díu nhau đi xin ăn qua các tỉnh miền Tây. Đi đến đâu, mang theo nồi niêu, xoong chảo, kiếm củi nấu ăn. Tối đến họ ôm nhau ngủ ở các hiên nhà, nơi này bị đuổi thì đi nơi khác ngủ. Khốn khổ nhất là lúc ông phải nằm bệnh viện. 18 tháng trời bà ở luôn trong ấy, giặt đồ rửa chén mướn kiếm tiền, xin cơm nuôi ông. Những lúc như vậy ông gần như suy sụp, mất hết niềm tin. “Nhiều lúc nghĩ quẩn, kêu bà bỏ mình đi cho bớt khổ, nhưng bà cứ ôm siết lấy mình mà khóc. Nói thiệt, chính cái tình của bà giúp mình sống đến ngày hôm nay”, ông xúc động nói.
Ra viện, ông bà tiếp tục xin ăn và rồi chọn làng phong Tam Hiệp làm nơi cư ngụ. Lúc đầu họ thuê một căn phòng trọ nhỏ rồi dành dụm tiền mua lại. Cứ thế, hàng ngày bà dìu ông hành khất, dành dụm từng đồng tiền nhỏ mua từng mét đất phía sau, mở rộng phòng trọ. Đến nay, họ có “cơ ngơi” là một căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2, vừa đủ cho hai người già.
Thấm thoắt đã ngót 40 năm bà lặng lẽ lo cho ông từ miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc từng vết thương rỉ máu và vỗ về ông mỗi khi trở trời đau buốt. Điều bà tiếc nhất là không sinh cho ông được một người con để tuổi già nương tựa. “Nhưng không sao, ngần ấy năm ông bà sống hạnh phúc là đã mãn nguyện rồi. Dù có cực khổ bằng mấy, kiếp sau bà vẫn lấy ông làm chồng”, bà nói rồi khẽ cười kéo ông vào lòng.
Chúng tôi lại may mắn gặp được vợ chồng anh Lê Thái Hùng và chị Trương Thị Châu tại một căn phòng trọ. Cả hai đều là bệnh nhân phong với những đôi chân sưng phù. Hai vợ chồng chị lấy nhau cũng đã được gần 30 năm nay. “Lúc mới yêu nhau, không ít người chế nhạo. Rồi đến khi lấy nhau thì gia đình hai bên đều cấm. Nhưng chúng tôi bỏ mặc tất cả, quyết tâm đến với nhau”, chị Châu kể. Như nhiều bệnh nhân khác, gia đình chị lúc đó cũng nghèo khổ, sống lay lắt. Hai vợ chồng chị thuê phòng trọ ở làng phong Tam Hiệp rồi gắn bó đến nay.
Hàng ngày hai người đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Người này lên cơn đau thì người kia chăm sóc, cứ thế ngày này qua tháng khác. Chị sinh 3 đứa con, đứa nào cũng lớn lên bằng đậu, bắp giã ra lấy nước uống thay sữa mẹ. Nhưng nhờ phúc trời, chúng lớn lên mạnh khỏe, không bị bệnh như cha mẹ. Bây giờ bệnh của anh nặng nhiều, chị vừa là người chăm sóc, vừa là lao động chính trong gia đình. Đôi chân phù nề của chị có khi phải đi hàng chục cây số để bán vé số. Có người cảm thông giúp đỡ, có người xua đuổi xa lánh. Chị mặc kệ, đạp bằng tất cả để sống tiếp, vì chồng vì con. “Chị may mắn hơn nhiều người bệnh vì có một gia đình hạnh phúc. Dẫu cuộc sống còn cơ cực nhưng chỉ cần nghĩ đến gia đình là chị có động lực để bước tiếp”, chị nói.
Ở làng phong Tam Hiệp nhiều ngày, chúng tôi không ít lần rơi nước mắt vì những số phận, những chuyện đời lay động long người. Cả làng có hàng chục cặp vợ chồng bệnh phong sống với nhau hoặc người bình thường lấy người mang bệnh. Ông trưởng ban đại diện bệnh nhân phong Lê Văn Tài nói rằng người làng phong thường lặng lẽ, cam chịu nên tình cảm cũng vậy, không ồn ào nhưng sâu sắc và mãnh liệt. Ngày trước, người làng yêu là đến với nhau, chẳng thủ tục, cưới hỏi gì. Nếu có thì cũng chỉ làm tiệc nhỏ mời bà con trong làng chứng giám. Đám cưới không hoa, chẳng nhẫn thề màu mè, vì có người cụt hết, tay đâu mà đeo nhẫn.
“Chỉ duy nhất có tình yêu là thứ gắn kết nhau nhưng cặp nào cũng hạnh phúc keo sơn, nhà nào cũng hòa thuận. Nhờ những tình yêu đẹp đó mà làng phong đơm hoa kết trái thêm những thế hệ mới khỏe mạnh, tương lai rộng mở”, ông Tài nói.
Được biết, vợ chồng ông trưởng ban và vợ đều bị bệnh phong. Họ lấy nhau đã hơn 40 năm, sinh ra được 3 người con đều là kỹ sư, bác sĩ. Gia đình ông thành đạt và hạnh phúc viên mãn nhất làng phong Tam Hiệp
Ái Kim
Theo Infonet