Cảm giác buồn ngủ, uể oải sau giờ nghỉ trưa có thể do vấn đề đường tiêu hóa, huyết áp thấp, hạ canxi trong máu, nhịn ăn trưa, thói quen nghiện cà phê…
Nhiều người, nhất là dân làm việc văn phòng, khổ vì sáng vào việc với phong cách “làm tới nơi, chơi tới bến” nhưng sau bữa cơm trưa thì mắt mở hết lên. Không ít người làm việc tốt trong buổi sáng nhưng vẫn mang tiếng lười biếng chỉ vì gương mặt thất thần, ánh mắt lờ đờ vào đầu giờ chiều.
Cần xác định các nguyên nhân gây mệt mỏi, uể oải sau giờ cơm trưa để có cách khắc phục. Ảnh: vth.biz
Trước hết, nguyên nhân hàng đầu khiến buồn ngủ sau bữa cơm trưa là phản ứng lên men thái quá trong khung ruột. Tình trạng này thường gặp ở người bị viêm ruột kích ứng, người “bị” điều trị quá thường với thuốc kháng sinh vì viêm xoang, viêm bàng quang… Bệnh nhân nếu muốn “thức tỉnh” cần được điều trị bệnh đường tiêu hóa đến nơi đến chốn, đồng thời bổ sung vi sinh loại hữu ích thuộc nhóm Acidobacillus, Bifidum… bằng các món “chua” như sữa chua, cải chua, kim chi.
Kế đến, huyết áp thấp là lý do không hiếm thấy ở người “hết pin” trước khi vào việc buổi chiều. Tình trạng này càng nhanh đến nếu bữa ăn trưa quá nhạt. Huyết áp thấp là dấu hiệu cho thấy tim không đẩy máu nổi đến mọi ngõ ngách của cơ thể. Sau bữa ăn trưa, một lượng máu lớn phải được huy động cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Não bộ vì thế khó tránh thiếu dưỡng khí vì “viện binh” lo cứu viện chỗ khác. Nạn nhân nếu vẫn còn đủ sức làm việc trí óc mới là chuyện lạ.
Buồn ngủ đồng thời với cảm giác tay chân cứ như rũ liệt rất có thể là hậu quả của hạ canxi trong máu. Tình trạng này phổ biến, nhất là người có vấn đề với tuyến giáp, nhưng lại ít khi được quan tâm. Chỉ cần bổ sung chất vôi, chẳng hạn bằng thuốc đa khoáng tố, mỗi khi thời tiết thay đổi, gần kỳ kinh, sau cảm cúm, thì bạn không còn mang tiếng chưa làm việc được nửa ngày đã buồn ngủ.
Thêm vào đó, buồn ngủ mở mắt không lên còn có thể vì nạn nhân chính là… thủ phạm. Đó là trường hợp người bị tụt đường huyết vì không ăn trưa do sợ mập, do quá bận việc, hoặc có ăn trưa nhưng bữa ăn không đủ chất ngọt để bù trừ cho năng lượng tiêu hao qua công việc trước đó. Tình trạng này càng rõ nét nếu trước đó bạn không ăn sáng hoặc chỉ uống cà phê mà không ăn.
Cảm giác buồn ngủ đến độ ngáp hoài cũng có thể là hậu quả của việc thiếu cữ cà phê ở người có thói quen nhâm nhi món này nhiều lần trong ngày. Thiếu cà phê khiến trung khu điều hành giấc ngủ phát tín hiệu đến giờ lên giường dù trời vẫn còn sáng trưng.
(theo vnexpress)
2013-08-20 18:00:06
Nguồn: http://suckhoevadoisong.org/tai-sao-cu-buon-ngu-sau-gio-com-trua/