Cùng với phong trào rầm rộ TSMT của các bạn trẻ, năm nào cũng đến mùa thi cô Huệ, 56 tuổi lại cặm cụi dọn phòng, sơn sửa. Xong đâu đó, cô chạy đến từng chốt tiếp sức quanh khu vực mình đăng ký phòng. Chưa an tâm, vì sợ như thế sĩ tử không đến ở đông đủ, cô còn liên hệ trực tiếp với Thành đoàn TP.HCM đề nghị giới thiệu thí sinh nghèo khó về nhà mình.
Cô Huệ nói: “Điều kiện nhận sĩ tử của tôi chỉ là thí sinh nghèo khó, có vậy thì mới thấy công sức mình bỏ ra giúp đỡ họ mới thật xứng đáng”. Cứ thế, đã được 6 năm, biết bao nhiêu sĩ tử nghèo ở mọi miền quê được cô và già đình tiếp sức mùa thi. Căn phòng rộng 420, trước kia vốn là xưởng may, được cô thu hết đồ đạc, mắc thêm điện, quat, chia thành hai phòng cho những cô cậu học trò nghèo, phụ huynh ở.
Cô Nguyễn Thị Huệ đang hướng dẫn một sĩ tử vừa về nhà mình ở. |
Cô cho biết thêm: “Vừa rồi tôi với chồng tính diện tận dụng diện tích này để mở quán ăn, nhưng lại gác lại vì dành chỗ cho tụi nhỏ đi thi ở”. Hai vợ chồng chỉ có một người con trai đã qua Mỹ học, nên tuổi già cô cùng chồng dành nhiều thời gian vào công tác thiện nguyện. Để chuẩn bị cho hai đợt thi đại học, vợ chồng cô đã dành dụm tiền bạc, ăn uống tiết kiệm để đủ tiền chăm lo cho “người dưng xa lạ” đến nhà mình ở.
“Nhiều người nói tôi rảnh, tôi chấp nhận, vì đâu có hiểu cái tính của mình vốn thích mấy công việc này”, cô Huệ kể.
Mỗi đợt, cô đón hơn 100 thí sinh, phụ huynh về “tổ ấm” của mình, lo chuyện ăn uống đủ ngày ba bữa. Sáng cô dậy từ 4h30 pha nước trà, đi mua bánh mì, mì gói về lo ăn sáng cho mọi người. Xong đâu đó, cô đi chợ mua thức ăn về nấu cho bữa trưa, bữa tối. Nhiều sinh viên tình nguyện thấy vậy, cũng góp thực phẩm, phụ giúp cô nấu nướng. Đến ngày thi, cô kiểm tra kỹ CMND, phiếu báo thi từng người mới cho đi thi; chia thành từng cụm theo trường và cử người dẫn đi bắt xe buýt.
Cô Huệ cùng với một phụ huynh nhặt rau củ, nấu cơm chiều. |
Cô tâm sự: “Cực thì cực lắm nhưng tôi không hề thấy nản, và càng mệt lại càng làm được nhiều việc hơn. Ngày xưa tôi cũng từng đi thi thế này nên hiểu khó khăn của sĩ tử khi đặt chân đến Sài Gòn”. Cứ thế, mỗi mùa thi đi qua, nhiều thí sinh giờ đã là sinh viên thỉnh thoảng ghé chơi, đến mùa thi các bạn cùng giúp cô trong mọi công việc tiếp sức sĩ tử.
Ngồi trong góc phòng nhìn con trai đang học bài, ông Ya Thu, (43 tuổi, dân tộc Chơ Ro, Lâm Đồng) xuýt xoa: “Hai cha con vừa bán ít lúa, vay muộn thêm bà con trong bản được cỡ 2 triệu đồng bắt xe vào Sài Gòn. Đến nơi, lo lắm chuyện ăn ngủ nhưng thật may, vừa đến nơi đã được dẫn vô đây. Điều kiện ở còn sướng hơn ở nhà quê nữa, nhà quê ở nhà gỗ chứ đâu có nhà gạch thế này”.
Đang ngồi học cạnh bên, nghe cha kê chuyện, bạn Ton Neh Thoại (20 tuổi) cũng quay sang nói: “Lúc ở quê, em không hề nghĩ là có chuyện có người cho mình ăn ở miễn phí thế này đâu, nên em rất là bất ngờ”. Ton Neh Thoại chọn thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Ba phòng, vốn trước kia là xưởng may được gia đình cô Huệ thu dọn sạch sẽ để đón mỗi đợt hơn 100 thí sinh về ở cùng. |
Ông Ya Thu chăm chú nhìn con trai học bài. |
Đối với cô Huệ, mong muốn hiện tại của cô chỉ đơn giản là: “Sẽ đón thêm thật nhiều sĩ tử nữa tới ở chung với mình, hy vọng bên Thành đoàn, các em sinh viên giới thiệu thêm vô nữa”, cô Huệ nói. Cô còn công khai số điện thoại 0986683192 của mình, để tiện cho những thí sinh, phụ huynh có nhu cầu ở liên hệ.
Theo Infonet