PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN
Từ sau năm 1975, dưới tác động của những điều kiện tự nhiên và luồng dân cư mới làm thay đổi mảnh đất, con người Tây Nguyên và nhà rông cũng đã và đang có nhiều biến đổi.
Những năm gần đây, gắn với quá trình định canh định cư, Nhà nước chủ trương khôi phục lại nhà rông truyền thống ở các buôn làng và chuyển nhà rông truyền thống thành nhà rông văn hóa cả trên bình diện cấu trúc vật chất lẫn trên bình diện chức năng. Do nguyên liệu tự nhiên khang hiếm, thay vì sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống như: tranh, tre, gỗ, nứa…, người ta sử dụng các vật liệu hiện đại như sắt thép, xi măng và tôn để dựng nhà rông(đang diễn ra quá trình bê tông hóa nhà rông Tây Nguyên). Toàn bộ kinh phí, vật liệu do Nhà nước đầu tư, thợ xây dựng là người Kinh từ đồng bằng lên, không hiểu biết gì nhiều về kiểu dáng, nghệ thuật trang trí, cũng như phong tục, tập quán, của mỗi tộc người liên quan đến ngôi nhà cộng đồng có ý nghĩa tâm linh này. Vì thế ngôi nhà dựng lên không gắn với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, thậm chí trở nên xa lạ với họ, do đó nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang một cách hết sức lãng phí. Nhà rông văn hóa ở các dân tộc được xây dựng giống nhau, chỉ còn tính thống mà mất đi tính đa dạng, đáng chú ý là có sự biến đổi về chức năng và sự mai một về giá trị. Rất ít chức năng cũ còn được duy trì, riêng chức năng tín ngưỡng thì được vận động xóa bỏ (lễ hội cúng thần bản mệnh làng ở nhà rông) thay vào đó là các chức năng văn hóa mới, có những cái phù hợp, nhưng có những cái xa lạ với nhận thức và tập quán của người dân. Với người dân Tây Nguyên, ngôi nhà rông do Nhà nước làm ra dễ bị hiểu là ngôi nhà rông của Nhà nước, nó không có hồn. không hiếm tình trạng nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên do Nhà nước xây dựng ít được sử dụng, thậm chí bị bỏ hoang mặc cho dê, bò húc phá.1
Nhà rông là ngôi nhà chung của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, nơi tiến hành những sinh hoạt xã hội, tín ngưỡng của cả buôn làng. Việc xây dựng nhà rông văn hóa ở Tây Nguyên là chủ trương hợp lý và đúng đắn góp phần đáng kể vào việc xây dựng đời sống mới. Tuy vậy vẫn tồn tại một số bất cập trong quá trình triển khai chủ trương này. Để bảo tồn, phát huy tốt các giá trị nhà rông truyền thống và nhà rông văn hóa Tây Nguyên cần nhận thức rằng nhà rông Tây Nguyên do chính tay người dân Tây Nguyên xây dựng có sự góp sức của Nhà nước (đưa ra chủ trương và cấp kinh phí). Tôn trọng tính đa dạng về văn hóa của ngôi nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt tôn trọng các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của người dân.(Theo như Bùi Minh Đạo trong Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nhà rông – nhà rông văn hóa: “Cần nhấn mạnh rằng lễ cúng thần bản mệnh của làng tại nhà rông là tín ngưỡng, là niềm tin chứ không phải mê tín. Xét về vai trò tâm linh, tín ngưỡng thờ thần bản mệnh kèm theo lễ đâm trâu ở nhà rông của các dân tộc Tây Nguyên không khác tín ngưỡng thờ thờ thần hoàng làng kèm theo lễ hội và tín ngưỡng thở Phật giáo của dân tộc Kinh đồng bằng. Mâu thuẫn là ở chỗ, trong khi lễ hội cúng thành hoàng và cúng Phật ở đền chùa người Kinh được phép tổ chức đều đặn hằng năm…thì lễ hội cúng thần bản mệnh làng ở nhà rông các buôn làng Tây Nguyên lại được vận động xóa bỏ”.)
[1] Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nhà rông – nhà rông văn hóa, Viện văn hóa thông tin- tạp chí VHNT, HN 2004, tr.115 (Bùi Minh Đạo).
2013-08-05 10:26:04
Nguồn: http://dulichthailan123.wordpress.com/2013/06/30/phat-huy-gia-tri-van-hoa-nha-rong-tay-nguyen/