Tướng Keith B. Alexander, Giám đốc của cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA = National Security Agency), trong buổi họp các chuyên gia bảo mật máy tính đã lên tiếng yêu cầu các người giỏi về vi tính (hacker) nên hợp tác với cơ quan an ninh NSA trong trận chiến diệt trừ bọn khủng bố để bảo vệ đất nước. Ông Keith viện lẽ cơ quan NSA (nhiều người còn gọi chế diễu là Never Say Anything) có mục tiêu là truy lùng các tên khủng bố, chứ không mảy may quan tâm đến những người dân Mỹ bình thường.
Báo Washington Post bình luận rằng sự xuất hiện của Giám đốc Keith là một phần của chiến dịch quảng cáo cho thái độ cởi mở của cơ quan NSA. Nguyên nhân sâu xa của “màn rùm beng quảng cáo này” là để bào chữa cho chương trình XKeyscore được NSA áp dụng để giám sát hoàn toàn mạng internet trên khắp thế giới!
[Báo The Guardian vừa đang tải thêm một vài tiết lộ mới của Snowden, cho thấy dường như NSA có nhiều phương cách để len lỏi vào mạng Internet của khắp mọi quốc gia trên thế giới, hơn là mọi người vẫn phỏng đoán, nhờ chương trình XKeyscore. NSA luôn luôn tự bào chữa rằng chính nhờ chương trình XKeyscore (đọc lén e.mails, truy tầm và kết nối dữ liệu, v.v… trong thời gian thực = real time computing) mà NSA trong năm 2008 đã truy lùng được tung tích và bắt giữ hơn 300 tên khủng bố.
Lại thêm một tháng đẫm máu tại Iraq
Con số người chết trong tháng Bảy tại Iraq chưa bao giờ nhiều đến thế kể từ 5 năm vừa qua. Theo thống kê của Hoa kỳ, có hơn 1000 người thiệt mạng và hơn 2000 người bị thương trong tháng Bảy vì các cuộc tấn công khủng bố tại Iraq. Trong số người chết có 130 người là thân nhân của lực lượng an ninh bản xứ và gần 900 thường dân vô tội. Phần nhiều các cuộc tấn công và nổ bom đều xảy ra tại thủ đô Bagdad. Nguyên nhân là tình hình căng thẳng giữa hai nhóm giáo dân Sunni và Shiite, tuy cả hai nhóm đều theo đạo Hồi (phát sinh từ thế kỷ thứ 7) nhưng lại có cách tu tập và ăn mặc khác nhau, và niềm tin cũng khác nhau về Abu Bakr (cha của một trong những người vợ của Mohammed) người được nhóm Sunni công nhận là kế nhiệm của nhà tiên tri Mohammed; trong khi nhóm Shiite theo đạo Hồi Shi’a lại cho rằng chính Ali (con rể của Mohammed) mới là người kế nhiệm chính thức. Người Shiite chiếm phần lớn dân số tại Iraq, Iran và Bahrain; nhưng nếu tính trên toàn thế giới thì người Sunni lại chiếm tuyệt đại đa số (90%) những người theo đạo Hồi.
Trăm năm nữa, 1700 thành phố của Mỹ sẽ chìm dưới nước
Theo tường trình của Benjamin Strauss, một trong những nhà nghiên cứu thuộc tổ chức độc lập và vô vụ lợi Climate Central (được đề cao bởi rất nhiều thông tấn xã có uy tín như New York Times, AP, Reuters, NBC Nightly News, CBS News, CNN, ABC News, v.v…), khoảng 1700 thành phố của Mỹ, bao gồm New York, Boston và Miami, trong 100 năm nữa rất có thể sẽ chìm sâu dưới làn nước. Lời tiên đoán này dựa theo sự giám sát mực nước biển của tất cả đại dương trên thế giới đang ngày càng tăng cao và có nguy cơ nhấn chìm hàng ngàn thành phố vào cuối thế kỷ 21. Và không cần phải chờ đến một trăm năm nữa mà, theo quan điểm của tổ chức Climate Central, chỉ khoảng 10 năm nữa cũng có khoảng 80 thành phố của Mỹ sẽ bị lụt lội triền miên, gây điêu đứng cho 835 ngàn người. Các chuyên gia giải thích rằng nguy cơ lụt lội chủ yếu là do ảnh hưởng của lượng khí thải nhà kính toàn cầu cho đến nay vẫn không thuyên giảm.
