1. Tư Mã Quang khiến phong tục Lạc Dương trở nên tốt đẹp
Tư Mã Quang thời nhà Tống là người trung hậu chính trực nổi tiếng thiên hạ. Uy đức ông rất lớn cho nên khi ông ở tại Lạc Dương, phong tục địa phương nhờ đó mà được ảnh hưởng cảm hóa, cải biến tốt đẹp.
Từ đó tới nay, người Lạc Dương phần nhiều đều tôn sùng danh dự và tiết tháo, không dám làm điều xằng bậy.
Con cháu hậu sinh muốn làm việc gì cũng nhắc nhở lẫn nhau: “Tuyệt đối không được làm việc xấu! Nếu làm việc xấu, Tư Mã Quang mà biết thì sẽ vô cùng xấu hổ!”
2. Trần Thực khuyên nhủ kẻ trộm
Thời Hậu Hán có một người tên là Trần Thực, là một người chính nhân quân tử, khoan dung nhân hậu. Những khi láng giềng có tranh chấp gì, đều mời Trần Thực ra mặt để dàn xếp. Trần Thực luôn luôn làm một người trọng tài công bình, xử lý hợp tình hợp lý, khiến 2 bên tranh chấp đều tâm phục khẩu phục.
Dần dà, xung quanh người ta lưu truyền một câu ngạn ngữ rằng: “Thà bị quan phủ trách phạt, đánh roi, còn đỡ hơn bị Trần Thực phán ra là người không đúng”.
Một đêm nọ, một tên trộm lẻn vào nhà Trần Thực, trốn trên xà nhà, bị Trần Thực phát hiện ra. Trần Thực thức dậy, cầm cây nến, gọi con cháu trong nhà tập trung lại rồi bảo: “Người ta ai cũng phải tự mình cố gắng! Người bất thiện vốn chưa chắc là kẻ ác, chỉ là vì người ấy thường xuyên làm việc ác, sau đó thành quen, rồi ra như thế. Cũng giống như vị quân tử trên xà nhà chúng ta kia tâm địa vốn không xấu, cũng là vì nghèo khổ bức bách mà ra…”
Tên trộm ấy nghe Trần Thực nói, rất hoảng sợ, nhảy từ trên xà nhà xuống, khấu đầu tạ tội trước Trần Thực. Trần Thực vui vẻ khuyên nhủ anh ta hãy quyết chí sửa đổi hướng thiện, không làm những việc trái với lương tâm không xứng làm người. Đồng thời còn tặng cho anh ta ít lụa và vải, động viên anh ta phải nhất định quyết tâm sửa đổi.
Tác phong và uy đức của Trần Thực tự nhiên cảm hóa được nguyên cả một huyện. Từ đó về sau, trong huyện không còn phát sinh chuyện trộm cắp nữa.
3. Thái thú Phòng Cảnh Bá gương mẫu
Thời Ngũ Đại, Phong Cảnh Bá làm Thái thú Thanh Hòa. Ông liêm khiết làm việc công, nhưng cũng là người con chí hiếu. Mẹ ông chẳng những có học vấn cao mà còn hết sức thông tình đạt lý.
Ở Bối Khâu, một người phụ nữ có đứa con trai bất hiếu, thế là đưa con tới tố cáo ở phủ Thái thú.
Mẹ của Phòng Cảnh Bá bèn nói với ông rằng: “Dân chúng ở đây chưa biết đạo lý, không thông hiểu lễ nghĩa, đây là do con làm thái thú mà bất lực trong việc giáo dục nhân dân. Con chớ có quá quở trách họ đấy!”.
Mẹ Phòng Cảnh Bá bèn triệu 2 mẹ con người phụ nữ ấy vào trong phủ Thái thú. Bà mời người phụ nữ cùng ăn cơm với mình, đồng thời bảo cậu con trai của người này đứng bên ngoài mà nhìn xem thái thú Phòng Cảnh Bá hầu hạ mẹ dùng cơm như thế nào. Sau đó mới bảo nó ăn cơm.
10 ngày như thế, người con trai bất hiếu ấy hàng ngày đều tận mắt chứng kiến Phòng Thái thú kính cẩn hiếu thuận với mẹ ông như thế nào, vô cùng chấn động, và nói với mẹ: “Mẹ! Con sai rồi, nhất định sẽ sửa đổi, từ nay về sau nhất định sẽ hiếu thuận. Chúng ta về nhà!”
Mẹ Phòng Cảnh Bá nói với Thái thú và người phụ nữ kia: “Đứa nhỏ này bề ngoài dù đã tỏ ra xấu hổ, nhưng nội tâm lại chưa thực sự cảm thấy xấu hổ”. Bởi vậy bèn tiếp tục để 2 mẹ con nhà ấy ở lại trong phủ Thái thú đến 20 ngày.
20 ngày sau, đứa con trai người phụ nữ kia đột nhiên quỳ xuống dưới chân mẹ mình, khấu đầu sám hối, liên tục dập đầu đến chảy cả máu. Người phụ nữ cảm động khóc ròng, xin Thái thú cho phép 2 mẹ con trở về nhà.
Sau này cậu con trai kia trở thành một người con có hiếu nổi tiếng khắp vùng.
(Các chuyện đều trong cuốn sách “Tập phúc tiêu tai chi đạo”)
Theo Minh Hue