Người ta thường lấy cái lý nói chuyện với nhau, cực kỳ tử tế nhưng thiếu cái tình, thiếu sự cảm thông và sự sáng suốt nên mới dễ sứt mẻ tình cảm.
Một ngày đẹp trời, tôi đã có dịp gặp gia đình đông con bậc nhất Việt Nam, đó là gia đình… bảng chữ cái. Thấy họ vui vẻ đùa nghịch, tôi thầm ngưỡng mộ sự đầm ấm của gia đình đông con này, bèn lại gần bắt chuyện.
A b c d… x y z. Ái chà, đây là một gia đình đông vui nhất tôi từng gặp đấy! Gọi tên mỗi người cứ như đang hát ấy!
Chữ cái A: Tôi không chắc gia đình mình là gia đình đông nhất, nhưng chúng tôi là mẫu một gia đình hiện đại hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc nhất.
Có một khái niệm cần làm rõ: Gia đình hiện đại. Vậy gia đình hiện đại khác gia đình truyền thống ở chỗ nào?
Điều khác hiển nhiên nhất là gia đình truyền thống nhiều thành viên hơn, phức tạp hơn với dấu. Bảng chữ cái truyền thống không chịu dung nạp những đứa con như w, z. Gia đình hiện đại chúng tôi thì thấy con nào cũng tốt. Hơn nữa, thêm con, chúng tôi còn có thể hòa nhập với tiếng Anh. Một cách hội nhập rất tốt. Chị biết đấy, không gì hội nhập tốt hơn ngôn ngữ.
Thế còn chuyện gia đình hòa thuận, vui vẻ, hạnh phúc nhất là sao?
Chữ cái Z: Gia đình tôi vừa có nền tảng truyền thống vững chắc, vừa có cái cởi mở của tinh thần hội nhập. Mỗi thành viên trong gia đình tôi đều cảm thấy mình có yếu tố độc lập trong cái tổng thể gia đình chung. Vai trò của mỗi người là như nhau, tình cảm mỗi người dành cho nhau đều rất tốt đẹp.
Theo tôi nghĩ, mọi “loại hình” gia đình đều có yếu tố tự thân, yếu tố nền tảng. Nhưng cuối cùng, sự phát triển của mỗi gia đình đều có những yếu tố rất riêng biệt. Ngoài những yếu tố chung chung mọi người nhìn thấy được ở gia đình bảng chữ cái, yếu tố riêng ở đây là gì?
Chữ cái S (Smile): chúng tôi đại diện cho ngôn ngữ. Mọi thứ bắt đầu từ ngôn ngữ. Chúng tôi điều chỉnh cuộc sống chung, riêng bằng ngôn ngữ. Chúng tôi luôn nói những điều khiến mọi người mỉm cười, hạn chế những điều cáu gắt và luôn làm người khác hạnh phúc.
Chữ cái A: Trong gia đình truyền thống, các cụ có quan niệm: Vợ chồng trọng nhau như khách; cha mẹ nhường nhịn, làm gương cho con; con cái yêu quý và kính trọng ông bà, cha mẹ. Điều đó thể hiện ngoài những cư xử thì phần lớn đều do ngôn ngữ quy định. Vì thế cách xưng hô, thưa gửi đều rất quan trọng.
Chúng tôi cũng chỉ là hơn 20 ký tự được quy định để làm nên vỏ ngôn ngữ. Ngôn ngữ khi bước ra khỏi sự tư duy của con người sẽ mang đầy đủ các cung bậc, trạng thái cảm xúc. Đó có thể là mệnh lệnh, là sự yêu thương, là sự sỉ vả, là cảm giác đau đớn, là cảm giác hạnh phúc,…
Những điều nhỏ nhặt nếu nói to tát sẽ làm mọi việc nghiêm trọng. Những việc nghiêm trọng được nói với một thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, có lý, có tình và có lối thoát hợp lý để con người ta còn cơ hội cố gắng thì sẽ làm mọi việc tốt đẹp hơn.
Tôi thấy một thực tế như thế này: Người ta thường đẩy mọi việc nghiêm trọng hóa lên thay vì làm cho mọi việc tốt đẹp hơn. Tôi muốn nghe sự lí giải từ các bạn.
Chữ cái L (Love): Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ sự ích kỷ trong mỗi con người. Nếu bạn đau, bạn sẽ nghĩ rất bị động rằng: Tôi bị đau, nhất định phải có người gây ra nỗi đau này. Người đó sẽ không phải là bạn mà là người có quan hệ mật thiết với bạn.