Hoa kỳ cảnh báo nguy cơ khủng bố tại các nước theo đạo Hồi
Dựa vào các tin tức tình báo cụ thể, Bộ Ngoại Vụ Hoa kỳ ngày 02/08 đã lên tiếng cảnh báo các khách du lịch trên toàn thế giới về những nguy cơ khủng bố rất có thể sẽ xảy ra tại các quốc gia Hồi giáo. Bọn Al-Qaeda và các nhóm khủng bố đang âm mưu tấn công, đặc biệt là tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, nhắm vào các mục tiêu dính dáng đến Hoa kỳ, thậm chí nhắm cả các phương tiện giao thông công cộng hoặc các ngành thuộc về du lịch tại địa phương. Vì lý do an toàn nên ngay từ cuối tuần vừa qua, chính phủ Hoa kỳ đã cho đóng cửa một số toà đại sứ và lãnh sự quán. Theo bình luận của đài truyền hình CBS, việc đóng cửa các toà đại sứ và lãnh sự liên quan đến những tin tức tình báo cho thấy bọn Al-Qaeda đang âm mưu tấn công các đại diện của Hoa kỳ tại những quốc gia Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho hay mức độ đe doạ bởi bọn khủng bố Al-Qaeda rất khác biệt tuỳ từng quốc gia và tuỳ từng vùng, tuy nhiên: “Nếu tình hình an ninh tại một quốc gia hay một vùng nào đó trở nên nguy ngập, Hoa kỳ sẽ phản ứng ngay một cách phù hợp”!
Tân tổng thống của Iran hô hào tiêu diệt Do Thái
Hassan Rouhani là người vừa giành được hơn 50% số phiếu trong cuộc tranh cử Tổng thống tại Iran, lên kế nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. Trong bài diễn văn đọc trước đám đông tụ họp để đánh dấu “Ngày-của-Palestine” (cũng được tổ chức ăn mừng tại nhiều quốc gia khác theo đạo Hồi), tân Tổng thống Rouhani đã hô hào những người theo Đạo Hồi đứng lên tiêu diệt nước Do Thái vì: “Do Thái là cái ung nhọt nhức nhối trên cơ thể của thế giới Hồi giáo mà chúng ta cần phải loại bỏ”!
Hassan Rouhani nguyên là luật sư kiêm chính trị gia, một nhà ngoại giao của Iran và từng là hội viên trong phái đoàn thương thuyết về vấn đề nguyên tử của Iran. Ông Rouhani làm lễ nhậm chức Tổng thống của Iran ngày 03 tháng Tám.
NATO tấn công lầm phe ta
Một máy bay trực thăng chiến đấu của NATO vừa tấn công lầm căn cứ quân sự của lực lượng đồng minh tại tỉnh Nangarhar của Afghanistan (ráp giới với Pakistan) làm 4 quân nhân bị thiệt mạng. Các đại diện của Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF = International Security Assistance Force do Hội đồng Bảo an LHQ thành lập ngày 20/12/2001, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Afghanistan) đang điều tra sự kiện đáng tiếc này.
Bản tường trình phổ biến ngày 31/07 của UNAMA (United Nations Assistance Mission in Afghanistan) cho thấy con số các thường dân vô tội chết vì cuộc chiến tại Afghanistan đã tăng 23% tính từ ngày đầu năm 2013 đến cuối tháng Sáu năm nay, so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Bashard tự tin chắc chắn sẽ thắng cuộc chiến tại Syria
Trong bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội Syria, Tổng thống Baschar al-Assad tin tưởng sẽ dẹp tan được các nhóm dân quân nổi dậy: “Kẻ thù hiện nay vẫn còn trà trộn giữa chúng ta, họ muốn làm tình hình mất ổn định, nhưng Quân đội đang chiến đấu một cách anh hùng để đem lại nền thanh bình cho dân chúng Syria. Nếu chúng ta không tin chắc rằng chúng ta sẽ chiến thắng thì có lẽ chúng ta sẽ không chịu đựng nổi cuộc phá hoại mà chúng ta phải đối mặt từ hơn hai năm nay”.
