Ngoài các lớp học làm bom tự tạo, điệp viên Kim Dong-sik còn phải học và xem hàng trăm bài hát nhạc pop, nhạc nhảy của Hàn Quốc.
Các chiến lược như vậy nhằm giúp các điệp viên Triều Tiên có thể thâm nhập vào xã hội Hàn Quốc, tạo vỏ bọc tốt để tránh sự nghi ngờ. Điệp viên Kim, 51 tuổi, đã bị bắt ở Hàn Quốc năm 1995 và bị thẩm vấn trong nhiều năm liền trước khi đào ngũ và trở thành một nhà phân tích thông tin tình báo của Seoul.
Năm 17 tuổi, Kim nhập học tại Đại học quân sự chính trị Kumsong ở Bình Nhưỡng, nơi hun đúc nên những đặc vụ hoạt động nằm vùng tại Hàn Quốc.
Kim là một trong số 200 sinh viên được tuyển mộ mỗi năm sau khi các nhà chức trách đã điều tra kỹ lưỡng về thân thế, gia đình, lực học và trên tất thảy là lòng trung thành vô điều kiện đối với đất nước.
Ông Kim Dong-sik nhớ lại những ngày tháng học trong trường đào tạo điệp viên Triều Tiên
Những học viên ưu tú tại ngôi trường này không được phép rời học xá hoặc liên lạc với bất kỳ ai bên ngoài bức tường rào của nhà trường, kể cả cha mẹ của họ.
Họ chỉ được phép gửi bưu thiếp chúc mừng năm mới cho gia đình, nhưng không được đề địa chỉ gửi lại.
Những ngày học là những buổi tập huấn các kỹ năng khác nhau, từ võ thuật cho tới sử dụng vũ khí, chế tạo bom cho tới kỹ năng ‘vượt rào’, địa chất học và kỹ thuật mật mã, hay ngành hàng hải.
Các buổi học cũng bao gồm bài giảng về hệ tư tưởng.
Kim kể lại, tất cả mọi học viên đều phải thấm nhuần tư tưởng họ có thể sẽ phải hy sinh vì đất nước trong khi thực hiện nhiệm vụ vào bất cứ lúc nào.
Nếu bị bắt, họ sẽ phải nuốt các viên thuốc độc cyanua, chứ không được để bị bắt sống và thẩm tra.
“Ý nghĩ về cái chết luôn nặng gánh trên vai của chúng tôi… đó thật sự là một gánh nặng cho những thanh niên 20 tuổi khi đó” – Kim nói.
Hàng chục người đã phải bỏ cuộc vì sức ép quá lớn từ các khóa học. Nhưng Kim vẫn kiên trì, với mong muốn sớm được thăng tiến trong hàng ngũ Đảng Lao động.
Sau khi tốt nghiệp, trọng tâm sẽ chuyển sang việc đào tạo các điệp viên Triều Tiên sao cho giống y như người dân Hàn Quốc.
Những người Hàn Quốc bị bắt cóc và giữ lại Triều Tiên đã dạy các điệp viên này cách nói như người Hàn, và hiểu được đời sống văn hóa, xã hội cũng như chính trị ở Seoul.
Quá trình ‘địch hóa’ này mang lại cho họ những cảm nhận đầu tiên về cuộc sống bên ngoài biên giới, khi hàng ngày họ được nghe, xem các bộ phim, tạp chí, sách báo và truyền hình Hàn Quốc.
Họ sẽ phải ghi nhớ các bản nhạc và điệu nhảy nổi tiếng tại Hàn Quốc, cùng với tên tuổi, sự nghiệp của những người nổi tiếng trên truyền hình và ngôi sao thể thao.
Nhưng những khác biệt này về đời sống tinh thần không làm lung lay những điệp viên của Triều Tiên.
“Chúng tôi quá trung thành nên không bị lung lay bởi những thứ đó” – Kim nói. “Họ nói với chúng tôi rằng chỉ có những kẻ tư bản giàu có mới có thể tận hưởng những điều hay ho ở Hàn Quốc, và chúng tôi không hề ngờ vực điều gì”.
Sau gần 10 năm huấn luyện, Kim được giao nhiệm vụ đầu tiên và được điều tới Hàn Quốc năm 1990. Nhiệm vụ của ông là tuyển mộ các nhà hoạt động cánh tả, và giúp đưa điệp viên kỳ cựu Ri Son-Sil – người điều hành một mạng lưới rất rộng các điệp viên ở Hàn Quốc – về nước.
Hai năm sau đó, tên của Ri xuất hiện tràn ngập các mặt báo Hàn Quốc khi hàng chục nhà hoạt động cánh tả bị bắt và buộc tội hợp tác với Ri để làm gián điệp cho Triều Tiên trong thời gian những năm 1980.
Nhiệm vụ của Kim đã thành công và ông được trao thưởng huân chương ‘Anh hùng’ danh giá khi trở về Triều Tiên.
Năm 1995, Kim được cử trở lại Hàn Quốc trong nhóm gồm hai người để áp giải một điệp viên bị nghi là hai mang trở về Bình Nhưỡng. Điệp viên bị tình nghi này hoạt động trong vỏ bọc là một nhà sư, bị cho là bắt tay với cơ quan tình báo Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hành tung nhóm của Kim bị lộ. Trong một cuộc đấu súng, đồng đội của Kim hy sinh, còn ông bị thương và bị bắt.
Kim từ chối tiết lộ bất cứ thông tin gì liên quan tới quãng thời gian bốn năm ông ở trong nhà giam tình báo quân đội, nói rằng đó là khoảng thời gian ‘rất khó khăn’.
Sau cùng, ông không bị tù giam, nhưng lại được bổ nhiệm làm một nhân viên tình báo của Hàn Quốc và phải tuyên bố từ bỏ lòng trung thành với Triều Tiên.
“Có vẻ như họ nghĩ rằng, với những kinh nghiệm và thông tin mà tôi nắm được, tôi có nhiều giá trị cho họ hơn và là một nhà phân tích tình báo tốt hơn hẳn” – Kim nói về quyết định của chính quyền Soeul.
Điều duy nhất Kim biết về gia đình ông sau đó là cha mẹ ông đã bị ‘thanh lọc’.
“Trong mắt họ (Triều Tiên), tôi đã hai lần thất bại – thứ nhất là không hoàn thành nhiệm vụ, thứ hai là không uống thuốc độc trước khi bị bắt” – Kim kể lại.
Cựu điệp viên Triều Tiên giờ đã bắt đầu cuộc sống mới tại Hàn Quốc, kết hôn và có hai cậu con trai. Ông trở thành Tiến sĩ với luận án về chiến lược tình báo của Triều Tiên.
“Cuộc đời tôi đầy những thăng trầm… có bao nhiêu ngày cái chết treo lơ lửng trên đầu tôi” – Kim nói.
“Nhưng tôi đã học cách trân trọng một cuộc sống bình dị và trầm lặng. Tôi chỉ mong mình có thể già đi và chết theo cách đó” – cựu điệp viên Triều Tiên nói.
Theo Lê Thu (Vietnamnet/Yahoo News)
2013-09-02 19:44:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cai-chet-treo-lo-lung-tren-dau-mot-diep-vien-trieu-tien-a100825.html