Nếu có cách nào đó để chấm dứt căng thẳng đang “sục sôi” ở Biển Đông – một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới, thì đó chính là việc các nước trong khu vực cần phải tìm ra cách để giải quyết những cuộc tranh chấp hàng hải chứa đầy nguy cơ giữa họ.
Trung Quốc, hơn bất kỳ quốc gia nào, chính là nước đã thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng và sự thù địch trong khu vực vì những đòi hỏi chủ quyền thái quá cùng những hành động đối đầu hung hăng ở các quần đảo tranh chấp, thậm chí là cả bãi đá.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm giúp giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình. Các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế chưa kịp vui về tuyên bố trên của quan chức Trung Quốc thì ngay lập tức ông này cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc không vội vã trong tiến trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử. Nói theo cách khác, phát biểu sau của ông Vương Nghị đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tiếp tục để các cuộc xung đột ở Biển Đông leo thang.
10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ thảo luận chủ đề về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vào tháng tới. Những đòi hỏi chủ quyền ở vùng chồng lấn rất là phức tạp nhưng hành động trì hoãn của Trung Quốc giúp nước này có thêm thời gian đồng thời reo rắc những chia rẽ giữa các nước nhỏ hơn trong khu vực. Biển Đông đã chứng kiến các cuộc tranh chấp từ nhiều thế kỷ nay. Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng hải quân và các tàu thuyền thương mại theo một cách hung hăng, quyết liệt ở Biển Đông đang làm nhiều nước láng giềng lo lắng.
Nguy hiểm ở chỗ, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột. Ngoài là một tuyến đường giao thương quan trọng có tính sống còn của thế giới, Biển Đông và biển Hoa Đông được tin còn là khu vực chứa trữ lượng dầu khí lớn cũng như có nguồn cá và khoáng sản phong phú, dồi dào. Trung Quốc đòi “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với phần lớn Biển Đông và từng cắt cáp tàu Việt Nam. Trung Quốc cũng có nhiều cuộc đụng độ với tàu thuyền Philippines và Nhật Bản.
Phương pháp tiếp cận đối đầu là hành động không khôn ngoan đối với một nước vốn được lợi rất lớn từ sự ổn định và phát triển nhưng cũng là nước phải tập trung vào việc giải quyết một loạt vấn đề nghiêm trọng trong nước, trong đó có nền kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thay vì kích động chủ nghĩa dân tộc nổi lên, gây ra bất hòa, Bắc Kinh nên hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết tranh chấp.
Theo NYT/Vnmedia
|
2013-08-23 23:22:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/trung-quoc-khong-khon-ngoan-khi-choc-pha-o-bien-dong-a99302.html