Cuối năm là dịp mọi gia đình dọn dẹp, xây sửa hoặc làm mới nhà cửa, không chỉ nhằm mục đích đón năm mới với tài lộc mới vào nhà, mà còn có ý nghĩa “xả xui”, xua đi những thứ cũ kĩ, những điều không tốt, không may của năm trước. Trên tinh thần đó, không chỉ nhà cửa mới cần phải dọn dẹp, mà chính bản thân mỗi người cũng cần tự làm mới mình, không chỉ thông qua việc mua sắm quần áo và đồ dùng mới. Mà chúng ta cũng hãy “nhấn nút F5” cho khối óc và con tim, rũ bỏ những suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực hoặc buồn đau còn tồn đọng từ năm cũ, để chuẩn bị cho những niềm vui, thành công và cơ hội của năm mới.
Từ một cơ chế tự vệ của cơ thể…
Nhiều người trong chúng ta từng trải qua những ký ức ám ảnh, gây sang chấn tâm lý như mất đi một người thân yêu, một tai nạn giao thông thảm khốc, hoặc chứng kiến tội ác, từ đó tâm trí của họ xuất hiện cơ chế bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực bộc phát. Tương tự như cách bộ não của chúng ta kiểm soát cảm giác đau đớn, tâm trí con người sẽ kìm nén những cảm xúc mãnh liệt hoặc tiêu cực mỗi khi có biến cố như một phản ứng tự vệ.
Kìm nén cảm xúc – dù xuất phát từ những chuyện thường ngày như giận người yêu, mất việc, lo lắng hồi hộp khi đi thi… hay những biến cố lớn gây sang chấn như kể trên – đều sẽ dẫn đến những hệ quả có tính hủy hoại đối với cơ thể và tâm trí. Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế, khi nhiều người lầm tưởng rằng việc kìm nén cảm xúc – mà phổ biến nhất là thói quen hạn chế biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài – đồng nghĩa với khả năng thích nghi tốt trong cuộc sống và là điều nên làm.
Những dấu hiệu của kìm nén cảm xúc:
- Cố tình làm cho bản thân mất tập trung để kìm hãm những phản ứng mang tính cảm xúc.
- Lảng tránh những chủ đề nhất định khi nói chuyện vì không muốn bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc gây ra từ những chủ đề đó.
- Lảng tránh những nơi chốn, những con người hay sự vật có thể khơi gợi những cảm xúc không mong muốn.
- Sử dụng rượu hoặc thuốc để tạm thời vô hiệu hóa nỗi buồn hoặc nỗi đau.
…Cho đến những hệ quả khó lường:
Nhiều nền văn hóa, chủ yếu là văn hóa Á Đông, quan niệm rằng kìm nén cảm xúc là một phẩm chất nam tính, và những ai không biết cách che giấu cảm xúc bị cho là yếu đuối. Thật không may, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, rằng việc lảng tránh những cảm xúc của bản thân chẳng những không làm cho chúng vơi đi, mà còn gây khó khăn cho bạn trong việc xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống có thể gây ra những cảm xúc tương tự.
Khoa học khẳng định rằng hành động kìm nén hoặc lảng tránh những cảm xúc tiêu cực chỉ khiến chúng trở nên mãnh liệt hơn. Ví dụ như khi bạn mất đi một người thân yêu, bạn sẽ kìm nén những cảm xúc đau buồn bằng cách xem những bộ phim vui nhộn và làm ra vẻ bình thường trước mặt bạn bè, như thể không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, nỗi đau vẫn luôn tồn tại tiềm ẩn trong bạn và sẽ bộc phát bất kỳ lúc này dù chỉ là một yếu tố kích thích “nhỏ như con thỏ”. Đây chỉ là một phản ứng tự vệ của cơ thể: bạn kìm nén những cảm xúc một cách có chủ ý, thì cơ thể của bạn sẽ cố giải phóng chúng ra để đảm bảo sự cân bằng và hạn chế tích tụ những tổn thương khác nghiêm trọng hơn.
Việc kìm nén cảm xúc về lâu dài sẽ khiến cơ thể bị stress, huyết áp cao, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra, những người kìm nén cảm xúc với mật độ thường xuyên còn có nguy cơ mắc phải các vấn đề về khớp, xương và nhiều bệnh khác do hệ miễn dịch giảm sút.
Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra mối liên hệ giữa sự lảng tránh cảm xúc bản thân và tình trạng giảm trí nhớ, cũng như nguy cơ gây hiểu lầm trong giao tiếp với người khác. Nguyên nhân là vì những người quen kìm nén cảm xúc thường không để ý đến những thông điệp họ phát ra cũng như ý nghĩa của chúng trong quá trình giao tiếp hàng ngày. Trong quan hệ đôi lưá hoặc vợ chồng, nếu một trong hai người thường xuyên phải che giấu cảm xúc, tần suất và chất lượng giao tiếp giữa hai bên sẽ giảm, khiến cho mối quan hệ trở nên ngột ngạt, “cơm không lành, canh không ngọt.”
Những người có thói quen kìm nén cảm xúc, dù là nam hay nữ, đều đối mặt với nguy cơ âu lo và trầm cảm nghiêm trọng trong suốt cuộc đời.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng kìm nén cảm xúc là một phần nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), do bệnh nhân thường xuyên phải chống chọi với những suy nghĩ và cảm xúc đau đớn, tiêu cực.
Giải pháp
Trong một số ít trường hợp, kìm nén cảm xúc lại là điều nên làm. Chẳng hạn, bạn không nên bật khóc trước mặt nhà tuyển dụng khi họ nói bạn không được tuyển dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngay sau đó, bạn phải tìm cách hoặc tìm đến một nơi phù hợp để giải tỏa cảm xúc một cách tích cực.
Về lâu dài, thay vì phải dồn nén, hãy học hỏi những cách khác nhau để điều tiết cảm xúc, tự điều chỉnh cho cảm xúc tiêu cực vơi đi, chẳng hạn như chơi thể thao hoặc thổi cảm xúc vào làm một công việc bạn yêu thích. Đừng ngại ngần tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý và sức khỏe tinh thần để được tư vấn về những cách thức phù hợp nhất giúp bạn điều tiết cảm xúc và suy nghĩ tích cực hơn.
Năm mới Tết đến, chúng ta hãy học cách điều tiết và giải phóng cảm xúc bản thân một cách tích cực, để đón một năm mới với nhiều niềm vui đích thực và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn nhé !
(tổng hợp từ Internet)
2013-08-05 11:39:03
Nguồn: http://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/2013/01/23/nhan-nut-f5-cho-khoi-oc-va-con-tim/