Sau nhiều lần phản đối nhưng rồi Tt Bashard al-Assad cũng vừa cho phép các thanh tra của Liên Hiệp Quốc đến Syria để kiểm chứng những lời cáo buộc của cộng đồng quốc tế rằng Tt al-Assad đã xử dụng vũ khí hoá học. Phát ngôn viên Martin Nesirky của LHQ ngày đầu tháng Tám cho biết: “Nhóm các chuyên gia của LHQ sẽ đến Syria càng sớm càng tốt để kiểm chứng tận nơi cùng lúc 3 trường hợp xử dụng vũ khí hoá học vừa được báo cáo”.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây-ban-nha giảm liên tục
Số người thất nghiệp ở Tây-ban-nha trong tháng Sáu lại giảm thêm 1,4%. Sở Lao động của Tây-ban-nha cho biết hiện nay chỉ còn 4,7 triệu người không có việc làm. Nguyên nhân chính của tình trạng khả quan này là nhờ ngành du lịch đang khởi sắc nên cần thêm nhiều nhân viên bổ sung. Ngành du lịch của Tây-ban-nha năm nay hưởng lợi từ các bất ổn chính trị tại các xứ Bắc Phi ví dụ như Ai-cập, nên nhiều khách du lịch đã chọn các vùng biển Địa Trung Hải của châu Âu để nghỉ hè. Kỹ nghệ du lịch của Tây-ban-nha thể hiện 10% GDP (Gross Domestic Product = tổng sản phẩm nội địa).
Cũng như Hy-lạp, nước Tây-ban-nha có tỷ lệ thất nghiệp trong quý II năm nay vẫn cao nhất (với 26,3%) trong Liên minh các quốc gia Âu châu. Tình hình kinh tế suy thoái trầm trọng từ hai năm nay tại Âu châu, theo phân tích của các chuyên gia, dường như có khuynh hướng khá hơn một chút, tuy nhiên sự phục hồi thực sự của thị trường việc làm tại Tây-ban-nha vẫn còn là một đoạn đường rất dài.
Tại Hoa kỳ hiện nay có 11,5 triệu người thất nghiệp, tỷ lệ là 7,4% so với 7,6% của tháng Sáu; trong số này có 4,2 triệu người bị thất nghiệp dài hạn (trên 6 tháng). Ngoài ra còn có 8,2 triệu người làm việc bán thời gian vì, theo báo cáo của Sở Lao động Hoa kỳ, họ không thể tìm được việc làm toàn thời gian (full-time).
Các hòn đảo chính của Tân-tây-lan rốt cuộc rồi cũng được đặt tên chính thức
New Zealand (Tân-tây-lan) là một quốc gia hải đảo nằm ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương bao gồm hai đảo chính và nhiều đảo nhỏ hơn. Nhiều sắc dân đã đến Tân-tây-lan sinh sống từ 200 năm nay, phần lớn gốc người châu Âu, và thổ dân người Maori là thiểu số đông nhất. Những người gốc Polynesia và châu Á cũng là những nhóm thiểu số quan trọng, nhất là ở những vùng đô thị. Ngôn ngữ được xử dụng phổ biến nhất ở New Zealand là tiếng Anh.
Gần ba thế kỷ đã trôi qua mà hai đảo chính của Tân-tây-lan vẫn chưa có được một cái tên chính thức, chỉ gọi một cách giản dị là Đảo Bắc và Đảo Nam. Hội đồng về Địa lý của Tân-tây-lan vừa quyết định công nhận tên Đảo Bắc (North Island) và Đảo Nam (South Island) là tên gọi chính thức. Ngoài ra cả hai đảo chính cũng giữ lại tên cũ theo ngôn ngữ Maori: Đảo Nam có tên Te Waipounamu có nghĩa là con sông màu ngọc thạch; còn Đảo Bắc vẫn giữ tên Te Ika-a-Maui = con cá của Maui (Maui là tên của một vị thần của thổ dân Maori).
Nguồn: Khoahocnet.com