Một điều rất buồn nữa mà hầu hết mọi người không nhận ra là: Khi người ít có quan hệ tình cảm thân thiết với bạn mắc lỗi, bạn thường bỏ qua một cách dễ dàng. Nhưng khi một người thân của bạn, một người mà bạn từng rất yêu thương mắc một lỗi với bạn, bạn thường coi đó là một việc nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức không thể tha thứ được.
Đây là điều tôi sợ nhất khi chứng kiến tình cảnh sứt mẻ trong nhiều gia đình. Người ta ích kỷ, cố chấp đến mức mù quáng để hành hạ mình, hành hạ người thân chỉ vì một lỗi có thể bỏ qua.
Người sống gần bạn nhất là những người sống cùng một gia đình. Họ là những người dễ dàng va chạm với bạn nhất. Cự ly càng gần càng dễ yêu thương nhưng cũng rất dễ va chạm.
Nếu bạn coi những va chạm đó là bình thường, thậm chí nhỏ, bạn sẽ không ghép những lời lẽ cay độc, tiêu cực ném vào mặt người thân. Chữ yêu – chữ ghét – chữ hận – chữ thù – chữ tha thứ – chữ bao dung đều không phụ thuộc vào người khác mà phụ thuộc vào bạn. Quan trọng là bạn có nói điều gì đó hay không?
Vậy tại sao không nói những điều tốt đẹp mà lại cứ phải nhất quyết nói những điều khó chịu? Đến khi bạn ghép xong những điều khó chịu và bắt người thân phải nghe, bạn tưởng mình dễ chịu hơn, nhưng rốt cuộc là đau khổ lắm.
Người đón nhận lời nói cay độc sẽ không cảm thấy đau bằng người nói ra. Bạn có thể không tin tôi nhưng tôi đã chiêm nghiệm được khá nhiều rồi đấy!
Nhưng thực tế thế này nhé! Các cặp vợ chồng vẫn nói với nhau hết sức nhẹ nhàng, vẫn hợp lý và chẳng có gì sai cả. Tại sao vẫn có chuyện sứt mẻ?
Chữ cái I (Intelligent): Đơn giản thôi, mọi người lấy cái lý nói chuyện với nhau, cực kỳ tử tế nhưng thiếu cái tình, thiếu sự cảm thông và sự sáng suốt nên mới thế.
Người nước ngoài nói với nhau bằng lý nhiều. Nhưng lý của họ để mọi người hiểu vấn đề và đó là cái lý tích cực. Còn các cặp vợ chồng ở Việt Nam lại áp dụng cái lý để tiêu diệt đối phương, đánh thẳng lòng tự ái, tự trọng của người trong gia đình.
Khi nghe các bạn nói, tôi chiêm nghiệm được khá nhiều điều, có thể có cả giải pháp cho những bế tắc trong cuộc sống gia đình. Nhưng tôi vẫn còn một thắc mắc: Tình cảm không phải là thứ quân bình được, tại sao các bạn lại khẳng định được rằng hơn 20 thành viên trong gia đình đều bình đẳng và yêu quý mọi người giống nhau?
Tất nhiên vẫn có yếu tố thiên vị. Chúng tôi vẫn có những lúc không hòa hợp. Ví dụ việc như việc viết sai lỗi chính tả, dùng sai từ… Nhưng chẳng bao giờ chúng tôi tức giận vì điều đó cả. Chúng tôi không lấy lỗi của người khác để dằn vặt họ. Cái gì cũng có thể thay đổi cho đến khi nó đúng thì thôi.
Sẽ có sự thay thế một cách vui vẻ vì mọi người tôn trọng những giá trị đúng chứ không cực đoan trong quan điểm theo kiểu: Tôi đã ở đây, không có lí do gì chuyển tôi đi chỗ khác. Hoặc tôi gắn bó với “cô” (anh) này rồi thì đừng có phá chúng tôi. Bạn thấy đấy, các giá trị bao giờ cũng sáng tỏ. Không có yếu tố quân bình tuyệt đối, chỉ có những góc nhìn tích cực được số đông ủng hộ.
Bạn A và Z đóng vai trò chủ gia đình, các bạn muốn nói gì với những ông bố, bà mẹ thời hiện đại?
Quản lý một gia đình không quan trọng nhiều hay ít thành viên, quan trọng là những trật tự và định hướng từ đầu. Bố mẹ đừng mang áp lực và những khó chịu của cuộc sống để con chứng kiến và học điều đó.
Hãy mang lại những niềm vui, hạnh phúc, những điều ngọt ngào đến gia đình bạn bằng ngôn ngữ. Con cái bạn hiểu điều này. Chúng sẽ có nền tảng tốt như vậy đến khi trưởng thành.
Cảm ơn các bạn! Chúc đại gia đình của các bạn luôn hạnh phúc!
(theo afamily)