Trở về sau những chuyến biển bị phía Trung Quốc bắt bớ, phá hoại tài sản vô cớ, nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi phải phải vay từng đồng để sửa chữa tàu tiếp tục trở lại ngư trường Hoàng Sa
Đã gần 2 tháng trôi qua, sau chuyến khai thác hải sâm ở quần đảo Hoàng Sa bị đập phá tài sản, 3 tàu cá của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, Huỳnh Công Nhiệm, Dương Văn Giàu (cùng ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa trở lại ngư trường vì phải sửa chữa, mua sắm ngư cụ. Họ như ngồi trên đống lửa vì mùa đánh bắt đã đến.
Ngư cụ trên tàu của ông Nguyễn Chí Thạnh bị Trung Quốc phá nát Ảnh: VĂN MỊNH
Người rệu rã theo tàu
Một ngày giữa tháng 8-2013, cảng Lý Sơn tấp nập những chuyến biển ra vào. Trong một góc khuất, con tàu QNg 96084 TS nằm rệu rã… Cabin đã bị đập phá tan nát, chủ tàu Nguyễn Chí Thạnh ngồi thẩn thờ như mọi ngày. Thỉnh thoảng, ông đứng dậy, nhìn thật lâu vào từng bộ phận của con tàu để cố kiếm tìm ra cách sửa chữa ít tốn kém nhất…
Nhiều ngư dân ở cảng Lý Sơn cho biết sau chuyến biển bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, lấy sạch ngư cụ, ông Thạnh như người mất hồn. “Hằng ngày, ông cứ lên con tàu của mình, nhìn hết chỗ này đến chỗ khác. Hết nhìn tàu, ông lại nhìn ra biển. Có khi ông ở lại tàu cả ngày, không về nhà ăn uống. Bà con ở đây thấy cũng xót, khuyên ông giữ gìn sức khỏe, sửa chữa lại tàu. Dường như ông cũng đang suy sụp, rệu rã theo con tàu” – ông Huỳnh Văn Thanh, người dân sống gần cảng, nói.
Tiếp chúng tôi, ông Thạnh thổ lộ: “Những lần bị phía Trung Quốc bắt bớ vô cớ trước đây, tui cố vay bà con tiền bạc để gượng dậy. Không biết lần này sẽ ra sao…”.
Đã 20 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, ông Thạnh trải qua bao sóng gió, thiên tai trên biển cả nhưng chưa lần nào làm ông nhụt chí. Hết thiên tai này đến thiên tai khác, thiệt hại cũng đáng kể nhưng tàu của ông vẫn vượt sóng ra khơi, bám biển.
Chỉ từ đầu năm 2013 đến nay, tàu QNg 96084 TS phải hứng chịu 2 tai nạn lớn. Lần thứ nhất vào cuối tháng 4-2013, khi neo đậu gần tàu của ông Đinh Văn Giàu ở cảng Lý Sơn, thình lình tàu này bốc cháy khiến con tàu của ông Thạnh cũng bị vạ lây. Sau vụ cháy, chạy vay tiền bạc, sửa sang tàu hết 125 triệu đồng, ông Thạnh lại cùng hơn 10 ngư dân khác ra Hoàng Sa lặn tìm hải sâm. Thế nhưng, ngày 23-7 vừa rồi, khi đang khai thác, tàu ông Thạnh bị phía Trung Quốc vô cớ bắt bớ, lấy hết ngư cụ, hải sâm rồi đập phá tài sản, tổng thiệt hại lên đến gần 500 triệu đồng. Sau đó, họ mới thả tàu ông Thạnh về Lý Sơn.
Trước đó, ngày 17-6-2009, một tàu cá khác của ông Thạnh cũng bị Trung Quốc bắt và tịch thu vô cớ. Sau đó, ông phải vay tiền để đóng tàu QNg 96084 TS.
“Thiệt hại liên tiếp và quá lớn, nợ chồng chất, gia đình tôi không còn chỗ để vay tiền đóng tàu được nữa” – ông Thạnh buồn bã.
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (trái) chuẩn bị ngư cụ, sẵn sàng ra khơi khi sửa chữa xong chiếc tàu bị phía Trung Quốc vô cớ đập phá Ảnh: Văn Mịnh
Có bán nhà cũng chấp nhận
Hai ngư dân Huỳnh Công Nhiệm (chủ tàu QNg 96110 TS) và Dương Văn Giàu (chủ tàu QNg 96417 TS) cũng bị phía Trung Quốc vô cớ bắt bớ, phá hoại tài sản như ông Thạnh nhưng may mắn có cơ hội gượng dậy, sửa chữa tàu và đang chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân Huỳnh Công Nhiệm cho biết: “Tôi may mắn được người thân cho vay tiền sửa chữa tàu, nếu không cũng chết dở như ông Thạnh”. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tàu của ông Nhiệm bị Trung Quốc bắt đến 4 lần.
Ông Nhiệm kể: Ngày 27-7 vừa rồi, trong khi cùng 11 ngư dân đánh bắt ở biển Hoàng Sa, tàu 306 của Trung Quốc chạy đến dùng vòi rồng xịt nước, ném đá vào tàu QNg 96110 TS. Sau một hồi bỏ chạy, tàu QNg 96110 TS trở lại ngư trường. Sau đó, tàu này lại bị tàu Trung Quốc quấy phá. Đến ngày 30-7, tàu ông Nhiệm bị tàu 306 áp sát.
“Họ nhảy sang khống chế, bắt ngư dân tàu QNg 96110 TS đưa tay lên, cúi mặt về trước, đồng thời đập phá cabin, vứt dầu xuống biển, chặt đứt ngư cụ, đánh đập anh em… Sau khi lấy đi các thiết bị thăm dò và liên lạc, họ mới thả tàu. Tổng thiệt hại do tàu 306 gây ra là hơn 700 triệu đồng” – ông Nhiệm bức xúc.
Trong đợt bị phía Trung Quốc bắt giữ chung với ông Nhiệm, tàu của ngư dân Dương Văn Giàu cũng bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Ông Giàu kể: “Chẳng những lấy hết ngư cụ, thiết bị, người trên tàu 306 còn đánh đập tụi tôi. Hễ thấy ai phản kháng, họ đánh thậm tệ”.
“Sau chuyến biển đó, tôi vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng, vay người thân gần 300 triệu để sửa chữa tàu. Tàu vừa được sửa xong và chuẩn bị ra khơi. Tôi chỉ mong thuận buồm, xuôi gió để có tiền trả nợ” – ông Nhiệm kỳ vọng.
Sau khi sửa chữa, mua sắm ngư cụ, tàu cá của ngư dân Dương Văn Giàu cũng đang chuẩn bị trở lại ngư trường. Chiều 18-8, trước khi trở lại vùng biển Hoàng Sa, ông Giàu quả quyết: “Là dân biển, không đi biển lấy gì sống! Nếu bị phía Trung Quốc quậy phá lần nữa, dù có bán nhà, chúng tôi cũng phải cố gượng dậy, chừng nào không gượng nỗi mới buông xuôi”.
Trao tiền hỗ trợ Ngày 20-8, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động sẽ trao tiền hỗ trợ cho 3 ngư dân bị Trung Quốc bắt bớ, đập phá ngư cụ. Cụ thể, Quỹ Tấm lòng vàng sẽ trao cho ngư dân Nguyễn Chí Thạnh 100 triệu đồng, hai ngư dân Dương Văn Giàu và Huỳnh Công Nhiệm mỗi người 50 triệu đồng. |