Lần đầu tiên, Nghi lễ Chầu văn (hay còn gọi là Diễn xướng hầu đồng) được tổ chức thành một liên hoan quy mô hoành tráng với sự tham gia của nhiều thanh đồng đạo quan ở Hà Nội nhằm tôn vinh giá trị nghệ thuật và tâm linh của loại hình trình diễn độc đáo này.
GS Ngô Đức Thịnh – thành viên ban tổ chức sự kiện này cho biết, chầu văn có nguồn gốc ở các tỉnh phía Nam của miền Bắc như: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… Tuy nhiên, đến thời điểm này, trung tâm của chầu văn hiện đại lại tập trung ở Hà Nội. Và dưới góc độ của một nhà nghiên cứu nghi lễ này ông phát hiện ra nghi lễ chầu văn đang bị “Hà Nội hóa” chầu văn từ cách hát cho đến cách diễn xướng và những nơi phát tích nghi lễ này đã mất vai trò trung tâm. Vì lẽ đó, những năm gần đây, nghi lễ chầu văn ở Hà Nội phát triển khá mạnh mẽ.
Và để có thể thống kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Chầu văn trên địa bàn Hà Nội, góp phần xây dựng hồ sơ Nghi lễ Châu văn ở Hà Nội, trình Bộ VH,TT&DL chứng nhận Nghi lễ Chầu Văn của người Việt được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trình tổ chức UNESCO Thế giới công nhận Nghi lễ Chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Sở VH, TT& DL đã quyết định tổ chức Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013.
Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cũng thừa nhận, vấn đề khó trong quản lý Nghi lễ Chầu văn hiện nay là vẫn còn có khá nhiều ý kiến và cách nhìn khác nhau. Ngoài việc có những nghi lễ hầu đồng cổ đậm tín ngưỡng của người Việt thì cũng có những nhóm hầu đồng tổ chức các hoạt động mê tín, gây nên những hiểu lầm không nhỏ trong dư luận. Nhân Liên hoan này, cơ quan quản lý văn hóa hy vọng sẽ tìm ra được cách quản lý phù hợp để phát huy, bảo tồn những giá trị của nghi lễ Chầu văn.
Đợt 1 được tổ chức từ ngày 25 đến hết ngày 30-9 với 4 cụm biểu diễn tại 4 Đền trên địa bàn Hà Nội như: đền Lâm Du (phường Bồ Đề, Long Biên), Yên Phú (Liên Trì, Thanh Trì), Cây Quế (Trung Hòa, Cầu Giấy) và đền Kim Giang (Kim Giang, Thanh Xuân) từ ngày 25 cho đến ngày 30/9. 10 tiết mục đặc sắc thể hiện tinh thần của nghi lễ chầu văn, sát với thực tế sẽ được lựa chọn để trình diễn tại vòng 2 của liên hoan diễn ra dự kiến trong hai ngày 4 và 5/10 tại Rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, để giữ nguyên không gian trình diễn phù hợp, tất cả các buổi sơ khảo nghi lễ chầu văn đều được tổ chức tại các đền cổ ở Hà Nội. Tuy nhiên, riêng tại vòng hai, Ban tổ chức quyết định đưa liên hoan về rạp Công Nhân bởi đây là rạp của Sở, đồng thời có đủ điều kiện về chỗ ngồi, nơi gửi xe, bảo đảm an ninh, an toàn cho liên hoan. Để khắc phục hạn chế về không gian trình diễn, ông Lợi cho biết, sẽ tạo dựng một sân khấu gần gũi với không gian hầu đồng nhiều nhất có thể, với bàn thờ, các mô hình…, sao cho người trình diễn có thể thể hiện được hết những tinh túy của nghệ thuật chầu văn.
Ông Lợi cũng cho biết, sẽ không có chấm điểm, trao giải như ở các liên hoan khác, mà ban tổ chức chỉ có trao tặng các các kỷ niệm chương, danh hiệu hoặc chứng nhận… như một sự ghi nhận việc họ đóng góp của các thành viên trong một một sự kiện chính thức và quy mô lớn như liên hoan. Trong khuôn khổ Liên hoan, cuộc tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của nghi lễ chầu văn trong đời sống đương đại” cũng được tổ chức trong ngày 5/10 với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các đội chầu văn, thanh đồng hoặc cung văn…
Trên thực tế, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức một liên hoan về nghi lễ hầu đồng trong khi các địa phương khác như: Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… đã làm nhiều lần. Thậm chí, theo như lời GS Ngô Đức Thịnh thì trung tâm của ông đã từng đưa trình diễn hát văn và hầu đồng đến những nơi chưa hề biết đến loại hình nghệ thuật này như: Côn Đảo, Tiền Giang, Phú Quốc… và đều nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt.
2013-09-24 01:45:37